- Chính sách tín dụng giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách thoát nghèo, tăng thu nhập. Trong các cơ chế tín dụng của các NHTM hiện nay thì đối tượng nghèo, đối tượng chính sách rất khó đáp ứng các điều kiện để được vay vốn . Do đó, chính sách tín dụng khu vực nông thôn sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn để thoát nghèo, tăng thu nhập.
- Góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân góp phần phát triển kinh tế khu vực NNNT, xây dựng nông thôn mới: Chính sách tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng nông thôn, vùng khó khăn. Khi giải quyết chính sách tín dụng đối với những đối tượng này thì những doanh nghiệp được tiếp cận những nguồn vốn dẻ hơn, thoáng hơn làm tăng hiệu quả kinh tế của các phương án, dự án sẽ góp phần vào sự phát triển của kinh tế xã hội. Bên cạnh đó thì chính sách tín dụng góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên
thiên nhiên, góp phần tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo vùng nông thôn.
- Chính sách tín dụng góp phần ổn định chính trị đất nước: Thực hiện các chính sách tín dụng khu vực nông thôn được xem hợp ý Đảng, lòng dân, góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị. Khu vực nông thôn là khu vực đông dân cư và trình độ dân trí thấp nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Do đó, chính sách tín dụng góp phần giác ngộ tư tưởng cho nhũng người dễ bị tổn thương trong xã hội cảm thấy được quan tâm của Đảng và Chính phủ, chuyên tâm làm ăn sẽ góp phần đảm bảo ổn định chính trị.
- Chính sách tín dụng làm cầu nối và tạo điều kiện phát huy chức năng nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội: Các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam thống nhất giữa mặt chính trị và xã hội. Điều này thể hiện sự tập hợp đoàn kết các lực lượng quần chúng đông đảo để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
- Chính sách tín dụng góp phần tăng cường vai trò quản lý của chính quyền địa phương: Khi thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ thì sẽ thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ TW đến các địa phương, theo đó sẽ góp phần tăng cường vai trò quản lý của Chính quyền địa phương; thông qua quản lý thực hiện chính sách tín dụng, chính quyển địa phương phát huy vai trò quản lý lĩnh vực kinh tế, văn hóa tại địa phương.
- Chính sách tín dụng góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa các vùng trong cả nước: Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai hiệu quả ở các vùng trong cả nước đặc biệt là vùng dân tộc, vùng núi, vùng sâu vùng xa đã góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần phát triển. Nhiều vùng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường đã hình thành và từng bước phát triển, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa NNNT, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, dân tộc trong cả nước, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
1.3.3 Mục tiêu của chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tín dụng nông thôn, gia tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNNT; giảm tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay NNNT nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế NNNT theo hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hỗ trợ vốn để hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực NNNT phát triển nhanh sản xuất hàng hóa và dịch vụ, góp phần tăng trưởng bền vững nông thôn.
1.3.4. Nội dung cơ bản của chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Chính Phủ có nhiều những chính sách tín dụng NNNT, có những chính sách mang tính thời điểm, có chính sách chỉ phục vu riêng cho một lĩnh vực, một dự án cụ thể được quy định tại các nghị định, quyết định của Chính Phủ. Một nghị định bao chùm nhất trong giai đoạn hiện nay là Nghị Định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Có rất nhiều chính sách, song tác giả chỉ nêu một số chính sách có tác động mạnh trong quá trình tổ chức thực hiện tại các Địa phương, các Ngân hàng thương mại.
1.3.4.1. Chính sách về nguồn vốn
Nguồn vốn cho vay của các TCTD đối với lĩnh vực NNNT bao gồm :
+ Nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng theo quy định.
+ Vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước.
+ Nguồn ủy thác của Chính phủ cho lĩnh vực NNNT.
+ Vốn vay NHNN : Nguồn vốn hỗ trợ từ NHNN Việt Nam thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
1.3.4.2. Chính sách về cơ chế đảm bảo tiền vay
1. TCTD được xem xét cho vay khách hàng trên cơ sở có đảm bảo hoặc không có đảm bảo bằng tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:
+ Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
+ Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
+ Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.
+ Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh.
+ Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp.
+ Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
+ Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
+ Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác xa bờ , cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ.
+ Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản đảm bảo theo quy định này phải nộp cho TCTD cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại nghị định này.
+ Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại TCTD theo quy định này không phải nộp lệ phí sau: Lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng; lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
1.3.4.3. Chính sách về lãi suất
+ Lãi suất cho vay phục vụ NNNT do khách hàng và TCTD thỏa thuận phù hợp với quy định của Nhà nước Việt nam trong từng thời kỳ. Hiện nay theo quy định tại thông tư 39/2016/TT-NHNN thì khi cho vay 5 đối tượng ưu tiên TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt nam đồng nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ ( hiện nay là 6.5%/năm).
+ Trường hợp các chương trình tín dụng NNNT theo chỉ đạo của Chính phủ thì mức lãi suất và phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính Phủ như lãi suất cho vay hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch Nghị định 68/2013/NĐ-TTg.
+ Những khoản cho vay lĩnh vực NNNT từ nguồn vốn của Chính Phủ hoặc các tổ chức, cá nhân ủy thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính Phủ hoặc theo thỏa thuận với bên ủy thác.
