Chương 1 Tổng quan về tình hình nghiên cứu
1.2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đa dạng thực vật
1.2.4. Nghiên cứu về phổ dạng sống của hệ thực vật
Dạng sống là một đặc tính biểu hiện sự thích nghi của thực vật với điều kiện môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu dạng sống sẽ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của các dạng với điều kiện tự nhiên của từng vùng và biểu hiện sự tác động của điều kiện sinh thái đối với từng loài thực vật.
Khi người ta lập được phổ dạng sống (phổ sinh học) của hệ thực vật, nghĩa là tính được tỷ số % số loài của mỗi nhóm dạng sống nhất định thì người ta có thể hiểu được bản chất sinh thái của một hệ thực vật và có thể so sánh với các hệ thực vật khác.
1.2.4.1. Trên thế giới
Trên thế giới, người ta thường dùng thang phân loại của Raunkiaer (1934) về phổ dạng sống, thông qua dấu hiệu vị trí chồi so với mặt đất trong thời gian bất lợi (do lạnh, khô hay cả hai) của năm. Thang phân loại này gồm các nhóm dạng sống cơ bản sau.
1- Cây có chồi trên đất (Ph) trong đó: a- Cây gỗ lớn cao trên 30m (Mg)
b- Cây lớn có chồi trên đất cao 8 - 30m (Me) c- Cây nhỏ có chồi trên đất 2 - 8m (Mi) d- Cây có chồi trên đất lùn dưới 2m (Na) e- Cây có chồi trên đất leo cuốn (Lp)
f- Cây có chồi trên đất sống nhờ và sống bám (Ep) g- Cây có chồi trên đất thân thảo (Hp)
2- Cây chồi sát đất (Ch) 3- Cây chồi nửa ẩn (Hm)
4- Cây chồi ẩn (Cr) (trong đó có cây thủy sinh – Cr (Hy)) 5- Cây chồi một năm (Th)
Tác giả đã tính toán cho hơn 1000 loài cây ở các vùng khác nhau trên trái đất và tìm được tỷ lệ phần trăm trung bình cho từng loài, gộp lại thành phổ dạng sống tiêu chuẩn (SN).
Ph Ch Hm Cr Th
46 9 26 6 13
Hay SN = 46 Ph + 9 Ch + 26 Hm + 6 Cr + 13 Th
Đây là cơ sở để so sánh phổ dạng sống của thảm thực vật ở các vùng khác nhau trên trái đất. Do đó, khi đã tổng hợp được khối lượng các kiểu sống trong kiểu thảm thực vật, chúng ta có thể tính phần trăm của từng dạng sống trên phổ dạng sống của kiểu đó, tức SB để so sánh với SN.
Thông thường, ở các vùng nhiệt đới, trong rừng ẩm thì Ph là 80%, Ch khoảng gần 20%, còn Hm, Cr, Th ít gần như không có. Trái lại trong vùng khô hạn thì Th và Cr có thể có tỷ lệ khá cao, còn Ph thì giảm xuống.
1.2.4.2. ởViệt Nam
ở Việt Nam, trong công trình nghiên cứu hệ thực vật Bắc Việt Nam, tác giả Pócs Tamás (1965) đã đưa ra công thức phổ dạng sống như sau :
SB = 52,21 Ph + 40,68 (Ch, H, Cr) + 7,11 Th Hay đối với một số vườn quốc gia, khu BTTN:
+ Nguyễn Nghĩa Thìn, Mai Văn Phô (2003) đã công bố dạng sống của Vườn Quốc gia Bạch Mã như sau: SB = 75,71Ph + 5,78Ch + 4,83Hm + 10,23Cr + 3,45Th.
+ Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thanh Nhàn (2004) đã lập được phổ dạng sống của vườn Quốc gia Pù Mát: SB = 78,88Ph + 4,14Ch + 5,76Hm + 5,97Cr + 5,25Th.
+ Nguyễn Nghĩa Thìn, Đặng Quyết Chiến (2006) đã lập được phổ dạng sống của khu BTTN Na Hang như sau: SB = 70,14Ph + 4,33Ch + 3,50Hm + 11,98Cr + 10,05Th.
1.2.4.3. ở Khu BTTN Chạm Chu
Tính đến thời điểm chúng tôi tiến hành nghiên cứu thì chưa có một nghiên cứu nào về phổ dạng sống thực vật ở khu BTTN Chạm Chu, đây cũng là lý do thúc đẩy chúng tôi thực hiện đề tài này.
Chương 2
Mục tiêu - Đối tượng - Nội dung và Phương pháp nghiên cứu