3.4.2.1. Giải pháp về kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng QLR
Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống lực lượng Kiểm lâm theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tăng cường kiểm lâm viên về địa bàn xã; xây dựng lực lượng kiểm lâm trong sạch vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt
trong QLBVR. Trước mắt, khắc phục tình trạng thiếu biên chế kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã bằng cách phân phụ trách theo thứ tự ưu tiên đối với từng khu vực theo điều kiện thực tế, bố trí nơi làm việc, nơi ở ổn định cho kiểm lâm địa bàn.
Tổ chức thành lập, kiện toàn lại tất cả các Tổ, Đội BVR cấp thôn/làng có năng lực tuyên truyền, có sức khỏe, chuyên môn để làm công tác QLBVR.
Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác QLBVR cấp xã, cấp thôn, đảm bảo 100% quân số đều có kiến thức về QLBVR.
Đảm bảo chi trả chế độ kịp thời cho đội ngũ làm công tác QLBVR cấp xã, cấp thôn bằng cách trích từ quỹ BVPTR, từ nguồn sự nghiệp kinh tế hàng năm của huyện, nguồn xử phạt vi phạm lâm luật..., để họ coi nhiệm vụ QLBVR làm một công việc chính và lâu dài.
Tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh Điện Biên, Chi cục kiểm lâm tỉnh từng bước tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm để bảo đảm định mức bình quân 1.000 ha rừng có 1 kiểm lâm.
3.4.2.2. Giải pháp về tuyên truyền, PBGDPL về BVPTR
Đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa. Đưa kiến thức cơ bản về bảo vệ tài nguyên rừng vào chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học. In ấn, phát hành các tài liệu, băng đĩa hình tuyên truyền bằng tiếng H’Mông, Thái, Hà Nhì để phân phát cho các cộng đồng; xây dựng các bảng tuyên truyền ở những khu vực công cộng, trên giao lộ, cửa rừng...
Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phổ biến kiến thức về pháp Luật Lâm nghiệp tới từng xã, thôn để nâng cao nhận thức của người dân, các chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Trong tuyên truyền, vận động cần lồng ghép, phối hợp nhiều chương trình với nhau, gắn kết các thông tin sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là
khoa học, kỹ thuật phát triển sản xuất các loại cây, con, nâng cao năng suất, sản lượng, tạo thu nhập cho người dân.
Chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền, phổ cập viên cấp xã, thôn và trang bị các cơ sở, vật chất tạo điều kiện cho họ làm việc, nhất là ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện - nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển, nhận thức và mức sống của người dân còn nhiều hạn chế.
3.4.2.3. Giải pháp về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch QLBV&PTR
Tổ chức rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn huyện đến năm 2020, cụ thể là điều chỉnh trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, đó là: Điều chuyển một phần diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng có khả năng sản xuất nông nghiệp sang làm đất nông nghiệp phục vụ, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các xã vùng sâu, bình quân đất nương rẫy cho các hộ dân vùng sâu phải đạt tối thiểu là 2 ha/một hộ dân.
Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xác định ổn định các lâm phần (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cho từng loại rừng phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng xã.
Quy hoạch chi tiết và phát triển một số loại cây con có thế mạnh trên địa bàn huyện, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng quy hoạch phát triển các nghề sản xuất, chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ và các trang trại nông lâm kết hợp tại địa phương.
Làm tốt công tác công bố, công khai quy hoạch 3 loại rừng tới các cấp, các ngành, các chủ rừng và toàn thể người dân đóng trên địa bàn huyện.
Tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch, tiến hành rà soát và bổ sung mốc giới nương rẫy phân định giữa đất nông nghiệp và đất Lâm nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy hoạch.
3.4.2.4. Giải pháp về giao đất giao rừng, khoán bảo vệ, phát triển rừng
Tổ chức rà soát lại những diện tích rừng và đất lâm nghiệp trước đây giao không đúng đối tượng như: Giao cho UBND xã,.. đây là những đối tượng không phải là chủ rừng có trong quy định, cần rà soát, lập phương án và giao cho đúng chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.
