Nỗi nhớ Hà Nội một thời chưa xa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm văn xuôi hoàng việt hằng (Trang 26 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Nỗi nhớ Hà Nội một thời chưa xa

Nhớ đến Hà Nội trong kí ức của Hoàng việt Hằng là những hàng cây, dường như cây không chỉ là túi khí oxy cho bà thở mà nó còn là điểm tựa để bà đến gần với thiên nhiên, gần với chính mình hơn.

Trong tâm khảm của mình, Hoàng Việt Hằng thuộc lòng từng phố cây đã đi vào tình yêu của người Hà Nội, người của nhiều vùng quê đến đây lập nghiệp. Trong tản văn Dấu chấm than viết ngược, Hoàng Việt Hằng đã viết:

“Có bao nhiêu mối tình lặng lẽ dưới cây sấu già trên đường Phan Đình Phùng, trên đường Hai Bà Trưng. Thảng thốt hơn đó là hàng phượng dọc phố Lý Thường kiệt, hoặc bên Hồ Gươm, bên phố Lê Thái Tổ. Mùa đông trơ trụi lá, mùa xuân đầy lá non. Mùa hè chói chang hoa đỏ, vân trắng, nụ xanh. Ve tha hồ khản giọng gào. Phố Lò Đúc không còn cò đậu, hàng cây sao đen không có hoa cao chót vót ở gần nơi nhà máy sản xuất vắc xin duy nhất hàng đầu của Việt Nam. Phố, duy nhất có Cây đa Nhà Bò, nơi có nhà hộ sinh nổi tiếng, các bà đỡ từng đón bao chàng trai cô gái Hà Nội ra đời. Hai hàng cây sao đen, cuối thế kỉ XX còn có bao nhiêu cò về đậu. Nay cò không thấy, chỉ thấy cây sao đen bị đẽo gốc nham nhở. Đã có người đẽo vỏ làm thuốc chữa bệnh ngoài da.

Nhưng cây sao đen đau đớn mà không nói được. Các vị lãnh đạo của Công Ty công viên cây xanh chưa biết.

Còn cây sanh là anh cây si ở phố Lê Thái Tổ, bị chết khi họ đẽo cây, khi gặp bão lớn cây đổ”. [9, tr.21]

Với sự phát triển không ngừng của đất nước theo nền công nghiệp hóa thì sẽ dẫn đến một hệ lụy đó là những đường cây dần sẽ mất đi thay vào đó là các nhà máy, công trình. Với sự am hiểu tường tận về vị trí đặc điểm của từng loại cây ở Hà Nội, Hoàng Việt Hằng và người đọc không khỏi tiếc nuối về sự mất mát dần của phố cây Hà Nội xưa. Dần dần bên Hồ Gươm sẽ không còn cây lộc vừng, cây vông nem, làng Thể Giao phố sẽ vắng bóng hàng cây hoa sữa, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ không còn bóng dáng cây cơm nguội xưa cũ. Có thể nói chỉ tràn đầy tình yêu với thiên nhiên, cây lá thì mới viết được những trang miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ như dẫn dụ người đọc đi vào mê cung của thế giới loài cây vậy.

Là người gốc Hà Nội nên những con đường ngõ hẻm dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của Hoàng Việt Hằng, không rõ đất Hà Thành có bao nhiêu ngõ nhỏ nhưng có một con ngõ sâu hút trong một phố nhỏ ngày xưa nối làng Thể Giao và làng Vân Hồ đã in sâu như một vệt nâu trên bản đồ trí nhớ của bà.

