3.1.5.1. Các kiểu thảm thực vật và diện tích
VQG Chư Yang Sin có các thảm thực vật rừng với diện tích được thống kê ở bảng 3.1. Bảng 3.1: Diện tích các kiểu thảm thực vật TT Kiểu thảm thực vật Diện tích (ha) Tỷlệ (%)
1 Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới 1.566,02 2,66
1.1 Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa ẩm
nhiệt đới phục hồi sau nương rẫy 1.021,53 1.73
1.2 Kiểu phụ thứ sinh tre nứa phục hồi sau nương rẫy 1.846,21 3,13
1.3 Trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh 856,21 1,45
2 Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp 29.226,04 49,58
2.1 Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa ẩm
á nhiệt đới núi thấp phục hồi sau nương rẫy 3.546,06 6,02
2.2 Kiểu phụ thứ sinh tre nứa phục hồi sau nương rẫy 8.075,15 13,70
2.3 Trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh 2.552,51 4,33
3 Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao
trung bình 2.865,70 4,86
4 Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi thấp 6.950,51 11,79
5 Thảm cây nông nghiệp 435,04 0,74
6 Hồ nước 6,02 0,01
3.1.5.2. Một số đặc điểm của các Kiểu thảm thực vật rừng
+ Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (1)
Diện tích: 1.566,02 ha (chiếm 2,66% tổng diện tích tự nhiên). Phân bố rải rác từng diện tích nơi có sông suối. Đất dưới tán rừng là đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá Granit có tầng đất trung bình đến dày.
Kiểu rừng này ít bị tác động, còn giữ được tính nguyên sinh được thể hiện qua tổ thành thực vật và cấu trúc rừng. Thực vật tạo rừng khá phong phú, phổ biến là các loài trong họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Tử vi (Lythraceae), họ Bàng (Combretaceae), họ Na (Annonaceae), họ Trâm (Myrtaceae), họ Trám (Burseraceae), họ Thị (Eberaceae), họ Bứa (Clusiaceae). Kiểu thảm này tán chia thành 4 tầng:
- Tầng ưu thế sinh thái (A2): nhiều loài tham gia và tạo thành tán rừng liên tục. Có thể kể tới là các loài: Làu táu, Táu muối, Sao đen, Dầu lá bóng, Xến mủ, Trường, Đái bò, Gội, Lim xẹt, Muồng, Dẻ, Re, Rè, Bời lời, Chắp, Mò, Huỳnh đường, Côm, Ràng ràng, Trâm,...với đường kính từ 25-30cm, chiều cao từ 18-22m.
- Tầng dưới tán rừng (A3): cao dưới 15m, đường kính bình quân dưới 20cm bao gồm nhiều loài cây gỗ nhỏ và cây con của tầng trên mọc rải rác không tạo thành tán rừng liên tục. Đó là: Lòng trứng, Chè, Sảng, Hột, thừng mực, Thị, Thâu lĩnh, Máu chó, và nhiều loài khác trong các họ Thầu dầu, Cam, Đay, Cà phê.
- Tầng cây bụi (B) cao dưới 5m gồm các loài Đom đóm, Bọt ếch, Bồng bồng gầy, Xú hương, Lấu, Trọng đũa, đôi khí có cả tre nứa.
- Tầng thảm tươi (C) cao trên dưới 1m: thành phần loài khá phong phú và phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể, bao gồm các loài trong ngành Dương xỉ, họ Ô rô, họ Gừng, họ Cỏ…
Ngoài ra, thực vật ngoại tầng cũng rất phong phú với nhiều loài thân gỗ lớn và thân thảo bò leo chằng chịt. Các loài phổ biến thuộc các họ: họ Na , họ Đậu, họ Vang, họ Trinh nữ, họ Trúc đào, họ Nho, họ Ráy, họ Cau dừa ...
Tái sinh dưới tán rừng đạt 5.000-6.000 cây/ha, số cây có chiều cao trên 1,5m đạt hơn 2.000 cây/ha. Điều này cho thấy khả năng tái tạo lại rừng rất tốt.
+ Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (2)
Kiểu rừng này có diện tích lớn nhất với 29.226,04 ha (chiếm 49,58% tổng diện tích) phân bố từ độ cao 900 -1800m, thành khối lớn ở xung quanh núi Chư Yang Sin và rải rác ở một vài nơi khác.
Kiểu rừng này ít bị tác động, về cơ bản còn giữ được tính nguyên sinh. Độ tàn che trung bình là 0,7- 0,8, có lâm phần độ tàn che đạt 0,9. Thực vật chiếm ưu thế là các loài cây lá rộng thuộc các họ Dẻ Fagaceae, họ Long não Lauraceae, họ Ngọc lan Magnoliaceae, họ Sau sau Hamamelidaceae, họ Tô hạp Altingiaceae, họ Chè Theaceae, họ Trâm Myrtaceae, họ Hoa Betulaceae. Ngoài ra còn có một số loài cây lá kim như Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Kim giao (Nageia wallichiana),Thông 3 lá (Pinus kesiya),Thông đà lạt (Pinus dalatensis),
Thông lá dẹt (Pinus krempfii), Pơ mu (Fokienia hodginsii) mọc rải rác hoặc đôi khi chiếm một tỷ lệ tổ thành cao như là kiểu rừng kín hỗn hợp cây lá rộng cây lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp hoặc kiểu rừng kín cây lá kim ẩm ôn đới ấm núi vừa nhưng do chúng phân bố tản mạn nên được xếp chung vào kiểu rừng này. Kiểu thảm này tán chia thành 4 - 5 tầng:
- Tầng vượt tán (A1): tầng này không liên tục, chỉ có rất ít cá thể của một số loài như Thông Đà lạt (Pinus dalatensis), Thông lá dẹt (Pinus krempfii), Pơ mu (Fokienia hodginsii) và một vài loài cây lá rộng vươn lên khỏi tán rừng.
- Tầng ưu thế sinh thái (A2): tạo nên tán rừng tương đối đồng đều, cao khoảng 20-30m với đa số cây lá rộng: Dẻ, Sồi, Sụ, Giổi, Re, Chẹo, Chắp tay, Xoan nhừ, Tô hạp, Hồng quang... Đặc biệt là các loài Dẻ đóng vai trò lập quần rất rõ nét ở tầng tán này. Nhiều lâm phần không có tầng vượt tán mà chỉ có tầng tán chính, trong đó chủ yếu là các loài Dẻ, Re, Chò xót, Hồng quang... tạo thành một tán rừng liên tục. Các loài cây gỗ trong tán rừng này có đường kính trung bình từ 22- 24cm. Ngoài ra có một rất ít cá thể của một số loài như Thông Đà lạt (Pinus dalatensis), Thông lá dẹt (Pinus krempfii), Pơ mu
(Fokienia hodginsii) và một vài loài cây lá rộng vươn lên khỏi tán rừng
- Tầng cây gỗ dưới tán (A3): có chiều cao 8-15m, gồm các loài cây còn nhỏ của tầng A1 và A2. Ngoài ra có các loài cây gỗ nhỏ khác như Súm (Eurya spp.), Ngũ liệt (Pentaphylax euryoides), Xáo tam phân (Paramignya trimera), Ngát (Gironniera subaequalis), Thâu lĩnh (Alphonsea spp.), Chân chim (Scheflera spp.), Hồi núi (Illicium griffithii), Thích (Acer spp) .
- Tầng cây bụi (B) cao 2-5m thường là Mua (Melastoma eberhardtii),
Poa lan xẻ (Poilannammia incisa), Chìa vôi (Lasianthus spp.), Trọng đũa
(Ardisia spp.), Mật cật (Licuala spp.) và nứa lâm viên (Schizostachyum langbianensis) ở độ cao 1600m trở lên.
