4.3.1. Phân bố nhóm tuổi – tuổi theo mức độ nặng của viêm phổi
Kết quả bảng 3.17 cho thấy tỷ lệ viêm phổi nặng ở trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi chiếm ưu thế so với trẻ từ 12 – 36 tháng (75% so với 25%) và nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi cao gấp 2,49 lần so với trẻ từ 12 – 36 tháng với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Trung vị độ tuổi của nhóm viêm phổi nặng là 6 tháng, nhỏ hơn nhóm viêm phổi là 10 tháng. Cứ tăng 1 tháng tuổi thì nguy cơ viêm phổi nặng giảm xuống 1,053 lần với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05)
Đào Minh Tuấn và cộng sự (2010), Nguyen P.T.K và CS (2019) cũng kết luận viêm phổi nặng gặp ở nhóm tuổi nhỏ dưới 12 tháng [37], [56]. Nghiên cứu của Phan Xuân Mai (2001) cũng ghi nhận trẻ trong nhóm 2 tháng đến dưới 12 tháng có nguy cơ viêm phổi nặng gấp 22,4 lần nhóm 12 tháng – 5 tuổi với p < 0,05 [20]. Nguyễn Thành Nhôm và cộng sự (2015) cũng kết luận nhóm tuổi nhỏ có nguy cơ mắc viêm phổi nặng nhiều hơn với p < 0,05 và OR = 5,868 [24].
Teepe và cộng sự (2010) nghiên cứu trên 107 trẻ từ 0 – 15 tuổi đưa ra kết quả cứ tăng 1 tuổi thì giảm nguy cơ viêm phổi xuống 0,86 lần, p < 0,05; OR = 0,86 (0,80 – 0,92) [61]. Nguyễn Thị Thanh Phương 2016 nghiên cứu trên 221 trẻ đưa ra kết quả cứ tăng 1 tháng tuổi thì giảm nguy cơ viêm phổi nặng giảm xuống 0,946 lần với p < 0,05 [25].
Điều này có thể giải thích do cấu tạo bộ máy hô hấp trẻ em có những đặc điểm riêng biệt về giải phẫu, sinh lý. Các tổ chức tế bào của bộ phận hô
hấp nói chung và phổi nói riêng chưa hoàn toàn biệt hóa và đang ở giai đoạn phát triển. Niêm mạc đường hô hấp dễ phù nề, xuất tiết và biến dạng trong quá trình bệnh lý. Phổi ở trẻ em nhất là trẻ nhỏ có nhiều mạch máu, bạch huyết nhưng ít tổ chức đàn hồi. Mặt khác, ở trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng kém. Do đó trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi và nhanh chóng diễn tiến nặng, dễ dẫn đến tử vong [27].
4.3.2. Phân bố giới theo mức độ nặng của viêm phổi
Trong 86 trường hợp viêm phổi, nam chiếm tỷ lệ 66,3 %. Trong 88 trường hợp viêm phổi nặng, nam chiếm 62,5%. Như vậy tỷ lệ viêm phổi nặng và viêm phổi ở nam nhiều hơn nữ, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Sự ưu thế về giới nam trong viêm phổi cũng gặp ở các nhiên cứu của nhiều tác giả khác. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích được hiện tượng này một cách rõ ràng.
Theo Phan Xuân Mai (2001), tỷ lệ nam ở 2 nhóm viêm phổi và viêm phổi nặng lần lượt là 58,54% và 60,0% (p > 0,05) [20]. Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) tỷ lệ trẻ nam bị viêm phổi chiếm tỷ lệ 59,2%, tỷ lệ trẻ nam bị viêm phổi nặng chiếm 62,2%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05 [25].
Một số nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ nam mắc viêm phổi ít hơn nữ: Bùi Văn Chân (2005) số trẻ nam mắc viêm phổi nặng, rất nặng chiếm tỷ lệ 45,45%, thấp hơn số trẻ nữ mắc viêm phổi nặng, rất nặng chiếm tỷ lệ 59,70% [5], Teepe và cộng sự (2010) tỷ lệ nam là 43,0% [61], tuy nhiên cả 2 nghiên cứu này sự khác biệt tỷ lệ về giới đều không có ý nghĩa thống kê.
Như vậy không có sự liên quan giữa giới với mức độ nặng của viêm phổi.
