Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.2. Mô tả đặc điểm hình thái các loài côn trùng cánh cứng thu được
4.2.6. Họ mọt hại vỏ (Scolytidae)
Là họ nhỏ trong Bộ cánh cứng, thường có cơ thể nhỏ hình ống, bán cầu khi nhìn nghiêng hoặc hình trứng khi nhìn từ trên xuống, có chiều dài nhỏ hơn 5mm, có màu đen hay nâu thẫm. Râu đầu ngắn, mập, hình đầu gối, có 9- 10 đốt. Đầu nhỏ hình cầu, ở một số loài mảnh lưng ngực trước rất phát triển che khuất hầu hết phần đầu. Miệng có hàm trên phát triển. Cánh trước được ki-tin hoá cao để che chở ngực giữa, ngực sau và bụng, trên cánh có nhiều chấm lỏm nằm trong các đường gạch dọc, cuối cánh vạt thành mặt phẳng nghiêng và trên đó có răng. Bụng có 9-10 đốt. Sâu non hình chữ "C" không có chân bụng và chân ngực [9].
Qua điều tra điều tra nghiên cứu thu được 08 loài trong đó có hai loài chưa xác định được tên khoa học trong họ này.
4.2.6.1. Loài mọt hồ lô (Xylosandrus multilatus) a. Đặc điểm hình thái
Là loài mọt tương đối lớn trong họ, toàn thân phủ lông và có màu đen, chân và râu màu hung đỏ. Kích thước cơ thể chiều dài cơ thể khoảng 3,5mm. Loài này có một đặc điểm nổi bật rất dẽ nhận biết là chiều dài của cánh trước thường ngắn hơn chiều dài mảnh ngực, cuối cánh vát thành mặt phẳng nghiêng một góc khoảng 20-300 so với cơ thể (hình 4.9).
Hình 4.9: Mọt hồ lô
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong thời gian điều tra nghiên cứu cho thấy Mọt hồ lô có ở cả ba loại rừng nhưng ở rừng bạch đan dòng PN2, U6 chiếm chủ yếu so với hai loại rừng kia và thường xuất hiện vào các tháng 6, 7, 8 và 9 trong năm.
4.2.6.2. Loài mọt cám đen (Coccotrypes sp1)
a. Đặc điểm hình thái
Là loài có kích thước nhỏ khoảng 1- 3mm, cơ thể hình bầu dục màu nâu đen được phủ lông và trên thân có rất nhiều chấm trắng hình nhỏ. (hình 4.10)
Hình 4.10: Mọt cám đen
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong quá trình điều tra nghiên cứu cho thấy Mọt cám đen chỉ có ở rừng bạch đàn dòng PN2, U6 với một cá thể duy nhất. Loài này xuất hiện vào thời gian tháng 5 trong năm.
4.2.6.3. Loài mọt cám nâu cánh gián (Coccotrypes sp2)
a. Đặc điểm hình thái
Mọt cám nâu cánh gián có kích thước nhỏ từ 1-2,5mm, hình dạng giống hình bầu dục, toàn thân có màu cánh gián và phủ một lớp lông, nhưng tập trung ở phần trán và phía cuối cánh (hình 4.11)
Hình 4.11: Mọt cám nâu cánh gián
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong quá trình điều tra nghiên cứu cho thấy loài Mọt cám nâu cánh gián chỉ có ở rừng Thông caribê và xuất hiện vào thời gian tháng 4 và 5 trong năm.
4.2.6.4. Loài Mọt nâu đen (Xylosandrus sp1)
a. Đặc điểm hình thái
Mọt nâu đen có kích thước tương đối nhỏ khoảng 1-2,5mm, cơ thể có màu nâu đen bóng và được phủ một lớp lông khá cứng. (hình 4.12).
Hình 4.12: Mọt nâu đen
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong thời gian điều tra nghiên cứu theo dõi cho thấy loài Mọt nâu đen có ở hai loại rừng (keo lai và Thông caribê) và chúng xuất hiện vào thời gian tháng 7 trong năm.
4.2.6.5. Loài mọt gai (Dryocoetes villosus)
a. Đặc điểm hình thái
Cơ thể có màu nâu vàng sẫm, kích thước: dài 0,18- 0,22mm, rộng 0,7- 0,9mm. Trên đầu phía trán có một chum lông, phía đuôi cánh trước gấp khúc và lõm vào có hình dạng trông giống cái xẻng và mỗi bên cánh có nhiều gai nhọn to màu đen. Nếu nhìn từ trên mặt lưng nhìn xuống sẽ không thấy phần
đầu do được giấu dưới mảnh lưng ngực (hình 4.13).
Hình 4.13: Mọt gai
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong quá trình điều tra theo dõi ở khu vực nghiên cứu cho thấy loài Mọt gaicó ở cả ba loài rừng với mật độ quần thể nhiều nhất so với mật đồ quần thể của các loài khác và chúng xuất hiện rải rác ở các tháng trong năm nhưng có hai chu kỳ xuất hiện nhiều và khá rõ: chu kỳ thứ nhất vào các tháng 4,5 và 6; chu kỳ thứ hai là các tháng 8, 9 và 10.
4.2.6.6. Loài mọt đen (Xylosandrus Sp2)
Mọt đen kích thước từ 1-3mm, có màu đem xám tro, phía trán của phần đầu nếu nhìn kỹ có một đám lông gai cứng và gắn, mặt trên của cánh cũng có lông mọc rải rác (hình 4.14).
Hình 4.14: Mọt đen
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong quá trình điều tra nghiên cứu thấy loài Mọt đen chỉ có hiện ở rừng Thông caribê và xuất hiện vào thời gian tháng 6 trong năm.
4.2.6.7. Loài mọt đuôi vát (Amasa sp.)
a. Đặc điểm hình thái
Mọt đít vát màu nâu cánh gián có kích thước cơ thể từ 1-3mm nhưng sẫm phía đuôi cánh, phía đỉnh đầu có một chùm lông, phẩn mặt trên của lưng cũng có lông mọc rải rác. Phía cuối cánh bị vát theo một đường thẳng. nhìn từ mặt lưng trên nhìn xuống sẽ không thấy đầu do bị giấu dưới mảnh ngực trước. (hình 4.15)
Hình 4.15: Mọt đuôi vát
Trong quá trình điều tra cho kết quả là loài Mọt đít vát có mặt ở cả ba loại rừng và xuất hiện từ tháng 6 đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10 trong năm.
4.6.1.8. Loài mọt cánh bạc (Crestus sp.)
a. Đặc điểm hình thái
Có kích thước trung bình khoang 5-9mm. Phần đầu khá to và có màu đen bóng, trán cũng có lông mọc rải rác. Mặt lưng trên của cánh có hai đốm trắng bạc bong chiếm gần hết diện tích của cánh, phía đuôi cánh cũng có gai mọc rải rác. (hình 4.16).
Hình 4.16: Mọt cánh bạc
b. Đặc điểm tập tính hoạt động
Trong quá trình điều tra ở khu vực nghiên cứu cho thấy chỉ thu được mẫu ở rừng Thông caribê vào thời gian tháng 4, và 5 trong năm.