1. Kết luận
1.1. Hệ thực vật RĐD Yên Tử đã xác định được 3 ngành với tổng số 706 loài thuộc 423 chi và 152 họ. Trong đó, ngành Hạt kín (Angiospermae) chiếm ưu thế với 670 loài thuộc 398 chi và 133 họ; tiếp đến ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 28 loài, 19 chi, 15 họ và ngành Hạt trần (Gymnospermae) với 8 loài, 6 chi, 4 họ. Bổ sung cho hệ thực vật Yên Tử 23 loài và 8 họ.
1.2. Khu hệ thực vật RĐD Yên Tử được đánh giá là đa dạng về các taxon bậc ngành, lớp, họ, chi. Trong ngành Hạt kín (Angiospermae) thì lớp Hai lá mầm (Dicotyledoneae) chiếm ưu thế. Tỷ trọng giữa lớp Hai lá mầm (Dicotyledoneae) và lớp Một lá mầm (Monocotyledoneae) là 6,2 đối với số loài; 5,86 đối với số chi; 4,78 đố với số họ.
1.3. Mười họ đa dạng nhất của hệ thực vật Yên Tử chiếm tỷ lệ 35,98% tổng số loài (254 loài) của toàn khu vực, bao gồm: Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có tới 52 loài, họ Cúc (Asteraceae) có 30 loài, họ Cà phê (Rubiaceae) có 28 loài, họ Long não (Lauraceae) có 25 loài, họ Cỏ (Poaceae) có 20 loài, họ Dâu tằm (Moraceae) có 30 loài, họ Đậu (Fabaceae) có 23 loài, họ Vang (Caesalpiniaceae) có 18 loài, họ Dẻ (Fagaceae) có 15 loài và họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) có 13 loài.
1.4. Mười chi đa dạng nhất chiếm 3,78% tổng số chi và 11,19% tổng số loài (79 loài) của cả khu vực. Trong đó chi đa dạng nhất là Ficus với 22 loài, các chi còn lại có số lượng gần tương đương nhau bao gồm các chi: Syzygium, Discorea, Blumea, Desmodium, Calamus, Lithocarpus, Cinnamomum, Litsea, Smilax.
1.5. Khu hệ thực vật RĐD Yên Tử được đánh giá là đa dạng về dạng sống, với sự có mặt của tất cả các kiểu dạng sống khác nhau. Trong đó sự ưu thế thuộc về nhóm cây có chồi trên đất, chiếm 84,29% tổng số loài. Nhóm dạng sống cây gỗ lớn và vừa có chồi trên đất (MM) chiếm ưu thế trong nhóm cây có chồi trên với tỷ lệ là 38,63%.
Phổ dạng sống của hệ thực vật RĐD Yên Tử được xác lập như sau: SB = 84,29 Ph + 2,88 Ch + 2,16 H + 5,33 Cr + 5,33 Th
Trong đó: Ph = 32,56 MM + 19,74 Mi + 16,28 Na + 1,44 Hp + 13,11 Lp + 1,00 Ep + 0,14 Pp
1.6. Khu hệ thực vật RĐD Yên Tử được đánh giá là đa dạng về giá trị tài nguyên thực vật rừng, với 547 loài cây có ích chiếm 77,48% tổng số loài, có thể được sử dụng vào 13 nhóm công dụng khác nhau. Trong đó nhóm cây cho thuốc là đa dạng nhất với 300 loài; nhóm cây cho gỗ có 169 loài; nhóm cây làm cảnh và bóng mát có 84 loài; nhóm cây cho nhựa có 46 loài; nhóm cây cho sợi có 47 loài; nhóm cây cho tinh dầu có 42 loài; nhóm cây cho ta nanh có 34 loài; nhóm cây cho rau ăn có 31 loài; nhóm cây cho dầu béo có 17 loài; nhóm cây cho bột có 16 loài; nhóm cây cho quả có 24 loài; nhóm cây cho màu có 16 loài; nhóm cây cho nguyên liệu có 11 loài. ởYên Tử có nhiều cây có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
1.7. Khu hệ thực vật RĐD Yên Tử có phân bố của 20 loài thực vật quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 6 loài được ghi trong Nghị định 32/NĐ-CP của Chính phủ, cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển.
Tổng số loài quí hiếm: 20 = 2 E + 9 V + 1 T + 4 R + 4 K
1.8. Thảm thực vật RĐD Yên Tử có 2 kiểu rừng chính là: Kiểu rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp với 9 ưu hợp thực vật chủ yếu. Các loài thực vật điển hình cho khu vực Yên Tử là: Lim xanh, Gụ lau, Sến mật, Táu mật, Hoàng đàn giả (Hồng tùng), Trầu tiên, Sú rừng.
2. Kiến nghị
2.1. Cần tiếp tục điều tra đánh giá tính đa dạng thực vật ở Khu Rừng Đặc dụng Yên Tử tỉ mỉ hơn, đầy đủ hơn cho cả các phân khu phục hồi sinh thái và toàn bộ diện tích rừng.
2.2. Cần mở rộng hơn nội dung đánh giá đa dạng thực vật về mặt yếu tố địa lý. Đồng thời đề xuất một số giải pháp bảo tồn tính đa dạng thực vật trong khu vực.
2.3. Thực vật khu vực Rừng đặc dụng Yên Tử đang có chiều hướng phục hồi tốt. Ngoài việc bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên thực vật, cần có đầu tư phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên.