Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Đa dạng về giá trị tài nguyên thực vật ở RĐD Yên Tử 1 Đa dạng về giá trị sử dụng tài nguyên thực vật rừng
4.4.1 Đa dạng về giá trị sử dụng tài nguyên thực vật rừng
Một trong những nội dung của việc đánh giá đa dạng thực vật là việc đánh giá đa dạng giá trị tài nguyên thực vật mà trong đó là giá trị sử dụng của nguồn tài nguyên này. ở khu vực Yên Tử, đã phát hiện được 706 loài thuộc 423 chi và 153 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong số này có tổng số 547 loài cây có ích, chiếm 77,48% tổng số loài của khu vực, có thể sử dụng vào 13 nhóm công dụng khác nhau. Tỷ lệ số loài cây có ích của khu vực Yên Tử là khá cao và các nhóm công dụng của chúng cũng khá phong phú. Số lượng và tỷ lệ các loài cây ở các nhóm công dụng được thể hiện ở Bảng 4.21.
Bảng 4.21. Tổng hợp các nhóm công dụng của thực vật ở Yên Tử
TT Nhóm công dụng Kí hiệu Số loài Tỷ lệ %
1 Cho gỗ G 169 23,94
2 Cho thuốc T 300 42,49
3 Cho tinh dầu Td 42 5,95
4 Cho dầu béo D 17 2,41
5 Cho tinh bột B 16 2,27
6 Cho rau ăn R 31 4,39
7 Làm cảnh và bóng mát C 84 11,90 8 Cho quả Q 24 3,40 9 Cho nhựa N 46 6,52 10 Cho sợi S 47 6,66 11 Cho màu M 16 2,27 12 Cho tanin Tn 34 4,82
13 Cho nguyên liệu Nl 11 1,56
Bảng 4.21 cho thấy, tỷ lệ phần trăm các loài ở mỗi nhóm công dụng là không đều nhau.
Nhóm cây cho thuốc (T): có nhiều loài nhất (300 loài), chiếm 42,49% tổng số loài của toàn khu vực. Tỷ lệ này là khá cao so với cả nước. Theo Võ Văn Chi (1996), số loài cây có thể dùng làm thuốc ở Việt Nam là 3200 loài, chiếm 28,47% tổng số loài mà chúng ta phát hiện được. Các loài cho thuốc điển hình như: Cẩu tích, Hoàng đằng, Củ bình vôi, Dây đau xương, Ba kích, Dây tiết dê, Trầu tiên, Đáng, Ba Đậu, Dạ cẩm, Sâm nam, Dây máu người, Dây bốn cạnh, Hoàng Đằng, Địa liền, Gừng gió, Sến mật, Kim giao, Bổ cốt toái, Gạo đỏ, Cao cẳng lá nhỏ, Bổ béo đen, Bổ béo trắng, v.v. Các họ có nhiều loài cho thuốc như: họ Hoa môi (Lamiaceae) có 6 loài; họ Tiết dê (Menispermaceae) có 6 loài; họ Cam (Rubiaceae) có 8 loài; họ Cà phê
(Rubiaceae) có 6 loài; họ Ngũ gia bì (Araliaceae) có 6 loài; họ Ô rô (Acanthaceae) có 5 loài; họ Vang (Caesalpiniaceae) có 5 loài; họ họ Mã tiền (Loganiaceae) có 4 loài,.v.v.
Nhóm cây cho gỗ (G): có 169 loài chiếm 23,94% tổng số loài của toàn bộ khu vực nghiên cứu. Đây cũng là các loài có dạng sống thuộc nhóm MM, tuy nhiên không phải tất cả những cây có dạng sống này được sử dụng để lấy gỗ. Các loài cây gỗ có giá trị trong khu vực như: Lim xanh, Sến mật, Táu mật, Sao hòn gai, Đinh thối, Gụ lau, Vù hương, Lim xẹt, Gội tẻ, Trâm các loại, Sấu, Trám các loại, các loài Sồi Dẻ, Hồng tùng, Kim giao, Thông tre, Thông tre lá ngắn, Re bầu, Nhội, Vạng trứng, Trầm hương, Muồng ràng ràng, Thôi chanh xoan, Xoan nhừ, v.v. Các họ thực vật có nhiều loài và chi cho gỗ như: họ Long não (Lauraceae) có 6 chi, 14 loài; họ Dẻ (Fagaceae) có 3 chi, 13 loài; họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có 8 chi,11 loài; họ Dâu tằm (Moraceae) có 4 chi, 8 loài; họ Măng cụt (Clusiaceae) có 3 chi, 7 loài; họ Vang (Caesalpiniaceae) có 7 chi, 7 loài; họ Điều (Anacardiaceae) có 6 chi,6 loài; họ Trinh nữ (Mimosaceae) có 4 chi 5 loài; họ Na (Annonaceae) có 3 chi, 5 loài. Các họ Đậu (Fabaceae), họ Sau sau (Hamamelidaceae), họ Côm (Elaeocarpaceae), họ Sim (Myrtaceae), họ Sến (Sapotaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Trám (Burseraceae), họ Kim giao (Podocarpaceae) đều có 4 loài.