- Tầng thảm tươi (C) khá đa dạng về thành phần loài, phổ biến hơn cả là các loài trong ngành Dương xỉ, Thông đất, họ Ô rô Acanthaceae, Họ Lan Orchidaceae, họ Gừng Zingiberaceae, Sơn linh cao (Sonerila neodriessenioides).
Thực vật ngoại tầng còn có các loài dây leo như Kim cang (Smilax spp.), Bù dẻ (Uvaria spp.), Móng bò (Bauhinia spp), Đậu mèo (Mucuna spp.),
Dây tứ thư (Tetrtastigma spp.), Song đá (Calamus rudentum), Song lá bạc
(Plectocomia elongata), họ Ráy (Araceae) và một số loài cây bì sinh trong họ Chùm gửi (Loranthaceae), họ Phong lan (Orchidaceae) và ngành dương xỉ.
Tái sinh dưới tán rừng khá tốt, đạt từ 3.000 - 4.500 cây/ha. Số cây có độ cao >1,5 m đạt trên 1.000 cây/ha. Thành phần cây tái sinh đa phần phù hợp với tầng cây mẹ. Điều đó cho thấy rừng đang ở trạng thái diễn thế ổn định.
Đây chính là loại sinh cảnh lý tưởng nhất trong khu vực đối với các loài thú lớn, các loài linh trưởng. Như vậy, kiểu rừng này là sinh cảnh ưu tiên bảo vệ trong công tác bảo tồn của VQG Chư Yang Sin.
+ Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao trung bình (3) Diện tích 2865,7ha chiếm 4,86% tổng diện tích và phân bố tập trung ở xung quanh đỉnh Chư Yang Sin. Nhiệt độ trung bình năm thường giao động 10-150C, nhiệt độ trung bình của tháng lạnh nhất dưới 100C, thường xuyên có gió mạnh và mây mù. Đất dưới tán rừng nông cạn, xương xẩu. Bởi vậy cấu trúc rừng đã có những thay đổi, đặc biệt về kích thước cây rừng. Chiều cao cây phổ biến trên dưới 10m, đường kính bình quân đạt 20-25 cm, tuy nhiên vẫn có thể gặp một số cá thể có đường kính ngang ngực trên 50cm thuộc về loài Thông đà lạt (Pinus dalatensis) hoặc Pơ mu (Fokienia hodginsii). Thân cây thường cong queo, nhiều cành, phủ đầy rêu và địa y nên còn được gọi là “rừng lùn”, “rừng tiên” hay “rừng say”. Hiện tượng này càng gần đỉnh núi càng rõ nét, nhưng tại đỉnh núi cây thấp hẳn chỉ khoảng 3 - 4m với các loài trong họ Đỗ quyên (Rhododendron spp., Lyonia spp. và Vaccinium spp.) và một số họ khác mọc dầy đặc vì thế Thái Văn Trừng gọi là “Quần hệ lạnh vùng cao”.
Nhóm loài ưu thế sinh thái phổ biến là các loài thuộc họ Dẻ, họ Re , họ Chè , họ Sau sau, họ Ngọc lan và một vài loài cây lá kim như Thông đà lạt
(Pinus dalatensis), Pơ mu (Fokienia hodginsii). Tán rừng khá liên tục nhưng mấp mô tạo ra do tán các loài cây lá kim cao hơn nhưng không vượt trội khỏi tán rừng. Dưới tán rừng gồm các cây nhỏ của tầng trên và một số loài chịu bóng khác như các loài trong họ Thích, Hồi, Chân danh, Hoa hồng, Đơn nem, Đỗ quyên mọc rải rác. Ngoài ra tầng này ở một số nơi còn có mặt của loài Sặt schmid (Sinarundinaria schmidiana) mọc khá dầy đặc. Thảm tươi chủ yếu là các loài Quyết thực vật, các loài Lan và loài Sơn linh cao.
+ Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi thấp (4)
Kiểu rừng thưa cây lá kim với loài Thông 3 lá (Pinus kesiya) gần như thuần loại gặp khá phổ biến với diện tích 6950,51 ha (chiếm 11,79%) và phân bố thành những giải hẹp ở 2 khu vực phía Tây Bắc (thung lũng Ea Krông Kmar) và phía Đông Nam (thung lũng Đăk Mé). Rừng có cấu trúc rất đặc trưng của rừng thưa cây lá kim, với mật độ cây vào khoảng 150-200 cây/ha. Rừng có 2 tầng cây gỗ và 1 tầng cây bụi thảm tươi.
Tầng ưu thế sinh thái do cây Thông 3 lá chiếm giữ cao 18-25m, đường kính trung bình trên dưới 30cm, có cây có đường kính gần 1m. Tầng tán không liên tục.
Tầng dưới tán là các cây gỗ lá rộng như Chẹo răng cưa (Engelhardtia spicata), Dâu rượu (Myrica esculenta), Hồng quang (Rhodoleia championii),
Vối thuốc (Schimawallichii) và các loài Dẻ mọc rải rác với kích thước nhỏ. Tầng cây bụi thảm tươi khá phát triển đặc biệt là loài Tế
(Dicranopteris linearis), hoặc Quyết tuế (Brainea insignis), hoặc Cỏ tranh
(Wendlandia grabrata) và Sầm (Memecylon spp.) khiến cho tình hình tái sinh dưới tán rừng rất kém, hầu như không thấy Thông 3 lá tái sinh.
+ Kiểu phụ thứ sinh nhân tác phục hồi sau nương rẫy
Diện tích 4.567,38 ha, chiếm 7,75% tổng diện tích, bao gồm cả kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới phục hồi sau nương rẫy và kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp phục hồi sau nương rẫy. Mặc dù chúng tồn tại ở cả 2 vành đai độ cao khác nhau nhưng cấu trúc cũng như điều kiện hình thành không sai khác nhiều nên gộp chung để tiện cho việc nghiên cứu. Chúng phân bố chủ yếu ở phía Nam và Đông Nam, nhất là những nơi ven suối và gần làng bản. Kiểu quần thụ này đều được hình thành sau khi nương rẫy bỏ hoang. Thành phần thực vật tạo rừng rất khác biệt so với các vùng khác ở nước ta. ở đây dường như không gặp những diện tích rừng phục hồi thuần loại hoặc gần thuần loại của các loài cây ưa sáng mọc nhanh như Ba soi, Ba bét, Hu đay, Màng tang, thay vào đó là các loài cây chịu khô hạn và các loài là thành phần chính của rừng nguyên sinh. Đôi khi như ở xã Yang Mao lại xuất hiện những đám rừng non của loài Dầu trà ben
(Dipterocarpus obtusifolius) là thực vật của kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng lá hơi khô nhiệt đới còn gọi là rừng Khộp, hoặc là loài Thông 3 lá được gộp vào trong kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới đã giới thiệu ở mục trên. Nhìn chung, rừng có độ tàn che lớn thường đạt tới 0,7- 0,8; kích thước cây rừng cũng như tầng thứ của rừng phụ thuộc vào tuổi của lâm phần. Dưới đây là tổ thành thực vật của kiểu phụ này.
Dưới tán rừng nhất là những lâm phần có thời gian phục hồi trên 10 năm đã thấy xuất hiện một số loài cây gỗ có giá trị kinh tế như: Re, Giổi, Gội, Dẻ, Sao đen, Sến mủ, Thông nàng, tái sinh. Tuy số lượng cá thể không nhiều nhưng cũng cho thấy kiểu phụ này đang phục hồi theo chiều hướng diễn thế
hồi nguyên tương đối tốt. Đây là đối tượng cần khoanh nuôi phục hồi cho công tác bảo vệ rừng của VQG Chư Yang Sin.
