6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Thân phận người phụ nữ
Trong xã hội Á Đông truyền thống, vai trò vị trí của người phụ nữ luôn bị đánh giá thấp, họ luôn bị những quy định ràng buộc chặt chẽ của xã hội phong kiến như “Tam tòng tứ đức”, “Công dung ngôn hạnh”, người phụ nữ
luôn phải nín nhịn, chấp nhận địa vị hèn kém của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Ngày nay khi hơn nửa dân số thế giới là phụ nữ và phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội nhưng bất chấp thực tế này trong nhiều nền văn hóa phụ nữ không những không được đánh giá và đối xử đúng với năng lực và vị trí thực tế của mình mà còn là đối tượng của những phân biệt đối xử.
Đọc những tác phẩm của Hoàng Việt Hằng ta bắt gặp những người đàn bà với những hoàn cảnh rất thương tâm, dù họ là những nhân vật có thật hay hư cấu thì cũng mang lại một dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc.
Với Một bàn tay thì đầy người đọc thấy rõ cuộc hành trình đi tìm tình yêu của một cô gái Hà Nội tên Xinh, số phận thử thách cô ngay từ những tháng năm đầu tiên của cuộc đời. Thượng đế đã đem cô đến với mẹ cô nhưng cô lại không được sống cùng với mẹ mà phải làm con nuôi trong một gia đình khá giả hiếm con tại làng Vân Hồ Hà Nội. Khi lớn lên ý thức được mình là con nuôi cô đã “càng làm cố để sống, Xinh đan len để có 5 xu một ngày để đưa cho mẹ rau cháo đủ bữa” [10], cô đã làm tròn chữ hiếu với mẹ đẻ và ba mẹ nuôi.
Rồi việc gì đến cũng sẽ đến, con đường hôn nhân của cô cũng không phải trải đầy hoa hồng như những người khác. Cô yêu và cưới người đàn ông hơn mình nhiều tuổi, đã có một đời vợ và mấy mặt con, dù hai bên gia đình không đồng ý nhưng đám cưới của họ vẫn được tổ chức dưới sự chứng kiến của bạn bè và anh em trong cơ quan. Chính người chồng của cô đã dìu dắt và rèn luyện Xinh từ một cô gái mang trong mình niềm đam mê xây dựng lại có thêm niềm đam mê văn chương.
Đó mới chỉ là bắt đầu về cuộc đời bể dâu của một cô gái mang chất nền nã Thăng Long xưa. Ngay từ đêm tân hôn cô đã phải trải qua một nỗi sợ hãi từ chính người chồng mình đem lại, vì bản thân đã một lần trải qua hôn nhân cùng với sự trẻ trung của Xinh nên chồng cô đã ghen, anh đã sợ Xinh cũng giống như người đàn bà trước kia, anh đã xé tờ giấy đăng kí kết hôn cùng với những
lời nhiếc mắng người vợ trẻ. Còn gì đau đớn hơn một cô gái trong đêm tân hôn tưởng rằng sẽ ấm áp bên người chồng nhưng thay vào đó là những sợi roi vô hình từ chính người chồng đem lại. Cuối cùng cô lại phải quệt ngang nước mắt cam chịu số phận cuộc đời mình. Lúc sinh con cô phải vượt cạn một mình và cô tự an ủi “Có gì ghê gớm đâu, phụ nữ trên thế giới ối người sinh con một mình Xinh không ngoại lệ” [10, tr.96]
Rồi tai họa ập đến gia đình nhỏ bé của Xinh, Trị - Chồng Xinh bị tai biến liệt nửa người do hậu quả của chiến tranh gây ra. Chiếc đòn gánh cuộc đời nay đè nặng lên đôi vai của Xinh, con nhỏ chồng đau ốm, một mình bươn trải với những trang viết, ngoài ra cô còn phải đi kiếm thêm tiền bằng cách bốc vải thuê ở chợ Bắc Qua - Một công việc không dễ dàng gì đối với một người phụ nữ.
Cũng giống như các tác phẩm văn học của các nhà văn nữ cùng thời đề tài về hạnh phúc gia đình cũng được Hoàng Việt Hằng quan tâm và khai thác. Hạnh phúc gia đình luôn bị những bóng đen đe dọa và trong đó người phụ nữ luôn cảm thấy đau khổ bất hạnh và đôi khi như không thể giữ trọn hạnh phúc của mình. Người con gái tên Xinh có lần đã phải nuốt nước mắt về nhà mẹ đẻ khi chứng kiến sự bỗ bã của người đàn bà khác với chồng mình. Có người đàn bà đã nói thẳng vào mặt Xinh khi đến chơi đúng lúc nhìn thấy cô vừa đi chợ về:
“Chị cứ để thức ăn đấy, tôi nấu cho anh Trị ăn. Tôi nấu ngon. Tôi mới là người đem lại hạnh phúc cho anh Trị”[10].
