Xây dựng tuyến điều tra: Dựa trên bản đồ hiện trạng của khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông chúng tôi xây dựng các tuyến điều tra và lập các OTC để điều tra, thu thập mẩu phục vụ cho công tác định loài và lập danh lục.
Thu mẫu: Các mẫu thực vật được thu thập phải đảm bảo có đầy đủ các
bộ phận cành, lá, hoa, quả (đối với cây lớn) hay cả cây (cây thảo nhỏ hay dương xỉ). Các mẫu được thu thập phải có tỷ lệ tương đối phù hợp với kích thước chuẩn của mẫu tiêu bản: 41 x 29 cm [7].
Tuy nhiên, trong điều tra thực vật dân tộc học, các mẫu tiêu bản thu được thường không đầy đủ các tiêu chuẩn trên. Trong các trường hợp này, chúng tôi tiến hành thu thập các mẫu vật có thể (cành, lá, hoa, quả, hạt, rễ) các mẫu này không đủ cơ sở để xác định chính xác tên khoa học nhưng có thể định hướng cho quá trình thu thập thông tin kèm theo và thu mẫu tiêu bản bổ sung sau này [33].
Ghi chép thông tin: Các thông tin liên quan đến mỗi mẫu vật được ghi chép như: Dạng sống, đặc điểm thân, cành, lá, hoa, quả, màu sắc hoa, quả khi chín, màu của nhựa, dịch, mủ; mùi, vị của hoa quả. Các thông tin về thời gian, địa điểm thu mẫu, điều kiện tự nhiên, sinh thái nơi sống, mật độ, người thu mẫu cũng nên được ghi nhận [7], [33].
Xử lý mẫu: Các mẫu được cắt tỉa cho phù hợp sau đó kẹp vào giữa hai tờ báo (kích thước 45 x 30 cm) và được ngâm trong dung dịch cồn 400 - 450. Mẫu được lấy ra khỏi cồn và được đặt giữa hai tờ báo khô, xếp thành từng tập, kẹp bằng kẹp mắt cáo để mang đi phơi hoặc sấy khô.
Định tên: Việc định tên được sử dụng theo phương pháp hình thái so sánh, dựa vào các đặc điểm phân tích được từ mẫu vật, các thông tin ghi chép ngoài thực địa.
Lập danh lục: Từ các mẫu tiêu bản đã có tên, chúng tôi tiến hành lập danh lục thực vật. Tên khoa học của các loài được kiểm tra và chỉnh lý theo bộ “Danh lục các loài thực vật Việt Nam”.