+ Kiểu phụ thứ sinh tre nứa
Diện tích lớn thứ 2 sau kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp với 9.921,36 ha, chiếm 16,83% tổng diện tích tự nhiên. Phân bố chủ yếu ở phía Tây Bắc và Đông Nam. Kiểu phụ này là kết quả của quá trình canh tác nương rẫy và tàn phá rừng. Nguồn gốc của chúng cũng từ kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới, nhưng sau nhiều lần phát nương làm rẫy, các loài cây gỗ không còn khả năng tái sinh nhanh như trước nữa đã phải nhường lại cho Lồ ô (Bambusa procea), Le (Gigantochloa nigro- ciliata), Nứa lá nhỏ (Schizostachyum dullooa) và Nứa lá to (Schizostachyum sp.). Sau khi xâm nhập, các loài này nhanh chóng lan rộng trở thành rừng kín thường xanh thuần loài hoặc hỗn giao với các loài cây gỗ với độ tàn che lớn. Dưới các lâm phần thuần loại, các loài cây gỗ khác không còn chỗ trống để tái sinh. Đây cũng là một kiểu phụ bền vững trừ khi có tác động cải tạo của con người. Điều tra tại một số ô tiêu chuẩn cho thấy, Nứa lá to có đường kính bình quân 5-7cm, chiều cao bình quân 10-12m, mật độ 350-400bụi/ha và trữ lượng 5.000-6.000 cây/ha. Lồ ô có đường kính bình quân 3 - 5cm, chiều cao bình quân 8-10 m, mật độ 400 bụi/ha, trữ lượng 4.000-8.000 cây/ha. Nứa lá nhỏ và Le có đường kính nhỏ hơn (2-3 cm), cao từ 5- 6m, mật độ bình quân trên 10.000 cây/ha. Khi hỗn giao, các loài cây gỗ thường là Thầu tấu, Chà hươu, Chẹo, Đẻn, Thành ngạnh, Kơ nia thuộc cây gỗ nhỏ ở những nơi khô đất xấu. Những nơi đất tốt các loài cây gỗ mọc chung thường là các loài cây trong các họ Dẻ, họ Long não, họ Chè, với kích thước to lớn như trong các kiểu rừng kín thường xanh đã được giới thiệu. Trong những lâm phần như vậy, Lồ ô và Nứa lá to cũng có kích thước lớn hơn hẳn so với chúng khi mọc trong điều kiện đất đai xấu và bị khai thác cạn kiệt.
+ Trảng cỏ cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh nhân tác
Diện tích 3.408,72 ha, chiếm 5,78% tổng diện tích, phân bố gần các làng bản, ven đường, làng bản cũ. Đây cũng là hậu quả trực tiếp của quá trình canh tác nương rẫy lâu dài và chăn thả gia súc, đất trở nên bị rửa trôi mạnh, tầng đất nông và xương xẩu chỉ thích hợp đối với các loài cây bụi và cỏ như: Sim
(Rhodomyrtus tomentosa), Chè vè (Miscanthus floribunda), Sầm (Memecylon
spp.), Mua (Melastoma spp.), Đom đóm (Alchornea tiliaefolia), Cỏ tranh
(Imperata cylindrica), Chít (Thysanolaena maxima), Cỏ lào (Eupatorium odoratum), Lách (Saccharum spontaneum). Ngoài ra còn xuất hiện cả Tế guột
(Dicranopteris linearis) là loài dương xỉ lá cứng mọc được ở những điều kiện khắc nghiệt, khô hạn. Tuy nhiên, ở đây vẫn có một số loài cây gỗ nhỏ chịu hạn tái sinh như: Thầu tấu (Aporosa dioica), Thành ngạnh (Cratoxylon spp.), Sòi
(Sapium discolor), và các loài trong họ Dẻ, họ Re, nếu được bảo vệ tốt rất có thể phục hồi thành rừng nhưng phải có một thời gian dài.
+ Thảm cây nông nghiệp (5)
Đây là loại đất mà nhân dân quanh vùng đang sử dụng để canh tác ruộng nước và nương rẫy. Theo điều tra thì diện tích loại đất này chỉ có 435,04 ha, chiếm 0,74% tổng diện tích khu vực.
Hình 3.2: Bản đồ hiện trạng rừng VQG Chư Yang Sin