Đọc tản văn của Hoàng Việt Hằng người đọc như thấy mình đang được tác giả dẫn đến với từng nhà của con ngõ ấy. Đầu tiên “cứ lần theo ngõ mà rẽ vào nhà cụ trưởng Phát xưa (…).Đi sâu vào ngõ là con đường cụt nhà trong cùng của ngõ cụt là ngôi nhà rất khá giả của bà cụ Tam Hoàng (…). Lối ngõ chỗ có giậu cúc tần và khóm dứa dại thơm nức quanh năm giờ còn cậu Túc ở vậy một mình” [12, tr.5-8]. Cái ngõ nhỏ không tên ấy chỉ còn lại mấy nhà người Hà Nội gốc, ngõ nhỏ không tên đã bao bọc bao phận người nhỏ nhoi, đã vui cười cùng họ, đau khổ cùng họ, chứng kiến bao sự đổi thay cùng họ.

Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến những cây cầu với các tên gọi quen thuộc Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thăng Long,… Nhưng trong hoài niệm của Hoàng Việt Hằng, cầu Long Biên để lại cho bà nhiều ám ảnh nhất, nó gắn liền với nghề xây dựng, với tình yêu đầu đời của bà, trong tản văn Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng tác giả viết: “Với cuộc đời tôi chỉ ám ảnh một cây cầu Long Biên cũ kĩ in dấu những chiếc đinh khuy, những chiếc ốc vít to cồ cộ. Những người công nhân cầu đường thường đi làm đêm, trực ca vì bom đạn chiến tranh, bom tấn của Mỹ từng không hủy hoại được cây cầu.

Ngày đó mối tình đầu thời thanh xuân, anh và tôi đi xe đạp trong những sớm sương mù nhòa nhạt, cả tôi và anh lẫn vào dòng người lam lũ đi chợ sớm bán rau xanh và hoa quả ngọt bên bờ bãi sông Hồng. Chúng tôi đi làm ca.” [12, tr.12]

Cây cầu gắn liền với những rung động đầu đời khó phai trong tâm trí của người con gái yêu nghề xây dựng, cũng cây cầu này đã chứng kiến có cặp tình nhân thề thốt thủy chung: “Họ đan tấm thảm tình yêu bằng chính bờ môi và hơi thở của họ để rồi trong lễ cưới vàng họ lại lên cây cầu khóa môi nhau ở tuổi ngoài bảy mươi” [11, tr.189].

Hoàng Việt Hằng có người mẹ đi tu, cả phần đời còn lại sau khi gửi con đi ở nhà người của bà gắn liền với chùa chiền, chính vì vậy mà những ngôi chùa Hà Nội cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của tác giả, chính không khí trong chùa đã nhiều lần lấy lại sự tĩnh tâm cho Hoàng Việt Hằng, nhiều lần

chị tìm đến cửa Phật như là một sự cứu cánh, một sự chở che như bàn tay người mẹ hiền, bà thuộc như lòng bàn tay từng ngôi chùa ở Hà Nội với những cái tên như Chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách, Chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc. Bà viết về những ngôi chùa với một sự am hiểu kĩ lưỡng như chính bà là một phần trong ngôi chùa ấy. Trong tập tản văn Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng tác giả viết: “Hàng chục cây số Hồ Tây mù sương, ta ghé chùa Tĩnh Lâu, ngôi chùa dân làng Võng Thị quen gọi chùa Sải, chùa tu bổ từ năm 2008, vẫn chưa xong. Nhưng dân vẫn lặng thắp hương Bồ Tát. Nếu như sân trước chùa Sải ngoảnh mặt ra hồ, thì chùa Trấn Quốc và chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách lại nhìn ra hồ từ phía sân sau. Chùa Sải có những tủ sách gồm kinh kệ nhà Phật, những bức tranh, những tượng Phật.