Những diện tích đất lâm nghiệp trước đây giao cho các chủ rừng thực hiện QLBV&PTR, sử dụng không đúng mục đích thì kiên quyết thu hồi lại, giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình QLBV&PTR theo quy hoạch.
Thực hiện giao đất, giao rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, các nhân bảo vệ. Cắm hệ thống cọc mốc 3 loại rừng gắng với toạn đọa trên bản đồ quản lý lâm nghiệp.
Tạo điều kiện cho chủ rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của phát luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khuyến khích tập trung đất đai liền vùng, liền khoảnh để tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng các hình thức: hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử đất, sử dụng rừng trong phát triển sản xuất kinh doanh rừng.
Nâng cao trách nhiệm của chủ rừng sau khi nhận đất, nhận rừng hàng năm phải có kế hoạch QLBV&PTR.
Hàng năm phải có kế hoạch giám sát, theo dõi, đánh giá hiệu quả công tác giao đất, giao rừng, sử dụng rừng sau khi giao.
3.4.2.5. Giải pháp về ứng dụng tiến bộ KHKT trong QLLN
Tập trung nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc, bổ sung tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện hệ sinh thái từng vùng, từng loại rừng, từng lập địa, ưu tiên phát triển các loài cây đa mục đích; xây dựng hệ sinh thái rừng nhiều tầng kết hợp cây phòng hộ, cây kinh tế, cây công nghiệp, cây ăn quả và lâm sản
ngoài gỗ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tin học vào công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh trên cơ sở đánh giá đất, giống, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong việc trồng, phòng chống cháy, phòng trừ dịch sâu bệnh hại cũng như trong khai thác và vận chuyển sản phẩm rừng trồng.
Nghiên cứu xây dựng những mô hình trình diễn về kinh doanh rừng có hiệu quả cao phù hợp với địa phương; xây dựng mô hình khảo nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực sang cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cải thiện tập đoàn vật nuôi mà trước hết là đại gia súc.., để nhân rộng trên địa bàn.
Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ tin học, GIS, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác QLLN.
3.4.2.6. Giải pháp ngăn chặn hành vi phá hoại rừng, PCCCR
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cở sở trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện; tổ chức phát động toàn dân thường xuyên tham gia tố giác, phát giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo hàng tháng, hàng quý để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các xã, trách nhiệm của chủ rừng trong công tác QLBVR, nếu để mất rừng, phá rừng phải được xử lý về trách nhiệm một cách nghiêm túc và kịp thời theo pháp luật.
Thực hiện xác định, phân vùng để tiến hành triển khai nhiệm QLBVR cho sát với tình hình thực tế; vùng sâu tăng cường quản lý về phá rừng làm nương, PCCCR, khai thác lâm sản trái phép; Vùng dọc Quốc lộ 4H ngăn chặn
các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, khai thác củi trái phép; các xã vùng sâu cần ngăn chặn phá rừng làm nương, khai thác gỗ củi trái phép...
Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng: Kiểm lâm, Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện và các thành viên trong Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về QLBV&PTR, PCCCR trên nguyên tắc thực sự thống nhất, tự bố trí sắp xếp công việc, thời gian, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục duy trì Tổ, Đội quần chúng BVR, PCCCR cấp xã, thôn; lấy lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, công an xã, thanh niên tham gia và bảo đảm sẵn sàng khi có lệnh điều động là triển khai cơ động nhanh theo kế hoạch và phương án đã xây dựng.
Tổ chức hướng dẫn các thôn, cộng đồng làng rà soát, bổ sung quy ước, hương ước QLBVR phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, làm khung quản lý chi tiết để QLBVR tại cơ sở.
Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở cấp xã, thôn.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong BVR, các mô hình quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả trên địa bàn các xã để các chủ rừng học tập kinh nghiệm và làm theo.
Xây dựng phương án PCCCR theo phương châm: “Phòng là chính, chữa phải khẩn trương kịp thời; khi xảy ra các vi phạm thì phải kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật’’. Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ” trong công tác PCCCR. Xây dựng kế hoạch PCCCR cụ thể hàng năm.
