7. Đóng góp của đề tài
2.1.4. Nâng cao chất lượng tín dụng của NHTM
Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp: Chính sách tín dụng là một hướng dẫn nội bộ của ngân hàng về trình tự xử lý các bước trong một quy trình cấp tín dụng đến khách hàng, nhằm đảm bảo tính thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật. Chính sách tín dụng là nền tảng để quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả bao gồm: đưa ra các mục tiêu, tham số định hướng cho cán bộ ngân hàng, những người làm công tác cho vay và quản trị danh mục đầu tư. Chính sách tín dụng tạo điều kiện cho ngân hàng duy trì tiêu chuẩn tín dụng của mình, tránh rủi ro quá mức và đánh giá đúng về cơ hội kinh doanh. Chính sách tín dụng được xây dựng đúng đắn là điều kiện thiết yếu để quản lý tốt rủi ro tín dụng và nâng cao CLTD của mỗi ngân hàng hiện nay khi phải thích ứng với môi trường kinh tế biến đổi liên tục và thường xuyên. Chính sách tín dụng là cơ sở để hình thành nên quy trình tín dụng.
Nội dung cơ bản của một số chính sách tín dụng bao gồm: miêu tả thị trường tín dụng mục tiêu của ngân hàng; xác định quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ tín dụng tham gia trong quá trình ra quyết định cho vay; những thủ tục nhận hồ sơ, thẩm định và ra quyết định đối với yêu cầu vay vốn của khách hàng; chính sách, phương pháp xác định lãi suất, các khoản phí và thời hạn vay vốn, kỳ hạn trả nợ; giới hạn cho vay tối đa của từng ngành, từng nhóm sản phẩm đối với toàn danh
mục, của tổng dư nợ đối với tổng tài sản ngân hàng; đa dạng hóa danh mục đầu tư là một trong những giải pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu nhất trong quản lý rủi ro tín dụng. Các hình thức phân tán rủi ro chủ yếu mà NHTM thực hiện là: không tập trung cấp tín dụng cho một ngành, một lĩnh vực hay một khu vực kinh tế; không nên dồn vốn đầu tư vào một hoặc một số khách hàng; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và phương thức cho vay; phát hiện, phân tích và xử lý các khoản vay có vấn đề.
Xây dựng quy trình tín dụng khoa học: quy trình tín dụng là các bước đi cụ thể từ khi tiếp nhận nhu cầu cấp tín dụng của khách hàng cho đến khi ra quyết định cấp tín dụng, giải ngân và thanh lý hợp đồng tín dụng. Hầu hết các ngân hàng đều tự thiết kế riêng cho mình một quy trình tín dụng cụ thể. Việc thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy trình tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng. Về mặt hiệu quả, quy trình tín dụng hợp lý vừa góp phần nâng cao CLTD, giảm thiểu rủi ro tín dụng vừa đảm bảo xử lý thủ tục hồ sơ đơn giản, nhanh chóng cho khách hàng, tạo điều kiện nhằm mở rộng tín dụng. Về mặt quản trị, quy trình tín dụng có các tác dụng sau đây: làm cơ sở cho việc phân định trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận liên quan trong hoạt động tín dụng; cơ sở cho việc thiết lập hồ sơ và thủ tục vay vốn về mặt hành chính; chỉ rõ mối quan hệ giữa các bộ phận liên quan trong hoạt động tín dụng.
Trong quy trình cho vay có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của nhiều bộ phận nghiệp vụ và quy trình cho vay được đặc trưng bởi sự phân tách các chức năng: khởi tạo tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng và tác nghiệp trong toàn bộ quá trình. Trong quy trình cho vay phải quy định rõ các bước thực hiện và trách nhiệm của các thành viên tham gia tuân thủ các nguyên tắc khởi tạo, phán quyết tín dụng và quản lý rủi ro. Thực hiện tốt quản lý CLTD thì quy trình tín dụng phải tách biệt rõ giữa các chức năng khởi tạo tín dụng, phán quyết tín dụng, quản lý rủi ro và tác nghiệp.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý hoạt động tín dụng: CLTD tốt phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức hoạt động tín dụng của ngân hàng. Hiện nay phương thức
tổ chức áp dụng hoạt động tín dụng của NHTM là tách bạch giữa 3 chức năng: chức năng kinh doanh, chức năng quản lý rủi ro tín dụng và chức năng tác nghiệp.
Bộ phận kinh doanh thực hiện chức năng phát triển kinh doanh thông qua việc thiết lập, củng cố và phát triển khách hàng có khả năng đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.
Bộ phận quản lý rủi ro tín dụng thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro và giám sát mọi rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro tín dụng có thể chấp nhận được.
Bộ phận liên quan đến số liệu trên hệ thống, đảm bảo số liệu trên hệ thống khớp đúng với số liệu trên hồ sơ, lưu giữ hồ sơ đầy đủ và an toàn, đảm bảo các khoản vay đều tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy định trong quy trình tín dụng.
Bên cạnh đó để đảm bảo tính thống nhất trong mối quan hệ ràng buộc kiểm soát lẫn nhau và trong các quyết định về tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng, các ngân hàng còn thành lập Ủy ban quản lý rủi ro và Hội đồng tín dụng.
Bộ phận quản lý rủi ro được thành lập nhằm hỗ trợ cho Hội đồng quản trị trong công tác quản lý rủi ro trong đó các thành viên của bộ phận này là những người phụ trách các phòng quản lý các hoạt động lớn của ngân hàng. Bộ phận này có chức năng ban hành các chính sách chế độ hoặc đề ra các biện pháp nhằm quản lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng có hiệu quả.
Hội đồng tín dụng được thành lập nhằm hỗ trợ ban giám đốc trong việc cung ứng sản phẩm đến khách hàng. Nhiệm vụ của bộ phận này là xét duyệt giới hạn tín dụng, xét duyệt các khoản vay vượt mức phán quyết của giám đốc hoặc khoản vay phức tạp cần thẩm định, đánh giá lại.