CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
3.2. Hệ thống nhân vật
Nhân vật văn học là những con người có tên hoặc không tên, được sắp xếp ở một địa vị nào đó trong xã hội. Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm để biểu hiện những tình cảm, ý nghĩ, thái độ với cuộc sống xung quanh mình. Nhân vật ấy cũng có thể là nơi gửi gắm suy nghĩ, thể hiện những tư tưởng của tác giả đối với thế giới nhân sinh. Như vậy, nhân vật là một kết cấu tinh thần được hiện hữu bằng chất liệu ngôn ngữ dưới dạng thức con người. Nhân vật là phương tiện giao tiếp của nhà văn. Nó mang tình cảm, thể hiện chiều sâu tư tưởng, là thế giới quan, lý tưởng, nhận thức... của tác giả. Hệ thống nhân vật trong truyện cổ của dân tộc Dao phân thành ba nhóm dựa trên đặc điểm của nhân vật: nhân vật là con người ( anh em, vợ chồng, mẹ con, vua dân...), nhân vật là loài vật và nhân vật là thần tiên hoặc ma quỷ.
Chúng tôi nhận thấy đối với nhân vật là con người, truyện cổ dân tộc Dao xây dựng hệ thống theo mô tip nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện thường không có lịch sử, diễn biến nội tâm theo chiều hướng tích cực. Họ đều là những con người có xuất thân bình dân nhưng mang trong mình khát vọng lớn lao, vượt lên số phận. Nhân vật chính diện thường là người có lòng tốt, không tham lam và biết chăm chỉ làm lụng. Họ phải trải qua nhiều thử thách gian nan, giàu lòng nhân hậu, đức tính kiên trì và có ý chí quyết tâm. Bên cạnh đó, truyện cổ người Dao cũng xây dựng hình tượng nhân vật phi thường đại diện cho công lĩ, lẽ phải như tráng sĩ Nhân Quý [24, tr. 29] là một người cao to, vạm vỡ chuyên đi dẹp loạn giúp dân. Vùng nào có cướp bóc Nhân Quý đều đến đánh tan toán cướp. Tiếng tăm của chàng được nhà vua biết tới và chiêu mộ về triều đình. Những nơi có cướp bóc chỉ cần Nhân Quý tới giúp đều trở nên yên ổn. Nhân vật trong truyện cổ dân tộc Dao có nhiều nét tương đồng với nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt của dân tộc đa số (dân tộc Kinh)
Người em út (Lang Liêu trong Sự tích bánh chưng, bánh giầy, người em trong Hai anh em và Cây khế,…), Người con riêng (Tấm trong Tấm Cám, cậu bé trong Sự tích chim đa đa,…), Người mồ côi (Chử Đồng Tử trong truyện Chử Đồng Tử, Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh,…), Người mang lốt vật (Sọ Dừa
trong truyện Sọ Dừa, Cóc trong Lấy vợ cóc,…), Người đi ở (anh trai cày trong Cây tre trăm đốt, cô gái đi ở trong Sự tích con khỉ,…), Người dũng sĩ (Thạch Sanh – người mồ côi cũng là dũng sĩ diệt chằn tinh và đại bàng, Chàng Hai trong truyện Giết thuồng luồng,…), Nhóm người có tài lạ (Ba chàng thiện nghệ,
Bốn anh tài, Anh em sinh năm,…) [2, tr.90].
Nhân vật phản diện thường là những người ích kỉ, tham lam và lười biếng. Bởi lẽ không có lịch sử nên nhân vật là con người trong truyện cổ dân tộc Dao thường không có tên tuổi cụ thể và cuộc đời, số phận của họ tuân theo quy luật nhân quả. Qua phân tích chúng tôi nhận thấy phần lớn truyện cổ của người Dao đều có các kiểu nhân vật giống nhau: Anh em mồ côi - nàng tiên, nhà vua - nông dân, nhà vua - anh em, cô gái - yêu tinh, mồ côi - yêu tinh.
Như vậy, hầu hết các nhân vật là con người trong truyện cổ dân tộc Dao được gọi với những tên gọi chung: Chàng mồ côi, người anh, người em, cô gái, chàng
trai... Họ đại diện cho một bộ phận người hội tụ những yếu tố khác nhau mà tác
giả dân gian nhào nặn thành hình tượng nhân vật kiểu mẫu. Dựa vào đặc điểm của nhân vật tác giả dân gian xây dựng tính cách nhân vật theo dạng “ xâu
chuỗi”tức là mỗi hành động của họ dẫn đến kết quả tất yếu của số phận trong
tương lai. Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện có mối quan hệ đối lập, hai tuyến nhân vật này được xây dựng mang tính triệt tiêu. Nhân vật chính diện được bảo vệ, công bằng và chiến thắng. Nhân vật phản diện luôn chuốc lấy thất bại và bị lên án. Nhân vật hai vợ chồng người anh nham hiểm trong truyện “
Cây vàng cây bạc” [24, tr.15], Con cáo mèo [3, tr.2] đều chịu kết cục bi thảm
sống cô độc suốt đời còn người em nhân hậu được hưởng vinh hoa phú quý. Chúng tôi nhận thấy cách tổ chức nhân vật là con người theo hai tuyến tương phản thể hiện nhận thức của người trong trong quá trình hình thành và phát triển. Với họ ánh sáng công lí, niềm tin vào cái thiện sẽ lấn át bóng tối tham lam, đố kị đưa con người đến với chân lý tốt đẹp của cuộc sống.