4.3.3.Phân bố địa dư
Bảng 3.19 cho thấy tỷ lệ viêm phổi nặng ở trẻ sống ở nông thôn chiếm cao hơn so với trẻ sống ở thành thị (62,5% so với 37,5%), tỷ lệ viêm phổi ở trẻ sống ở nông thôn cũng cao hơn so với trẻ sống ở thành thị (54,7% so với
45,3%), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Một số NC của các tác giả trước đây cho thấy tỷ lệ viêm phổi nặng, viêm phổi ở trẻ sống ở nông thôn cao hơn hẳn so với trẻ sống ở thành thị như Phan Xuân Mai (2001) rằng viêm phổi nặng tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ sống ở nông thôn với p < 0,05, OR = 2,32 [20]. Một NC tại Huế về cũng ghi nhận kết quả tỷ lệ viêm phổi nặng ở trẻ sống ở nông thôn chiếm ưu thế so với trẻ sống ở thành thị (89,2% so với 10,8%) và nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ sống ở nông thôn cao gấp 4,4 lần so với trẻ sống ở thành thị với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) [25].
Mặc dù kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng tỷ lệ trẻ viêm phổi nặng, viêm phổi ở trẻ sống ở nông thôn vẫn cao hơn trẻ sống ở thành thị nhưng sự chênh lệch này đã giảm so với các nghiên cứu trước đây. Điều này giải thích do hệ thống y tế cơ sở ngày càng phát triển, đội ngũ cán bộ y tế đã được nâng cao về cả số lượng và chất lượng nên số trẻ ở nông thôn được khám và chữa bệnh tốt hơn. Mặt khác điều kiện kinh tế cũng như nhận thức của người dân ngày càng được cải thiện nên các bậc cha mẹ nhận thức được các dấu hiệu của bệnh sớm, cho trẻ đi khám và chữa bệnh.
4.3.4.Trình độ học vấn mẹ
Theo kết quả bảng 3.20 thấy rằng nhóm trẻ có mẹ trình độ học vấn trung học phổ thông trở xuống tỷ lệ viêm phổi nặng cao hơn tỷ lệ viêm phổi (62,8% so với 37,2%), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Nhóm trẻ có mẹ trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên tỷ lệ viêm phổi nặng và viêm phổi là tương đương nhau (46,6% và 53,4%).
Theo kết quả nghiên cứu của Mai Anh Tuấn (2008) nhóm trẻ có bà mẹ trình độ học vấn từ Trung học cơ sở trở xuống có nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp cao gấp 1,9 lần so với nhóm trẻ có bà mẹ học vấn từ bậc Trung học phổ thông trở lên, p < 0,05; OR = 1,9 (1,31 – 3,20) [38]. Nghiên cứu của Azab và cộng sự (2014) cũng kết luận trình độ học vấn mẹ thấp có liên quan đến mức
độ nặng của viêm phổi [41].
Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi vẫn nhận thấy tỷ lệ viêm phổi nặng của trẻ có mẹ trình độ học vấn THPT trở xuống cao hơn so với nhóm còn lại tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm so với các nghiên cứu trước đó. Điều này cho thấy tuy trình độ học vấn còn hạn chế nhưng có sự phát triển của kinh tế xã hội, công nghệ thông tin và mạng internet đã giúp cho hành vi chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ được cải thiện hơn.
4.3.5. Nghề nghiệp của mẹ
Nhóm trẻ có nghề nghiệp của mẹ là làm ruộng thấy tỷ lệ trẻ bị viêm phổi nặng cao hơn so với bị viêm phổi (56,5% so với 46,0%). Ngược lại nhóm trẻ có nghề nghiệp của mẹ thuộc nhóm nghề khác thấy tỷ lệ mắc viêm phổi nặng thấp hơn so với tỷ lệ viêm phổi (48,4% so với 51,6%). Nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Theo Mai Anh Tuấn (2008) nhóm trẻ là con các bà mẹ có nghề nghiệp là làm ruộng, công nhân, buôn bán hoặc nghề khác có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp cao gấp 2,76 lần so với nhóm trẻ là con các bà mẹ làm giáo viên hoặc công chức nhà nước [38].
Điều này cho thấy nghề nghiệp của mẹ làm ruộng vẫn còn tỷ lệ trẻ bị viêm phổi nặng cao, tuy nhiên nhờ có sự phát triển của kinh tế xã hội và mạng lưới y tế cơ sở nên nhận thức của người mẹ về chăm sóc trẻ cũng như nhận biết các biểu hiện về bệnh của trẻ để đưa trẻ đi triều trị kịp thời.
Như vậy không có sự liên quan giữa nghề nghiệp của mẹ với mức độ nặng của viêm phổi.
4.3.6. Tiền sử sản khoa
Cân nặng lúc sinh thấp
Kết quả bảng 3.22 cho thấy nhóm trẻ có tiền sử cân nặng khi sinh < 2500g bị viêm phổi nặng cao hơn so viêm phổi (69,0% so với 31%), nguy cơ viêm phổi nặng của trẻ có tiền sử cân nặng khi sinh < 2500g gấp 2,51 lần so với trẻ có cân
nặng ≥ 2500g, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nhóm trẻ có cân nặng khi sinh ≥ 2500g tỷ lệ viêm phổi nặng và viêm phổi là tương đương nhau (46,9% và 53,1%).
