6. Cấu trúc luận văn
3.1. Nghệ thuật thể hiện tâm lý trong văn xuôi Hoàng Việt Hằng
Theo từ điển Tiếng Việt: “ Tâm lý là toàn bộ nói chung sự phản ánh của hiện thực khách quan vào ý thức con người, bao gồm nhận thức ý chí tình cảm…. biểu hiện trong hoạt động và cử chỉ của mỗi người”. Như vậy khi nhắc đến tâm lý nhân vật là nhắc đến những biểu hiện của con người bên trong nhân vật. Đó là những cảm xúc suy nghĩ, là tâm trạng, là những phản ứng của nhân vật trong các tình huống của cuộc sống. Có thể nói trong các tác phẩm văn học hiện đại, nghệ thuật phân tích tâm lý, khắc họa tính cách nhân vật là yếu tố quan trọng giúp nhân vật trở nên có hồn và mang dấu ấn riêng, nhất là với nhân vật cá tính và có đời sống nội tâm phong phú. Nhờ đó nhân vật hiện lên sinh động với diễn biến tâm lý phù hợp. Cái tài của nhà văn chính là thể hiện được quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật theo logic cuộc sống, khiến độc giả như đang gặp một con người ngoài đời chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Trong văn xuôi Hoàng Việt Hằng, người đọc nhận thấy yếu tố tâm lý được nhà văn sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật. Viết về những khát vọng của người phụ nữ, nhà văn chú ý đi sâu khám phá diễn biến tâm lý ở họ. Đó là quá trình đấu tranh giằng xé giữa con người của trách nhiệm, bổn phận và những khát vọng cá nhân. Đôi khi vẻ bề ngoại lặng thầm cam chịu nhưng bên trong lại là bão nổi. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy
của Hoàng Việt Hằng. Đó là tình cảnh của Xinh khi lấy một người chồng hơn mình về tuổi đời và tuổi nghề, lại trải qua một lần đò. Vì vậy từ lúc lấy Trị, Xinh luôn là người nhẫn nhịn, cố gắng điều hòa không khí trong gia đình. Cô đã cùng chồng và đứa con nhỏ trải qua gian khó của một thời bao cấp và đã sống hết mình cho con đường đã chọn.
Trong quá trình miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, Hoàng Việt Hằng đã sử dụng độc thoại nội tâm như một phương tiện hữu hiệu giúp nhân vật bộc lộ tính cách chân thực, sâu sắc nhất. Đó là những khoảnh khắc nhân vật trở về với cái tôi của mình, không thôi trăn trở băn khoăn về tình yêu, về gia đình, về hạnh phúc. Từ đó nhân vật hiện hình sinh động và có sức lôi cuốn. Trong thời gian yêu Trị, Xinh đã hồn nhiên kể hết cho anh những câu chuyện tình trong quá khứ. Xinh đâu ngờ lấy nhau rồi, những câu chuyện đấy lại là cái cớ làm nảy sinh những chuyện ghen tuông vô lý của chồng. Những lúc đó cô không sao khóc được, cứ lặng thinh đối diện với những lời nhiếc móc, rỉa rói của Trị:
“Đầu óc cô để vào anh nào thế. Có phải anh họa sĩ thọc cả ngón tay trỏ vét lòng trắng trứng ra bát, cô cho rằng hắn ki bo mà cô bỏ hắn phải không. Hay anh tiến sĩ Toán học mà cô thích trước khi rẽ ngang lấy tôi” [10, tr.99].
Cô đã dần hiểu ra nông nỗi người đàn ông từng bị vợ cắm sừng, có lần Trị còn riết róng hơn:
“Cô có nuôi được con không? Hay lại giống mẹ cô đi gửi con nhà người. Để con đấy, tôi nuôi, đi với thằng nào thì đi đi” [10, tr.100].