Hàng năm tổ chức diễn tập PCCCR để nâng cao nhận thức và làm quen với thực tế của công tác PCCCR, từ việc chỉ đạo, điều hành đến phối hợp tham gia chữa cháy của các cấp, các ngành và tổ đội chữa cháy rừng.
Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình PCCCR, BVR (chòi canh, trạm bảo vệ, đường tuần tra...) ở khu rừng đặc dụng, các vùng trọng điểm đã được xác định.
- Áp dụng Khoa học – Công nghệ trong giải đoán ảnh vệ tinh, sử dụng kết quả để dự báo sớm mất rừng, suy thoái rừng, tăng trưởng về trữ lượng, chất lượng rừng. Đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ phát hiện mất rừng, cháy rừng từ xa như Flycam.
3.4.2.7. Giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng
Hàng năm tổ chức tốt khâu xây dựng kế hoạch khai thác chọn, khai thác tận thu gỗ làm nhà ở, đồ mộc gia dụng cho nhân, căn cứ từ nhu cầu thực tế của người dân, có sự kiểm tra thực tế trước khi phê duyệt, sau khi phê duyệt cần có sự giám sát.
Giao cho Phòng nông nghiệp và PTNT huyện, chủ trì phối hợp Hạt kiểm lâm huyện, thực hiện hướng dẫn cho các xã xây dựng phương án thiết kế khai thác lâm sản theo kế hoạch được duyệt hàng năm phục vụ cho nhân dân.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác lâm sản tại các xã.
3.4.2.8. Giải pháp về phát triển rừng
Tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có theo từng khu vực trọng điểm đã được xác định, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, rất xung yếu tại địa bàn các xã.
Tiến hành trồng rừng trên các trạng thái đất trống (DT1 và DT2) đối với với rừng phòng hộ, chọn loại cây thích hợp có tác dụng phòng hộ, kết hợp trồng cây bản địa như: Giổi và các loại cây lấy lâm sản phụ..; đối với trồng rừng sản xuất chọn những loài có giá trị kinh tế, lớn nhanh như: Keo lai, Kháo vàng, Lát hoa…
Xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, theo hướng quản lý rừng bền vững nhằm giúp đỡ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế tăng thu nhập, vừa QLR&ĐLN.
3.4.2.9. Giải pháp về vốn đầu tư QLR&ĐLN
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số Chính sách tăng cường công tác BVR, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng.
Triển khai tốt Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật Lâm nghiệp trong đó có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục thực hiện xã hội hóa nghề rừng, khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia BV&PTR, đầu tư và hưởng lợi từ nghề rừng. Lồng ghép Kế hoạch phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
Hàng năm huyện bố trí một phần kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế huyện đầu tư cho công tác QLBV&PTR, khuyến khích cho các bên tham gia. Tạo điều kiện cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia sản xuất nông lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh từ các nguồn vốn đầu tư và tín dụng theo Nghị định
55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác phát triển rừng, đặc biệt các hộ nghèo để phát triển sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây nông nghiệp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Kết luận
Bám sát mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học từ lý thuyết đến thực tiễn, kết quả nghiên cứu “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” đã tập trung làm rõ các nội dung sau đây:
Làm rõ được hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 80,17% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích có rừng là 65,89%. Huyện Mường Nhé đã thực hiện quy hoạch 3 loại rừng cơ bản hợp lý, đảm bảo diện tích phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời đảm bảo diện tích sản xuất lương thực trên địa bàn. Năm 2014 diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 153.215,48 ha, đến năm 2019 diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 125.797,30 ha giảm so với năm 2014 là 27.418 ha, do đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp để quy hoạch đất ở và đất sản xuất cho nhân dân thực hiện ổn định dân cư trên địa bàn huyện theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2020.
Xuất phát từ đặc điểm huyện Mường Nhé là một huyện nông nghiệp, đa dân tộc, phong tục, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu canh tác trên nương rẫy.