Một số nghiên cứu khác cũng ghi nhận kết quả tương tự. Nghiên cứu của Phan Xuân Mai (2001), trẻ trong nhóm trọng lượng lúc sinh dưới 2500 gram có nguy cơ viêm phổi nặng gấp 8,15 lần trẻ cân nặng lúc sinh bình thường [20]. NC của Jackson. S và cộng sự năm 2013 cũng ghi nhận trẻ có cân nặng khi sinh thấp (<2500g) là yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng ở trẻ em với p < 0,05; OR = 3,18 (1,02-9,90) [51].
Tiền sử sinh non
Nhóm trẻ sinh non tháng (tuổi thai < 37 tuần) tỷ lệ viêm phổi nặng và viêm phổi là tương đương nhau (48,3% và 51,7%). Không có mối liên quan giữa tiền sử sinh non với mức độ nặng của viêm phổi (p > 0,05).
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương tại Bệnh viện Trung ương Huế (2016) cũng kết luận cân nặng lúc sinh thấp và tiền sử sinh non không phải là yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng [25].
Nghiên cứu của Jroundi I và cộng sự (2014) lại thấy rằng tiền sử sinh non là yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng với OR= 2,50; khoảng tin cậy 95% CI (1,24-5,04) [52].
Sự khác biệt này có thể là do trong xã hội ngày nay việc nuôi dưỡng, chăm sóc ngày càng tốt, cùng với sự hỗ trợ của các sản phẩm giàu năng lượng cho trẻ sinh non giúp trẻ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng với các trẻ bình thường. Do đó yếu tố sơ sinh đẻ non không còn ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ viêm phổi nặng.
Tiền sử mổ lấy thai
Những trẻ được sinh ra do mổ thiếu đi sức ép cần thiết của đường sinh sản so với khi sinh ra bằng đường âm đạo, rất dễ mắc hội chứng suy hô hấp, viêm phổi. Khả năng miễn dịch với bệnh của trẻ sinh mổ thường kém hơn so
với những trẻ được sinh ra bằng đường âm đạo nên các trẻ này sau khi ra đời dễ mắc bệnh.
Bảng 3.22 cho thấy tỷ lệ viêm phổi nặng và viêm phổi ở nhóm trẻ mổ lấy thai là tương đương nhau (48,3% và 51,7%). Không có mối liên quan giữa mổ lấy thai với mức độ nặng của viêm phổi (p > 0,05).
Nghiên cứu của Maria C. Magnus và cộng sự (2011) nghiên cứu 37.171 trẻ dưới 36 tháng tuổi ở Na Uy cũng cho kết luận không thấy tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở những trẻ sinh mổ [55].
Nghiên cứu của Hansen A.K và cộng sự (2008)trên2687 trẻ được sinh bằng phương pháp sinh mổ lấy thai so với trẻ được sinh thường ghi nhận tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp ở giai đoạn sơ sinh được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai khi thai 37 tuần lên 3,9 lần, khoảng tin cậy 95% (2,4 - 6,5), tuổi thai 38 tuần (3,0; 2,1 - 4,3) và tuổi thai 39 tuần (1,9; 1,2 - 3,0) [40].
Chúng tôi chưa thấy nghiên cứu nào về tình trạng mổ lấy thai với nguy cơ viêm phổi nặng. Như vậy, yếu tố mổ lấy thai là yếu tố ảnh hưởng không rõ đến viêm phổi nặng ở trẻ em.
4.3.7. Nuôi dưỡng bằng sữa mẹ không đầy đủ trong 6 tháng đầu đời
Tỷ lệ viêm phổi nặng ở nhóm trẻ thiếu sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời cao hơn so với nhóm trẻ được ăn đủ sữa mẹ (60,2% so với 39,8%) và nguy cơ viêm phổi nặng ở nhóm trẻ ăn thiếu sữa mẹ tăng gấp 2,32 lần so với nhóm ăn đủ sữa mẹ với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,05.
Một số nghiên cứu cũng đã chứng minh ăn thiếu sữa mẹ là yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng: Phan Xuân Mai (2001) [20], Grant và cộng sự (2012) [47], của Zeyad Tariq M. Tahir và cộng sự (2018) [70]. Nghiên cứu của Nguyen P.T.K và cộng sự thấy rằng trẻ được bú mẹ là yếu tố giảm tỷ lệ viêm phổi nặng [56].