Kiểu nhân vật thứ hai được xây dựng trong truyện cổ dân tộc Dao là nhân vật loài vật. Nó được nhân hóa và có những hành động biểu hiện như con người. gà mẹ khóc thương bảo vệ đàn con trước nhà trời trong truyện“ Sự tích vết nứt
trên mai cua” [3, tr.25] hay hổ già nhận nuôi cô bé mồ côi làm con trong truyện “
Cha nuôi” [3, tr.29]. Loại nhân vật này được xây dựng nhằm thể hiện sự gần gũi
của đồng bào dân tộc Dao đối với các loài vật. Người Dao vốn sống ở vùng núi, hòa hợp với thiên nhiên nên mỗi loài vật đối với họ đều đáng quý. Tuy nhiên thông qua nhân vật loài vật, người Dao muốn gián tiếp dạy bảo con cháu đời sau những giá trị quý báu như tình mẫu tử ( Gà mẹ - gà con, cha hổ - con gái
nuôi,…). Sự chung thủy trong tình yêu qua nhân vật nàng Ve cô đơn [3, tr.20]
Truyện cổ của ngừơi Dao không trực tiếp bộc lộc thông điệp nhân văn mà thường gửi gắm qua các nhân vật và những tình huống mà nhân vật trải qua. Từ đó, đòi hỏi người đọc, người nghe phải suy ngẫm và tự rút ra bài học cho bản thân.
Đối với nhân vật là loài vật xuất hiện trong các truyện “ Sự tích muỗi, vắt,
đỉa, Sự tích vết nứt trên mai cua” [3, tr.12].Đây là kiểu nhân vật bắt nguồn từ
chính đời sống sinh hoạt của người dân. Tác giả dân gian mượn hình ảnh những con vật quen thuộc hàng ngày đưa vào sáng tác của mình, nhằm mục đích truyền tải nội dung truyện một cách sinh động và gần gũi cho người đọc, người nghe.
Trong truyện cổ dân tộc Dao kiểu nhân vật thứ ba xuất hiện là nhân vật kì ảo yêu tinh hoặc thần tiên. Đây là kiểu nhân vật được tác giả dân gian tưởng tượng hư cấu. Trong các truyện“Cô gái và yêu tinh” [24, tr.19],“Quả dưa thối” [24, tr.17], nhân vật yêu tinh xuất hiện nhằm gây ra những thử thách cho nhân vật khác trong truyện. Nhân vật là thần tiên thường sẽ giúp đỡ các nhân vật khác trong truyện vượt qua khó khăn. Người Dao quan niệm, yêu tinh là hóa thân của những kẻ độc ác chuyên làm hại con người. Còn thần tiên là hóa thân của những người tốt luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Vì vây, trong truyện cổ của dân tộc Dao kiểu nhân vật này thường xuyên xuất hiện.
Lực lượng thần kì trong truyện cổ người Dao gắn với tín ngưỡng. Lực lượng thần kì bao gồm: những nhân vật thần kì (Thần tiên,…); những vật có phép màu (quả bầu, quả dưa, chiếc sừng nai...); sự biến hóa siêu tự nhiên ( người hóa thành vật, vật hóa thành người, vật này hóa thành vật khác, người thế này hóa thành người thế khác,…Lực lượng thần kì cũng có thể chia thành hai
loại: lực lượng thần kì trợ thủ của nhân vật chính ( phía thiện chính nghĩa) và lực lượng thần kì đối thủ của nhân vật chính hay đối thủ thần kì (phía ác, phi nghĩa).
Yếu tố kì ảo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nổi bật đặc điểm của truyện cổ. Mỗi câu truyện cổ đều được tác giả gửi gắm chi tiết thần kì. Ví dụ như: nàng tiên giúp đỡ chàng mồ côi phát nương trồng lúa, dọn dẹp nhà cửa trong truyện “ Chiếc sừng nai”, cây nở ra quả vàng, quả bạc trong truyện “Cây vàng, cây bạc”, Chang Lọ Có nói chuyện được với thần Sét và đánh bại được thần Sét trong truyện “ Fụ Hây, Chấy Mụi và nạn đại hồng
thủy”… Người Dao coi trọng tâm linh, nên trong đời sống cũng như trong
truyện cổ đều có yếu tố thần kì. Họ quan niệm thần linh luôn ở bên mình giúp đỡ những lúc họ gặp khó khăn không thể vượt qua. Tuy nhiên người Dao phải biết giúp đỡ người khác, sống lương thiện thì mới nhận được sự giúp đỡ của thần linh. Họ luôn có niềm tin vào lực lượng siêu nhiên nên đôi khi chưa thật sự cố gắng làm chủ cuộc sống. Đây là điểm hạn chế của người dân tộc Dao khiến đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế cũng như chăm sóc bảo vệ bản thân.
Như vậy, dựa trên phân tích đặc điểm hệ thống nhân vật trong truyện cổ dân tộc Dao được phân làm ba nhóm: nhân vật là con người, nhân vật là con người (chính diện, phản diện), nhân vật kì ảo (thần tiên hoặc ma quỷ). Đây là các kiểu nhân vật thường bắt gặp trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, nhân vật trong truyện cổ dân tộc Dao mang dáng dấp của đồng bào Dao và thể hiện đặc trưng vùng miền một cách rõ nét thông qua tên gọi một số nhân vật cũng như cách xưng hô. Đặc biệt cách xây dựng nhân vật thể hiện nếp nghĩ cũng như tư tưởng của đồng bảo dân tộc Dao trong nhìn nhận và đánh giá con người.