Kết quả hồi quy với tác động cố định cho thấy hiệu quả kinh doanh của các NHTMCP tại Việt Nam chịu tác động bởi bốn nhân tố là tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay, tuổi của ngân hàng và quy mô ngân hàng. Trong các nhân tố đó, tác động cùng chiều đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng bao gồm biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (CAP) và biến quy mô ngân hàng (SIZE). Ngược lại, biến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (NPL) và biến tuổi của ngân hàng (AGE) có tác động ngược chiều đến hiệu quả kinh doanh của các NHTMCP tại Việt Nam.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (CAP)
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng với hệ số tác động là 0,0313. Điều này có nghĩa là khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng tăng hoặc giảm một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng tăng hoặc giảm 0,0313 đơn vị trong điều kiện các nhân tố khác trong mô hình không đổi.
Kết quả này tương tự với kết quả của tác giả Vincent Okoth Ongore và Gemechu Berhanu Kusa (2013) khi nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM tại Kenya, trong nghiên cứu này các tác giả này thu được kết quả hệ số hồi quy của nhân tố tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản là 0.035082. Trước đó cũng có Demirguc - Kunt và Huizinga (1999) nghiên cứu cho các ngân hàng trên toàn thế giới và Bashir (2003) cũng có chung kết quả khi nghiên cứu cho các ngân hàng ở Trung Đông. Bên cạnh đó, Pasiouras và Kosmidou (2007) có kết quả tương tự với mẫu là các ngân hàng Châu Âu còn Zeitun (2012) thì áp dụng cho khu vực Vùng Vịnh. Việc tỷ lệ vốn chủ sở hữu có mối quan hệ thuận và có ý nghĩa thống kê với hiệu quả ngân hàng cho thấy rằng khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu
của ngân hàng tăng lên sẽ làm giảm chi phí sử dụng vốn và việc gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các dự án sinh lời của ngân hàng. Hơn nữa việc có một nguồn vốn lớn sẽ tạo thêm uy tín cho ngân hàng trong vấn đề huy động vốn và mở rộng qui mô hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng phải đối mặt với việc không có biến động mạnh mẽ trong lợi nhuận do sử dụng đòn bẩy tài chính.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (NPL)
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng với hệ số tác động là 0.0787. Điều này có nghĩa khi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm đi 1 đơn vị thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng tăng lên 0.0787 đơn vị và ngược lại.
Thực tiễn trong nước cho thấy, nợ xấu cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nói riêng và có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Tuổi ngân hàng (AGE)
Tuổi ngân hàng có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng với hệ số tác động là 0,00218. Điều này có nghĩa là khi các nhân tố khác không thay đổi thì tuổi ngân hàng tăng một đơn vị sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng giảm 0,00218 đơn vị.
Kết quả này ngược với dự đoán của tác giả. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Zeitun (2012). Điều này cho thấy các ngân hàng có tuổi đời lâu hơn có khả năng quen với phong cách làm việc cũ, khó thay đổi để thích nghi với sự cạnh tranh hiện tại của thị trường. Tuy nhiên điều này lại tương đối phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam vì nhóm các ngân hàng có tuổi đời lớn đa phần là các NHNN chiếm cổ phần chi phối và được sự hậu thuẫn lớn từ Nhà nước. Vì
vậy hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng này chưa cao và không được nhanh nhạy bằng các ngân hàng mới ra đời sau này.
Quy mô ngân hàng (SIZE)
Quy mô ngân hàng đo lường thông qua logarit tự nhiên của tổng tài sản, biến quy mô ngân hàng có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng với hệ số tác động là 0,00658. Điều này có nghĩa là khi tổng tài sản của ngân hàng tăng hoặc giảm sẽ làm lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng tăng hoặc giảm tương ứng trong điều kiện các nhân tố khác trong mô hình không đổi. Đối với ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ
Rõ ràng, tổng tài sản của ngân hàng càng lớn càng thể hiện sức mạnh của ngân hàng và tạo uy tín với các chủ nợ - chủ thể cho vay và người gửi tiền. Đồng thời, quy mô ngân hàng càng lớn càng thể hiện rủi ro phá sản thấp. Do đó, tổng tài sản càng lớn càng có nhiều cơ hội trong huy động vốn đối với dân cư và các tổ chức kinh tế.
Kết quả nghiên cứu của tác giả phù hợp với nghiên cứu của I. Bader và các cộng sự (2008).