Vai trò của sữa mẹ đối với hệ miễn dịch trẻ nhất là trong 6 tháng đầu rất quan trọng. Sữa mẹ chứa kháng thể kháng vi khuẩn và virus bao gồm nồng
độ kháng thể IgA tương đối cao, các đại thực bào thường có trong sữa non của con người và sữa có thể có thể tổng hợp bổ sung lysozymes và lactoferrin. Trẻ được bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu đời là một yếu tố bảo vệ quan trọng để giảm tỷ lệ viêm phổi nặng.
4.3.8. Tiêm chủng không đầy đủ
Tỷ lệ viêm phổi nặng ở nhóm trẻ không được tiêm chủng đầy đủ theo lứa tuổi cao hơn so với nhóm trẻ được tiêm chủng đầy đủ (55,7% > 44,3%) và nguy cơ viêm phổi nặng ở nhóm trẻ không tiêm chủng đầy đủ cao gấp 5,48 lần so với trẻ được tiêm chủng đầy đủ với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,05.
Nhiều nghiên cứu cũng cho kết quả tương tự về vai trò của tiêm chủng đầy đủ. Nghiên cứu về một số yếu tố nguy cơ liên quan đến viêm phổi nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Huế cũng đưa ra kết luận trẻ trong nhóm tiêm chủng không đầy đủ nguy cơ viêm phổi nặng gấp 5,37 lần trẻ trong nhóm được tiêm chủng đầy đủ [20]. Nghiên cứu của Mai Anh Tuấn cũng chỉ ra các trẻ tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cao hơn hẳn (gấp 7,92 lần) các trẻ được tiêm chủng đầy đủ (p < 0,05) [38]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) cho thấy trẻ trong nhóm tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ viêm phổi nặng cao gấp 2,106 lần nhóm trẻ được tiêm chủng đầy đủ [25]. Theo Jackson và cộng sự (2013) tiêm chủng không đầy đủ làm tăng nguy cơ viêm phổi nặng gấp 1,83 lần (1,32-2,52) [51].
Như vậy tiêm chủng không đầy đủ hoặc đầy đủ mà không đúng lịch là yếu tố liên quan đến mức độ nặng của viêm phổi.
4.3.9. Hít khói thuốc lá
Tỷ lệ viêm phổi nặng ở trẻ có hít khói thuốc lá chiếm ưu thế so với trẻ không hít khói thuốc lá (60,8% so với 39,2%) và nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ có hít khói thuốc lá cao gấp 2,13 lần so với trẻ không hít khói thuốc lá với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
hấp cấp tính của trẻ dưới 5 tuổi tại một số xã miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2008 cũng ghi nhận nhóm trẻ sống trong các hộ gia đình có người lớn hút thuốc lá trong nhà có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cao hơn 1,39 lần so với trẻ trong nhóm gia đình không có người hút thuốc lá trong nhà (p < 0,05) [38]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) cũng kết luận nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ có hít khói thuốc lá cao gấp 3,286 lần so với trẻ không hít khói thuốc lá với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) [25].
Azab và cộng sự (2014) cũng kết luận thói quen hút thuốc lá của bố hoặc mẹ liên quan đến mức độ nặng viêm phổi, trẻ trong nhóm này nguy cơ viêm phổi nặng gấp 2 lần trẻ trong nhóm không bị hít khói thuốc lá với p < 0,05; OR = 2,0 (1,15 – 3,55) [41]. Nghiên cứu của Jroundi và cộng sự (2014) cũng cho thấy trẻ sống trong nhà có khói thuốc lá nguy cơ viêm phổi nặng gấp 1,79 lần với p < 0,05; OR = 1,79 (1,18 – 2,72) [52]. Kết quả nghiên cứu của Grant. C và cộng sự (2012) nguy cơ viêm phổi nặng của trẻ cao gấp 1,99 lần nếu trong nhà một người nghiện thuốc lá [47].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của tôi và nhiều tác giả khác đều kết luận hít khói thuốc lá thụ động là một yếu tố nguy cơ của viêm phổi nặng.
4.3.10. Tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Bảng 3.26 cho thấy kết quả nhóm trẻ có tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp từ 3 lần/năm trong 1 năm gần đây trở lên bị mắc viêm phổi nặng và viêm phổi là như nhau (50,0%), tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp cấp không liên quan đến mức độ nặng của viêm phổi (p > 0,05).
Một số nghiên cứu cũng cho kết quả tương tự. NC của Jackson và cộng sự (2013) ghi nhận tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp cấp không liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp dưới nặng [51]. NC của Hassan và CS (2001) kết luận không có mối liên quan giữa tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong 6 tháng nay với viêm phổi nặng [50].