Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn tại huyện thường tín, thành phố hà nội​ (Trang 32 - 35)

3.1.1.1. Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên a. Vị trí địa lý

Huyện Thường Tín hiện nay (bao gồm thị trấn Thường Tín và 28 xã), có vị trí như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; - Phía Nam giáp huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; - Phía Đông giáp sông Hồng và tỉnh Hưng Yên;

- Phía Tây giáp huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

b. Đặc điểm địa hình

Thường Tín là huyện đồng bằng sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, độ chênh lệch cao độ giữa các vùng không đáng kể. Địa hình có độ cao so với mực nước biển từ 5 - 8 m, có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, độ dốc khoảng 0,1  0,3%.

Sự thiếu hụt bồi tích của hệ thống sông đã làm cho bề mặt địa hình của phần lớn diện tích trong đồng thấp hơn bề mặt của bãi bồi ngoài đê và thường bị úng lụt vào mùa mưa.

Vùng đất ngoài bãi nằm dọc theo sông Hồng có hiện tượng xói lở, chia cắt làm bề mặt thay đổi về hình dạng vùng cũng như diện tích khu đất này.

c. Khí hậu, thời tiết

- Thường Tín nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và mùa đông khô lạnh, mưa ít.

- Nhiệt độ bình quân hàng năm 23,5OC, tổng nhiệt lượng cả năm khoảng 8.000 - 8.500OC.

- Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.600 - 1.700 mm, chủ yếu tập trung vào các tháng 6, 7, 8 và 9.

- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 82%, độ ẩm cao nhất là 92% và độ ẩm thấp nhất là 60%.

- Số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.741 giờ, thuộc mức tương đối cao, có điều kiện thích hợp để canh tác nhiều vụ trong năm.

Thường Tín chịu ảnh hưởng của 2 loại gió là gió Đông Bắc xuất hiện vào mùa đông và gió Đông Nam xuất hiện vào mùa hè. Ngoài ra, vào các tháng chuyển tiếp giữa 2 mùa thỉnh thoảng xuất hiện gió Tây Nam và Đông Nam.

d. Thủy văn

Địa bàn huyện có 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Nhuệ. Tuy nhiên, phần lớn diện tích địa bàn huyện Thường Tín nằm phía trong đê sông Hồng và không chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng.

- Sông Hồng nằm ở phía Đông chạy theo ranh giới huyện Thường Tín, với chiều dài khoảng 20 km, đóng vai trò quan trọng về giao thông đường thủy, là nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.

- Sông Nhuệ nằm ở phía Tây, cũng là nguồn cung cấp nước và tiêu thoát nước quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Mực nước sông Nhuệ, là yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định cao nền xây dựng trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có sông Tô Lịch chảy qua với chiều dài 12 km, hiện tại lòng sông bị rác và thực vật che phủ nên tốc độ dòng chảy chậm. Hệ thống sông ngòi tự nhiên trên được nối với nhau bởi khá nhiều sông, kênh dẫn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, giao thông thủy. Đồng thời, các hệ thống sông này cũng tạo nên một diện tích đất phù sa màu mỡ.

đ. Địa chất công trình, địa chất thủy văn

Đặc điểm nền đất trên địa bàn huyện Thường Tín, được hình thành bởi loại đất phù sa cổ không được bồi đắp hàng năm, chủ yếu là đất bùn, sét pha,

cát pha sét nền đất yếu cường độ kháng nén kém. Đặc biệt một số khu vực ruộng trũng có lớp bùn dày nền đất rất yếu, khi xây dựng phải đắp nền và gia cố nền công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng. Cường độ chịu tải của đất thích hợp với công trình dân dụng thấp tầng. Khi xây dựng công trình trên 5 tầng, cần khảo sát địa chất để có giải pháp gia cố nền móng phù hợp.

Nước ngầm có trữ lượng lớn, phân bố ở độ sâu 15 - 25 m, có thể khai thác vào mục đích sản xuất và sinh hoạt.

e. Địa chấn

Theo dự báo của Viện khoa học Địa cầu: Khu vực huyện Thường Tín nằm trong vùng động đất cấp 8. Vì vậy, khi xây dựng các công trình cần phải tính đến độ an toàn cho công trình nằm trong vùng dự báo có động đất như trên.

3.1.1.2. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất

Thổ nhưỡng huyện Thường Tín chủ yếu được bồi đắp bởi 2 sông chính là sông Nhuệ và sông Hồng, được chia làm 5 loại chính như sau:

- Đất cát trắng: Có diện tích khoảng 122,22 ha chiếm 0,96% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện, phân bố tập trung ở xã Tự Nhiên;

- Đất phù sa trung tính: Có diện tích khoảng 171,56 ha chiếm 1,34% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Được phân bố ở các xã có diện tích nằm ngoài đê như: Tự Nhiên, Ninh Sở, Thống Nhất, Hồng Vân, Chương Dương, Lê Lợi, Vạn Điểm;

- Đất phù sa chua: Có diện tích khoảng 6.059,48 ha, chiếm 57,45% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố tập trung ở trong đê, có trên tất cả các xã, thị trấn trong huyện;

- Đất phù sa trung tính gley: Có diện tích khoảng 1.711,06 ha chiếm 13,40% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố trong đê, trên địa bàn các xã Ninh Sở, Duyên Thái, Nhị Khê, Hiền Giang, Hòa

Bình, Văn Bình, Văn Phú, Tân Minh, Dũng Tiến, Duyên Thái, Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Tô Hiệu, Quất Động, Liên Phương, Minh Cường, Văn Tự;

- Đất phù sa gley chua: Có diện tích khoảng 386,92 ha chiếm 3,03% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố trong đê, có trên địa bàn các xã Dũng Tiến, Thắng Lợi, Tân Minh, Tiền Phong, Khánh Hà.

b. Tài nguyên nước

Bao gồm nguồn nước mặt và nước ngầm. Trữ lượng nước khá dồi dào nhưng phân bố không đều:

- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt đang sử dụng chủ yếu lấy từ sông Hồng qua trạm tưới Hồng Vân. Nước sông Hồng có hàm lượng phù sa cao, chất lượng nước tốt, rất thích hợp cho việc cải tạo đồng ruộng. Sông Nhuệ vừa là nguồn cung cấp nước tưới quan trọng cũng vừa là nguồn tiêu thoát nước chủ yếu của huyện. Trên địa bàn huyện còn có một số sông nhỏ như sông Tô Lịch, sông Hòa Bình. Ngoài nguồn nước mặt của các sông, Thường Tín còn có các ao, hồ, đầm với trữ lượng nước khá lớn phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản và nhu cầu cung cấp nước tại chỗ;

- Nguồn nước ngầm: Theo khảo sát sơ bộ, nước ngầm có trữ lượng lớn, phân bố ở độ sâu 15 - 25 m, có thể khai thác vào mục đích sản xuất và sinh hoạt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn tại huyện thường tín, thành phố hà nội​ (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)