Chùa Sải rộng lớn có những bức tranh khiến ta chạnh nhớ tranh của Michelangelo. Chùa có tủ sách như một thư viện quý. Ở Tam bảo tĩnh mịch ta có thể trôi ngay vào cõi thiền, tâm thanh thản không vướng bận gì. Rồi ta chậm rãi bước sang vệt chùa Vạn Niên.Chùa Vạn Niên cổ bậc nhất kinh kỳ Thăng Long xưa, nay còn lưu giữ 46 pho tượng, gồm 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn. Chùa cổ này còn lưu giữ 11 đạo sắc phong thần, là nơi ghi dấu vị quốc sư Thảo Đường trụ trì nhiều năm hai chùa Trấn Quốc và Vạn Niên. Nay ngôi chùa chưa phai nhòa cổ kính, và tôn tạo mới không gian sân sau nét kiến trúc hiện đại. Tượng Phật cũ xưa rất xưa, chùa mới có một không gian thờ tượng phật bằng ngọc của xứ Myanmar, cao 1.3 mét, nặng 600kg, hai bên tượng Phật có tòa sen bằng gỗ hương còn gọi Cửu phẩm liên hoa phụ mẫu. Nếu rẽ trái, đi sâu xuống tầng hầm có trụ đá hồng ngọc, nghe nói trụ đá này đem lại nhiều ước nguyện cho con người. Nếu bạn muốn ước, tay trái đặt lên trụ đá, tay phải xoay, cầu nguyện điều ước năm mới….

Đi thêm vài chục mét là sang chùa Tảo Sách, gần chùa Tảo Sách có hai con rồng phun nước rất thơ mộng…Bạn có thể ghé qua chùa cổ Kim Liên gần khách sạn Thắng Lợi. Chùa được xây lên từ nền cũ của cung Từ Hoa, con gái

của vua Lý Thái Tông. Chùa có kiến trúc cổ hai tầng tám mái, nhìn xa như bông sen. Nơi thờ phật, nơi thờ công chúa Từ Hoa. Chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng xếp theo kiểu chữ tam, nối với nhau bởi cái máng nước. Đến chùa Kim Liên ám ảnh nhất đối với tôi là cái máng nước, với tôi còn một thứ ám ảnh nữa là cái bể nước và cái gáo dừa. Quê ơi là quê, đẹp thế mà cứ mải đi đến những đẩu những đâu.[12, tr.19]

Dẫu xuôi ngược bôn ba nhưng ai cũng muốn được một lần đến với chốn Phật, họ đến để cầu rất nhiều thứ tiền, tài, lộc nhưng ít ai biết cầu an trong lòng. Chính sự “đủ” ở trong tâm mới là cái đích đến của cửa Phật, Hoàng Việt Hằng muốn gửi một thông điệp đến người đọc rằng con người không biết thế nào là bớt ham muốn thì con người mãi vướng vào cái nghiệp chướng của sự Khổ mà thôi.

Những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội vào thời nay sẽ không bao giờ biết Hà Nội xưa như thế nào nếu không có những nhiếp ảnh gia trong làng văn chương như Hoàng Việt Hằng, dưới ngòi bút của bà người đọc sẽ thấy Hà Nội xưa hiện lên qua kí ức: “Ở làng Vân Hồ xưa, vẫn còn một rặng cây hoa dứa dại thơm ngào ngạt vào lúc khuya. Bây giờ là con đường nối từ phố Nguyễn Đình Chiểu qua phố Vân Hồ 2 sang Đại Cồ Việt. Cái nhà bán thịt bán cá của Mậu dịch quốc doanh giờ đây là siêu thị Hà Nội. Cả một cái ao lớn đến vườn tược đã trở thành Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật trên phố Hoa Lư.

Cái ống khói của phân xưởng Đúc nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã xóa đi trong nhà cao tầng, một trung tâm thương mại lớn của Hà Nội mới. Chợ Đuổi ngày xưa không còn. Chỉ còn trong kí ức. Chợ Mơ phiên cũng đã xóa đi, chỉ còn trong ám ảnh của người Hà Nội cũ . Rất cũ, rất mới khi hình dung ra cái chợ phiên, phía Bắc có chợ Bưởi phía Nam có chợ Mơ. Hai chợ phiên đã thành Trung tâm thương mại lớn.Chỉ còn hồn quê ở các loại chum vại, quang thúng, giần sàng vẫn bán trong chợ Trung tâm.” [13, tr.31-32].