Xinh ra trường mẫu giáo đón con về nhà ngoại, về với cậu Nghẹo tật nguyền nhưng có tấm lòng từ bi, cô về với ngôi nhà có căn bếp mà u Trần đã từng thổi cơm. Thế nhưng dẫu đau đớn xé lòng cuối cùng Xinh vẫn phải quay lại cái nơi mà người đàn bà khác tuyên bố với chị sẽ nấu cơm tối cho chồng chị ăn. Sự hi sinh và cam chịu của người đàn bà và tình yêu thương con vô bờ bến đã giúp cô bước tiếp trên con đường hôn nhân đầy gian khó của mình.
Cũng như nhân vật Xinh trong tập truyên ngắn Nắng trưa không đứng bóng ta cũng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ có chồng ngoại tình qua nhân vật
“em”, Hoàng Việt Hằng đã diễn tả đúng tâm trạng của một người phụ nữ bị san sẻ tình cảm:
“Em đi lên chiếu nghỉ cầu thang, chợt nghe thấy anh đang ở nhà, nói với giọng âu yếm qua điện thoại: “anh nhớ em, cưng ạ”. Em đứng chôn chân xuống đất. Như trời trồng. Như cây chuối trồng ngược. Câu nói này từng lặp lại trong một điệp khúc anh từng nói với em ngày xửa, ngày xưa khi chúng ta yêu nhau. Rồi em bỏ đi ngay như chạy trốn sự sợ hãi mơ hồ.
Em đã bao lần nuốt khan nước mắt. Khi dậy sớm ra Hồ Tây lúc sương còn nhạt nhòa, em khóc khản hơi rồi về nhà. Anh thấy em khản tiếng, cùng đi liêu xiêu, có khi thấy em làm vỡ bát, tự tay đi dọn bếp cho em. Không ai nói với ai câu nào.
Rồi chưa hết nỗi đau, nỗi đau kéo dài tới lúc em 50 tuổi; Lại có một người đàn bà khác xấn xổ yêu anh. Chị ta gọi điện hẹn gặp em, chị ta mặc cả hẳn hoi, ngã giá hẳn hoi để chị ta được yêu anh.” [14, tr.39]
Cuộc đời người đàn bà đa đoan thì mãi đa đoan, các đấng mày râu đâu chịu thấu hiểu cho nỗi vất vả của vợ mình khi vừa phải đảm nhiệm vai trò người vợ, người mẹ, người con dâu tốt. Lúc còn sung sức, khỏe mạnh thì cứa lên mình những người vợ hiền ngàn vết dao sắc nhọn làm tổn thương tình cảm của những người đàn bà thủy chung. Họ sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc gia đình với những canh bạc tình ái, còn khi già yếu hoặc thất cơ lỡ vận thì lại chỉ có vợ chăm sóc chia sẻ, những lúc khó khăn sao không thấy những bóng hồng cam tâm tình nguyện xưa kia ra mặt giúp đỡ ? Nhưng bản chất của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay vẫn vậy khi thấy người mình yêu thương biết quay đầu lại thì lại mủi lòng tha thứ vì một nỗi “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, vì một chữ “ nghĩa” và hơn hết là vì con. Phật dạy rằng tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối, không nên dễ dàng buông bỏ, cải thiện quan hệ vợ chồng, cùng nhau hòa hảo ấy mới là cái đích hướng đến. Cho nên những người đàn bà đa đoan trong tác phẩm của Hoàng
Việt Hằng cuối cùng vẫn tha thứ và làm tiếp trọng trách của một người vợ, người mẹ.
Tiếp tục với cuộc đời của Xinh, dẫu khó khăn vất vả là vậy nhưng gia đình Xinh vẫn phải chu cấp cho con riêng của Trị, gia đình cũ của Trị biến gia đình mới của anh thành chiến trường của cơm áo. Xinh cặm cụi nhẫn nhịn chịu đựng và cố gắng để có một gia đình yên ấm, cô có đủ những tố chất của người đàn bà đức hạnh.
