- Tín dụng góp phần hình thành và phát triển thị trường tài chính nông thôn. Hoạt động tín dụng là cầu nối trung gian giữa những người cần vốn và những người cung ứng vốn để phục vụ cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Thị trường tài chính ở nông thôn là nơi giải quyết mối quan hệ cung cầu về vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển nông thôn. Với hệ thống cơ sở rộng khắp xuống từng huyện xã, hoạt động tín dụng đẩy nhanh sự hình thành và phát triển thị trường tài chính nông thôn.
- Tín dụng ngân hàng góp phần tận dụng mọi tiềm năng to lớn ở nông thôn. Tiềm năng phát triển ở nông thôn nước ta là rất lớn, đây là khu vực tập trung đại đa số tài nguyên thiên nhiên, đặc biêt là dất đai cũng như nguồn lực lao động dồi dào của đất nước. Nếu đầu tư vốn một cách hiệu quả, người dân nơi đây sẽ có điều kiện khai thác tiềm năng tại chỗ, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, ngày càng mở rộng và phát triển thị trường nông thôn.
- Góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng của ngân hàng tham gia vào quá trình sàn xuất thông qua hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn như các công trình diện, đường, trường, trạm, chợ,.. Đây là cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quá trình sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng quê và giảm sự chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn.
- Tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Thông qua hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, một lượng lớn dư thừa lao động ở nông thôn đã được giải quyết. Khi có vốn các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được phát triển góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
- Góp phần đảm bảo hiệu quả xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân. Hoạt động tín dụng phát triển góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi đã tồn tại khá lâu ở nông thôn. Vì vậy, người dân sẽ thực sự được hưởng thụ thành quả của mình sau một thời gian dài lao động sản xuất. Mặt khác, vốn tín dụng của ngân hàng còn được cung ứng cho mọi đối tượng thiếu vốn, không phân biệt giàu nghèo. Do đó, đời sống mọi tầng lớp dân cư được nâng cao và thúc đẩy nông thôn ngày càng phát triển.