1.3.4.4. Chính sách về trích lập dự phòng và xử lý rủi ro
Đối với khoản cho vay không có tài sản đảm bảo theo quy định này thì tổ chức tín dụng được áp dụng mức trich lập dự phòng rủi ro tối thiểu bằng 50% mức trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành đối với các khoản cho vay tương tự thuộc các lĩnh vực khác.
Đối với khoản cho vay có tài sản đảm bảo thì NHNN Việt Nam quy định cụ thể tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm phù hợp với các khoản cho vay NNNT từng thời kỳ.
+ Tổ chức tín dụng thực hiện xử lý rủi ro cho vay đối với lĩnh vực NNNT theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, TCTD thực hiện khoanh nợ theo quy định tại nghị định này.
Ngoài những chính sách tín dụng tổng quát phục vụ NNNT được quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP nêu trên thì hiện nay Chính Phủ cũng có một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù cho từng đối tượng, từng dự án nhưng cũng phục vụ cho NNNT như : Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ lãi suất với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quyết định 68/2013/QĐ-TTg; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; chính sách cho vay chăn nuôi, thủy sản tại công văn số 1149/TTg-KTN, chương trình tái canh cà phê, cho vay theo các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
1 4 Tiêu chí đánh giá năng lực thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Mục tiêu tổ chức thực hiện chính sách tín dụng NNNT nhằm đạt được mục của chính sách thể hiện qua các tiêu chí :
- Tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNNT trên tổng dư nợ cho vay NNNT trên địa bàn.
- Tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNNT trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế so kế hoạch.
- Tỷ lệ nợ xấu cho vay trong lĩnh vực NNNT so với tổng nợ xấu cho vay của nền kinh tế và nợ xấu cho vay lĩnh vực NNNT trên toàn địa bàn.
Năng lực thực hiện chính sách được thể hiện qua các tiêu chí đánh giá sau:
1.4.1. Năng lực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách
Đó là kiến thức, hiểu biết chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp và tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ viên chức trong xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách. Kế hoạch thực hiện chính sách là cơ sở, là công cụ quan trọng để triển khai đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống. Trong xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách phải xác định được chính xác, cụ thể nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch tổ chức điều hành; trong kế hoạch cung cấp các nguồn vật lực cho việc thực hiện chính sách; trong kế hoạch kiểm tra đôn đốc thực hiện chính sách và việc xác định hợp lý thời gian thực hiện chính sách. Cùng với bản kế hoạch thực hiện chính sách phải xây dựng nội quy, quy chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách. Năng lực xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách được thể hiện, được đo bằng độ chính xác, tính khả thi của bản kế hoạch. Năng lực xây dựng kế hoạch thực hiện tốt chính là khả năng xây dựng được bản kế hoạch thực hiện chính sách có độ chính xác và tính khả thi cao, không phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức tham mưu xây dựng phải hiểu và nắm chắc mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, phạm vi đối tượng, quy mô, tầm quan trọng của chính sách. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, các nguồn lực, vật lực, thời gian và giải pháp tổ chức thực hiện chính sách.
1.4.2. Năng lực phổ biến, tuyên truyền chính sách
Là kiến thức hiểu biết về chính sách và các kỹ năng, giải pháp phổ biến, tuyên truyền thực hiện chính sách của cán bộ công chức. Năng lực phổ biến, tuyên truyền chính sách được thể hiện qua khả năng phổ biến, tuyên truyền thực hiện chính sách có hiệu quả cao. Do đó, đòi hỏi cán bộ công chức phải am hiểu chính sách; nắm chính xác, đầy đủ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu, phạm vi, đối tượng của chính sách. Trên cơ sở đó lựa chọn các kỹ năng, giải pháp, hình thức quán triệt phổ biến, tuyên truyền chính sách phù hợp với từng loại đối tượng như: mở các lớp tập huấn tập trung để quán triệt nghiên cứu các nội dung, chính sách, bàn các giải pháp và phân công thực hiện; tổ chức các lớp tuyên truyền chính sách cho các cơ quan thông tin đại chúng, cán bộ làm công tác tuyên truyền; xây dựng văn bản hướng dẫn phổ biến cụ thể việc thực hiện chính sách gửi cho các cơ quan hữu quan để họ tự nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách. Ngoài ra, có thể đăng tải, tuyên truyền trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử để các đối tượng được thụ hưởng chính sách và mọi người dân biết để thực hiện. Trong xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách cũng như các văn bản hướng dẫn phải đảm bảo chính xác, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tuyệt đối không được bổ sung các quy định mang tính chất thủ tục rườm rà, khó thực hiện và làm sai lệch chính sách.
1.4.3. Năng lực phân công, phối hợp thực hiện chính sách
Năng lực phân công, phối hợp thực hiện chính sách là khả năng tổ chức điều hành thực hiện chính sách một cách chặt chẽ, khoa học và hợp lý. Đó là việc phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách; xác định tổ chức, cá nhân chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cá nhân, tổ chức tham gia phối hợp trong quá trình thực hiện chính sách. Thông qua việc phân công, phối hợp thực hiện chính sách một cách khoa học, hợp lý sẽ phát huy được nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.
Trong phân công nhiệm vụ cần đặc biệt chú ý đến khả năng, trình độ năng lực chuyên môn và thế mạnh của từng tổ chức, cá nhân, hạn chế tình trạng trùng chéo nhiệm vụ và không rõ trách nhiệm. Năng lực phân công, phối hợp thực hiện chính sách còn được thể hiện qua việc tổ chức điều hành và phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