Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tính đa dạng thực vật ở rừng đặc dụng yên tử, quảng ninh (Trang 61 - 63)

Kiểu rừng này phân bố ở độ cao trên 700m so với mặt biển chạy từ Đèo Gió qua đỉnh Yên Tử, dọc ranh giới phía Đông Bắc của RĐD, giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, mỏ than Yên Tử, bao quanh khu vực Chùa Bảo Sái và Chùa Vân Tiêu. Đặc trưng lớn nhất là rừng Lùn, có cấu trúc 4 tầng.

Tầng ưu thế sinh thái (A2): là tầng chính của rừng có chiếu cao trung bình 10- 15m, đường kính từ 20-30 cm, những cây gỗ có đường kính trên 40cm không đáng kể, độ khép tán ngang cao. Thành phần các loài thực vật cơ bản trong kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp là: Vối thuốc, Dẻ cau lá bạc, Giổi lá bạc, Rè, Re, Súm. Ngoài ra, ở kiểu rừng này còn thấy phân bố của Thông tre lá ngắn, Sến mật, là những loài thực vật quí hiếm của Việt nam. Tầng cây gỗ có mật độ thấp từ 300-400cây/ha.

Tầng dưới tán (A3): gồm các loài cây gỗ nhỏ như Mai vòng, Cồng núi, Đa quả nhỏ, Vú bò.

Tầng cây bụi: thường thưa thớt, sức sinh trưởng của tầng cây bụi không đồng đều, ở những nơi có độ khép tán thấp cây bụi phát triển khá hơn. Thành phần loài gồm: Lấu, Trọng đũa tuyến, Mua núi cao, Đỗ quyên, Găng.

Tầng thảm tươi nằm sát mặt đất gồm: các loài Cỏ, Cẩu tích, Mua đất, Bảy lá một hoa, Trầu tiên, Cốt cắn, Địa lan, Thu hải đường, Đơn buốt, Cao cẳng các loại.

Tầng tre nứa và thực vật ngoại tầng: Tầng tre nứa chủ yếu là Trúc Yên Tử, chiều cao thấp từ 1-2m, thường tạo thành tầng riêng ở những nơi sáng, mật độ dày đặc, diện tích lớn và tạo tầng không liên tục dưới tán rừng.

Thực vật ngoại tầng gồm một số loài Dương xỉ sống phụ sinh như Tổ chim, ổ

phượng; một số loài phong lan; một số loài dây leo leo nhỏ thuộc họ Na, họ Trúc đào, họ Tiết dê.

Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp có một số ưu hợp thực vật sau:

1. Ưu hợp: Giổi lá bạc (Michelia foveolata Merr. ex Dandy) + Vối thuốc (Schima superba Gard. & Champ. in Hook.) + Dẻ cau lá bạc (Quercus sp.) + Re (Cinnamomum sp1.) + Rè (Machilus sp.)

Ưu hợp này phân bố ở quanh đỉnh Yên Tử, độ cao từ 900m so với mặt biển trở lên.

2. Ưu hợp : Giổi lá bạc (Michelia foveolata Merr. ex Dandy) + Vối thuốc (Schima superbaGard. & Champ. in Hook.) + Chè hồi (Ternstroemia gymnanthera (Wight & Arn.) Bedd.) + Thanh mai (Myrica sapidaWall.)

Ưu hợp này phân bố chủ yếu ở sườn cao 800-950m so với mặt biển. 3. Quần hợp: Trúc Yên Tử (Sinobambusa sp.)

Quần hợp này phân bố chủ yếu ở sườn trên độ cao 800-900m so với mặt biển. Tóm lại: Khu RĐD Yên Tử có 2 kiểu rừng với 9 ưu hợp thực vật chính trên các dạng rừng giàu và rừng nghèo, chưa kể các ưu hợp trên trạng thái rừng phục hồi chưa ổn định. Các loài thực vật điển hình cho khu vực là: Lim xanh, Gụ lau, Sến mật, Táu mật, Hoàng đàn giả (Hồng tùng), Trầu tiên, Sú rừng, Trúc ngọt. Đây cũng chính là những loài đặc trưng cho thực vật vùng Quảng Ninh và Đông bắc Việt Nam. Bảo vệ và phát triển tốt tài nguyên thực vật trong khu RĐD Yên Tử là góp phần bảo tồn những nguồn gen quý hiếm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tính đa dạng thực vật ở rừng đặc dụng yên tử, quảng ninh (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)