Mười năm ròng chăm chồng đau ốm, thi thoảng lai phải chịu những trận đòn từ chồng bởi dư âm của căn bệnh Alzheimer nhưng Xinh can đảm vượt qua hết, nhiều lần đã muốn vứt bỏ tất cả nhưng nghĩ đến đứa con thơ ở nhà chị lại càng phải cố sống. Trong một lần đến với Hồ Ba Bể - Bắc Cạn Xinh đã định trẫm mình xuống hồ nhưng “Thấy con nghé chạy theo con trâu mẹ đòi bú. Thấy con chó vện đang bú mẹ rồi nhảy cẫng lên, rồi ôm chân mẹ. Xinh thấy mình không nên rời bỏ con.
Khi nằm dưới hồ sâu, con thơ dại, Trị đang dở người. Ai sẽ lo liệu cho cu Bin.
Sẽ là chất chồng lên con thơ nỗi bơ vơ thiếu mẹ như u Trần từng gửi con đi cửa người để vào chùa hương khói, mà rồi hương khói cũng không xong. Việc đời không phải muốn là được.” [10, tr.204]
Tình mẫu tử đã giúp chị vượt hết khó khăn này đến khó khăn khác.
Vừa phải bon chen, vừa phải đi trên những cuộc hành trình để viết nên Xinh thường xuyên phải xa con. Do vậy trong lòng Xinh lúc nào cũng cũng thường trực nỗi đau bởi sự dửng dưng của con trai với mình “nếu như trong nhiều việc khó của đời Xinh, thì việc làm nhà đổ móng, làm cửa đến việc làm cửu vạn ở chợ Đồng Xuân, đến làm thêu ren tinh xảo, đến viết văn viết báo thì Xinh cũng đã qua. Chỉ mỗi việc dạy con là khó nhất, khi mà Xinh không thể thay thế Trị nói tiếng nói của người cha với con trai.” [10, tr.205] Chính việc không được thường xuyên bên con, chăm sóc con, theo dõi con đã đưa đến một
hệ lụy cho mối quan hệ mẹ con Xinh, “máy vi tính, các loại nhạc, những trò chơi game và những phim kinh dị đã lấy đi ở con trai Xinh sự ấm áp và lòng quan tâm đến người khác, kể cả người mẹ” [10, tr.205] . Điều này đã là lời cảnh tỉnh cho những gia đình không có đủ trách nhiệm với con cái để con lầm đường lạc lối, nghiện chất trắng, thuốc lắc, ma túy là những hiện tượng rất thực trong cuộc sống hiện nay. Mặc dù vậy người đàn bà bản lĩnh mang tên Xinh đã là tấm gương tốt cho con noi theo, chị thà lao động vất vả chứ không chịu làm việc gì có lỗi với chồng con, luôn lo lắng cho hạnh phúc của chồng con, xem đó như mục đích cao nhất của cuộc đời mình. Hoàng Việt Hằng đã từng trải nghiệm những điều ấy bằng cuộc đời của mình. Khi con bà đang ở tuổi thiếu niên, ham thích những trò chơi game - một trò chơi ảo ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của lứa tuổi này, đã có lúc hầu như đêm nào bà cũng ngồi chờ con đến sáng, có lần đội mưa đi tìm con trong đêm tối. Tác giả đã cầu cạnh người bạn chiến đấu của chồng dạy con nên người nhưng càng nhờ người dạy càng rối. Khi lên núi cao ở Pù Luông, bà đã ngộ ra bài học của người đàn bà dân tộc Thái đó là “để cho con tự đi rừng khắc biết tránh hổ” [10, tr.205].Cuối cùng đến giờ, khi mái tóc đã pha sương con bà mới chịu thấu hiểu cho nỗi lòng mẹ mình. Dường như những chi tiết, tình huống trong tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy như từ trong cuộc sống bước vào tác phẩm.
Có lẽ tạo hóa đã bắt Xinh phải sống trong cô đơn, dù có chồng nhưng mọi việc trong nhà ngoài ngõ đều do một mình Xinh lo liệu, đó là về vật chất còn về phương diện tinh thần Xinh đã không được nhận sự an ủi sẻ chia của chồng, mặc dù rất yêu vợ nhưng thấy vợ tất bật ngày đêm để lo cho cuộc sống thì máu ghen trong người đàn ông lại nổi lên, anh đã dành cho Xinh những lời nói ai oán, đã gán ghép cho Xinh tội ngoại tình.
“Có lần Trị gọi Xinh lại gần:
- Lại gần đây, anh bảo
- Cô được thằng nào ôm sướng lắm phải không? Hai người rên rỉ chứ. Hai người còn trẻ mà, lên đỉnh mấy lần hử, đồ con đĩ” [10, tr.102].