Tất cả những kí ức đẹp đẽ về Hà Nội xưa cứ dần dần hiện ra qua ngòi bút của Hoàng Việt Hằng, bà viết về nó với một sự luyến tiếc và sự trân trọng của một người con đất Hà Thành, những trang viết của Hoàng Việt Hằng đã diễn tả tâm trạng vừa nhớ thương quá khứ, vừa đau lòng trước hiện tại, khi cái đẹp trong kí ức đã lùi xa. Bà tiếc nuối những hàng cây được cho là lá phổi xanh của con người đang bị đe dọa trước sự xô bồ của việc đô thị hóa, sự tan rã của mạch nối gia đình bởi sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại. Cũng viết về đời sống thị dân nơi đây, Nguyễn Việt Hà - Một người thuộc thế hệ 6X của phố cổ cũng có những cảm nhận giống Hoàng Việt Hằng, ông cho rằng: “Khi nhớ, lẽ thường, người ta vẫn nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi con người ta đâu dễ tránh khỏi những cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại” [52].

Càng về sau những trang viết về kí ức của Hoàng Việt Hằng càng sâu sắc, có lẽ mỗi một mùa xuân qua bà ý thức được mình đã có tuổi, đã trải qua sóng gió cuộc đời, giờ đôi lúc bà ngoảnh lại bờ vai thấy kí ức lại hiện về lúc rực rỡ, lúc mờ nhạt với dòng sông Đáy thơ mộng, với những vườn cây nay đã thay thế bởi những dự án phát triển của đất nước: “Sông Đáy vẫn chảy như xưa, mùa khô sông cạn, mùa hoa mía cũng ít đi những vạt hoa tím. Thay thế vào những vườn cây xưa là những dự án, những ngôi nhà lợp tôn dành cho đủ chức năng sản xuất phục vụ tiêu dùng cho con người. Của cải nhiều lên nhưng bờ bãi hẹp lại. Thiên nhiên mơ mộng cũng bị xóa đi.

Dòng sông quê, với tuổi thơ tôi luôn có anh Vinh, có một tình bạn sáng trong với bao kỉ niệm khó phai trong kí ức”. [15, tr.84]

Trong văn xuôi Hoàng Việt Hằng, không chỉ hiện ra với hương cây, mùi lá mà còn hiện ra với vị của nó. Không phải ngẫu nhiên Hoàng Việt Hằng nhận ra phố Hà Nội có vị và cỏ hương. Bên cạnh hương thơm của các loài hoa bưởi, hoa sen là mùi vị. Với Hoàng Việt Hằng: “Kỉ niệm về vị phố không cần phải cất trong album ảnh, không cần phải chụp bằng máy kĩ thuật số, không

cần điện thoại chụp ngay, mà vị phố đang ẩn sâu trong trái tim người, đôi khi như thước phim tua chậm lại trong mắt ta, khiến ta bước chậm hồi tưởng và muốn khóc. Vị của mỗi món ăn cứ tràn về khi ta bước chân xa Hà Nội, nhất là khi xa Tổ Quốc. Bạn tôi ở Châu Âu bao năm cứ nhắc mãi tên phố, tên ngõ, tên món ăn ở Hà Nội, mỗi khi tết về. Dù ở bên trời Tây không thiếu gì vị phở vị bún. Nhưng nói cái gì đi chứ, khi ta nhớ vị phố cổ, vị món ăn ở nơi xứ sở chí có gió mùa và mưa phùn lay lứt nhớ nhung, nhớ nhung cả khi mùa hè vị của nước sấu đá cũng làm ta tỉnh giấc. Vị đã tan mà không tan trong nỗi nhớ của phố cũ Hà Nội”[15, tr.158-159].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm văn xuôi hoàng việt hằng (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)