Nhóm cây cho tinh dầu: có 42 loài chiếm 5,95% tổng số loài. Các loài điển hình thuộc nhóm này như : Vù hương, Re hương, Re bầu, Màng tang, Bời lời nhớt, Trầm hương, Hương Nhu, Bưởi, Đại, Đáng, Bồ đề, Sau sau, Kinh giới, Địa liền, Riềng gió, Sa nhân, v.v.
Nhóm cây cho dầu béo có 17 loài, chiếm 2,41% tổng số loài trong khu vực. Các loài cho dầu béo điển hình như: Trẩu, Nụ, Sở, Bứa, Đại hái, Sảng nhung, Trám trắng, Chò đãi, Mắc niễng, Trám đen, Sến mật.
Nhóm cây cho tinh bột: có 16 loài chiếm 2,27% tổng số loài. Các loài cho bột điển hình như : Củ từ, Củ mài, Dẻ gai, Cẩu tích, Chay Bắc bộ, Dây gắm, Dẻ gai đỏ, Cà ổi, v.v.
Nhóm cây cho nhựa: có 46 loài chiếm 6,52% tổng số loài trong toàn khu vực nghiên cứu. Các loài cho nhựa tiêu biểu như: Trám các loại, Sơn ta, Nhựa ruồi, Dây cao su, Đa, Si, Sung, Thùng mực, Sữa, Nụ, Sau sau, Mắc niễng, Sến mật.
Nhóm cây cho sợi: có 47 loài, chiếm 6,66% so với tổng số loài. Điển hình như: Trầm hương, Dướng, Hu đay, Niệt gió, Gai, Mây nước, Mây nếp, Mái, Lau, Thao kén đực, Thao kén cái, Cỏ tranh, Ké hoa đào, Ké hoa vàng, Cánh kiến, Mai, Nứa, Ba soi, Bục bạc, Lòng mang, Mé cò ke, v.v.
Nhóm cây cho màu nhuộm: có 16 loài, chiếm 2,27% so với tổng số loài. Điển hình là các loài: Vang, Cây Chàm, Hoàng đằng, Củ nâu, Dành dành, Sau sau, Kí ninh, Hoè, Lim xẹt, Muồng ràng ràng, Nụ, Núc nác, Tô mộc, v.v.
Nhóm cây cho rau ăn: có 31 loài, chiếm 4,39% so với tổng số loài. Các loài cho rau ăn tiêu biểu như: Lộc vừng, Rau sắng, Chân chim, Rau dớn, Lá lốt, v.v.
Nhóm cây được dùng làm cảnh và cho bóng mát: có 84 loài chiếm 11,90% tổng số loài. Một số loài làm cảnh tiêu biểu như: Thu hải đường, Hoa giấy, Hải đường, Thiên tuế, Mẫu đơn, Mai vàng, Lụi, Đỗ quyên, Đẻn 3 lá, Đẻn 5 lá, Đùng đình, Đề, Đa, Sung, Si, Hoa trứng gà, Tử tiêu, Lim xẹt, Vàng anh, Kim giao, Thông tre, Lộc vừng, Sim, Sấu, Ruối, Nhội, Lộc vừng, Ruối, Trúc Yên Tử, v.v.
Nhóm cây cho quả ăn được có 24 loài, chiếm 3,4% so với tổng số loài như: Trám các loại, Dâu da đất, Sấu, Tai chua, Sim, v.v.
Cây cho nguyên liệu đan lát, lợp nhà có 11 loài, chiếm 1,56% so với tổng số loài như: Tre gai, Nứa lá to, Đoác, Đùng đình, Cỏ tranh, Guột, Niệt gió, Tre khổng, Bồ đề, v.v.
Cây cho ta nanh có 34 loài, chiếm 4,82% so với tổng số loài như: loại Trâm, Sim, Củ nâu, Chẹo, Cà muối, Dướng, Hu đay, Muồng đen, Nhựa ruồi, Sòi trắng, Tô mộc, Xoan nhừ, Vối, Dẻ cau, v.v.
Đặc biệt, trong khu vực Yên Tử có nhiều loài cây cho nhiều tác dụng như: Trám, Sấu, Nụ, Bứa, Mai, Đa, Si, Trầm hương, Vù hương, Tô mộc, Dướng, v.v.