Nhưng than ôi người đàn bà hết mực vì chồng con ấy làm sao có thể làm được chuyện ấy khi cuộc hôn nhân định mệnh này được gắn kết từ sự cảm thông và sự thương yêu, lấy chồng trong một hoàn cảnh như vậy đã là một sự hi sinh, vậy thì hi sinh nhiều nữa cho sự chung thủy thì có hề gì với bản lĩnh một người đàn bà đã dám bước chân đến với một người lính già đã có vợ và một đàn con riêng.
Sống trong cảnh như vậy hỏi rằng có mấy ai mà đứng dậy được nhưng với Xinh, cô đã tìm mọi cách để tự xua tan đi nỗi cô đơn trong lòng mình “Có lần bưng chồng bát Xinh buông tay cho vỡ hết rồi cô đi nhặt mảnh vỡ, đi quét cho hết thời gian. Buổi chiều cô nói đi mua bát đĩa, thực ra Xinh đi chợ cho khuây khỏa. Để tránh hoài nghi Xinh bế cu Bin đi theo” [10, tr. 102].
Xinh đã rất đau khổ nhưng mỗi lần buồn là Xinh lại tìm về với chốn thanh tịnh nơi cửa chùa để ngộ ra chữ nhẫn và tập buông bỏ cho nhẹ lòng. Phật dạy rằng:
“Mỗi ngày con tập chữ buông,
Buông thương, buông ghét, buông buồn, buông vui. Buông cho nó khỏe người ơi!
Buông cho lòng dạ thảnh thơi nhẹ nhàng.”
(Buông - st) Không chỉ với nhân vật Xinh trong tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy mà với tản văn bằng những mẩu ghi chép ngắn, những dòng tâm sự nhỏ nhẹ, Hoàng Việt Hằng đã đem đến cho bạn đọc những cảnh đời và cảm xúc nhân ái của bà. Một lời người khóc thuê, ngọng nghịu, vụng về mà nghe xót xa: “ Nà, khi nhà bác có đám, nhớ nhắn tin cho em, em khóc cho giá rẻ giật mình, mà tang thương nữa, cho dù bác có khóc thật cũng còn nâu mới bằng được em, em khóc chuyên nghiệp, nâu lăm, có thương hiệu ở nàng bác ạ…” [12, tr.83].
Hoàng Việt Hằng khéo chọn con người, sự việc để viết, để bộc lộ cảm xúc. Khi “Đến Đồng Cói ở Kim Sơn Ninh Bình gặp lại chị Bích Thu (nhân vật trong tản văn - HTLA) ngồi đan cói ở góc chợ chiều, tay nhuộm đỏ, tay nhuộm vàng, đan làn giỏ để bán cho khách du lịch. Chị sống một mình, tựa vào mấy cái giỏ cói để làm vui. Nhà chị có một gian, một chái có năm ngọn đèn dầu thắp khi mất điện. chị sợ bóng tối mà cả đời chỉ sống một mình với đêm đen.
Chị bảo chúa đã an bài và chị sống với năm ngọn đèn dầu không lưu dấu gì. Không có chuyện gì riêng tư để kể. Đơn giản chị bị bệnh quai bị. Không thể sinh con thì phải sống một mình.Vết thương lòng của chị cứ đan vào sợi cói, vào làn cói và quạt cói.” [9, tr.9]
Hầu như những trang viết của Hoàng Việt Hằng đều hướng đến những người đàn bà cô đơn, dù họ có hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa thì Hoàng Việt Hằng cũng tìm thấy tự trong tâm hồn của họ một nỗi buồn trống vắng. Một lần vô tình gặp nữ thẩm phán tên H.K tại nhà người bạn, được nghe vị thẩm phán trải lòng mới thấy rằng làm nghề thẩm phán với một người phụ nữ hết sức khó khăn. Chị H.K thổ lộ, nhiều lúc vào những ngày mưa: “chị ngồi trên chiếc xe đi vô định, đến bến đỗ lại quay về. Nhìn xem, nghĩ và nạp năng lượng vào cơ thể. Chiêm nghiệm để rồi xử lý những tình huống hôn nhân phức tạp, sao cho thấu tình đạt lý. Các cặp vợ chồng thì trông vào thẩm phán, chánh án xét xử nhưng nỗi đau của nữ thẩm phán thì chính họ phán xét họ mà thôi” [9, tr.136].
Có lẽ ai cũng cô đơn ở trên cõi tạm dương thế này, có chăng chỉ khác hoàn cảnh cô đơn mà thôi. Ta bắt gặp người đàn bà tên Thẩm đồng hành cùng nhân vật tôi trên chuyến du hành lên đỉnh Rùng Rình ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Chị Thẩm chia tay người chồng đào hoa của mình và lên đỉnh Rùng Rình nghe