Những lần như vậy, Xinh lại đạp xe đến chùa hoặc sang nhà ngoại, khóc chán chê rồi cũng vẫn phải về vì nhớ con. Đêm đã lắng sâu, cô cho con ngủ rồi thắp ngọn đèn sợi tóc lên độc thoại với cái bóng trên tường, mắt nhìn nhớ về cậu Nghẹo (là đứa em dị tật của mình): “Nếu cậu còn sống, chị sẽ nói với cậu chuyện này. Nếu cậu khỏe mạnh cậu sẽ bênh chị. Nhưng không có ai ở đây để bênh Xinh cả” [10, tr.102]. Một con người từ nhỏ đã phải sống cam chịu, sống thua thiệt về mình dành phần hơn cho người khác, dường như chữ “ Nhẫn” luôn nằm thường trực trong con người Xinh, những lúc trải nỗi lòng cô chỉ biết tâm sự với chính mình qua bóng đèn sợi tóc trong đêm thanh vắng.
Không chỉ có ở tiểu thuyết mà trong truyện ngắn và tản văn của Hoàng Việt Hằng, người đọc cũng hình dung ra được nét tâm lý ở trong mỗi nhân vật. Rõ nét nhất là ở trong những con người gần đất xa trời, sống với những căn
bệnh nan y, họ lúc nào cũng đau đáu một nỗi lòng muốn được đoàn tụ bên người thân và gia đình. Ta gặp chị Thuyên - chị họ của nhân vật Tôi (trong truyện Đến một ngày đáo hạn), chị có một khối u trong phổi. Lúc còn khỏe thì chị cứ miệt mài sống vội với công việc, dùng sức và trí để nuôi cả nhà. Chị có tất cả ba ngôi nhà cho con gái, con trai và vợ chồng chị ở một biệt thự gần ga Hàng Cỏ. Thường thường vào buổi sáng chồng đi làm chị sống với ô sin, tâm tình với ô sin là chính. Khi gần đất xa trời, chị mới thấm thía món quà vô giá nhất của mình là có ai trò chuyện, có con cái quây quần ở bên. “Nhiều khi đau quá chị rất muốn đi nhanh. Chết nhanh” [15, tr.21]. Có lẽ ai bị mắc căn bệnh nan y đều có một tâm lý cô đơn và muốn giải thoát nhanh chóng trên cõi tạm về với cõi vĩnh hằng, đó là tâm lý vừa sợ hãi vừa sẵn sàng chấp nhận thực tế từ những cơn đau vật vã. Lúc ấy con người ta không thiết vật chất nữa, chỉ muốn tinh thần được thoải mái an nhiên tự tại với con cái bạn bè mà thôi.
Cho dù viết ở thể loại nào, truyện ngắn, tiểu thuyết hay tản văn thì người đọc cũng thấy thường trực trong tâm lý của các nhân vật một câu hỏi đó là
“Phải tiêu dao thời gian sống ra sao?”. Người vớt rác ven hồ tên Hổ trong tản văn Bóng đổ nơi chân sóng cũng đã từng “tâm sự” với người đồng cảnh: “… Thời gian thật quý hóa bà nhỉ, thời gian chẳng chờ đợi ai. Vậy mà con người ta cứ hay phung phí thời gian sống, chẳng nuối tiếc, chẳng chịu chắt chiu nó bà Nhi nhỉ” [15, tr.14]. Mỗi người có một cách sử dụng thời gian khác nhau nhưng tựu trung lại trong họ đều muốn làm việc có ích cho đời. Người vớt rác ven hồ tên Hổ dành thời gian cho việc làm sạch môi trường, khâm liệm xác người chết. Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Minh Thái (trong tản văn Dấu chấm than viết ngược với mẩu chuyện Đi để khám phá chính mình) là người vùi vào công việc, nếu có kẽ hở của thời gian rỗi chị dành cho đi bộ, bơi nước nóng vào mùa lạnh hoặc tập yoga để tự chăm sóc cho sức khỏe của mình, phấn đấu học để có sự nghiệp và tự nuôi con. Rất nhiều người với những tâm trạng khác nhau đã bước vào trang viết của Hoàng Việt Hằng, đem tới cái nhìn đa diện, nhiều chiều kích về con người.