Các nhân tố liên quan tới khoản vay như: Kích cỡ khoản vay, Lãi suất, Thời hạn cho vay, Hình thức vay, Mục đích vay.
Về kích cỡ khoản vay: theo kết quả nghiên cứu của (Kohansal và Mansoori, 2009), yếu tố kích cỡ khoản vay có tác động tích cực lên khả năng trả nợ, nghĩa là các khoản vay càng lớn thì khả năng trả nợ càng cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu của (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011) và (Nguyễn Quốc Nghi, 2012) lại không nghiên cứu yếu tố kích cỡ khoản vay. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu này tác giả lại giả thuyết rằng kích cỡ khoản vay càng lớn thì khả năng trả nợ của khách hàng càng giảm, do khoản vay càng lớn thì áp lực trả nợ càng cao.
Về biến lãi suất: đây là biến được đa phần các nghiên cứu về khả năng trả nợ đưa vào mô hình nghiên cứu của mình. Hầu hết, các nghiên cứu đều đưa ra giả thuyết rằng, lãi suất có tác động ngược chiều với khả năng trả nợ, lãi suất càng cao thì áp lực trả nợ càng cao, chi phí trả lãi khách hàng phải trả càng lớn nên khả năng trả nợ càng giảm. Ngược lại, nếu lãi suất càng thấp thì chi phí trả lãi của khách hàng càng thấp, giảm ghánh nặng về tài chính, vậy nên khả năng trả nợ sẽ càng cao. Các nghiên cứu điển hình cho giả thuyết trên như: (Kohansal và Mansoori, 2009), (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011) và (Nguyễn Quốc Nghi, 2012)… Dữ liệu lãi suất được lấy cho bài nghiên cứu này là dữ liệu tại thời điểm thông qua sao kê tín dụng của khách hàng và giả thuyết được đưa ra cũng tương đồng với các nghiên cứu trước.
Thời hạn cho vay: thời hạn cho vay là khoảng thời gian từ khi khách hàng nhận khoản vay tới thời điểm kết thúc trên hợp đồng vay. Giả thuyết được đưa ra, thời hạn khoản vay càng dài thì khả năng trả nợ của khách hàng càng cao, thời hạn càng ngắn thì khả năng trả nợ càng ít. Bởi vì, nếu thời hạn ngắn thì áp lực trả nợ của khoản vay rất cao, ngược lại những khoản vay có thời hạn càng dài thì số tiền vay của khách hàng càng được chia nhỏ phù hợp với khả năng trả nợ và có thời gian dài để tạo cơ hội cho khách hàng tiềm kiếm nguồn trả nợ. Giả thuyết này tương đồng với các giả thuyết và kết quả của (Kohansal và Mansoori, 2009).
Hình thức vay: Hiện tại, trong các giao dịch vay vốn ngân hàng thì có 2 loại hình giao dịch chính là có đảm bảo tiền vay và không có đảm bảo tiền vay. Đối với hình thức vay không có đảm bảo chủ yếu để phục vụ mục đích chi tiêu (tiêu dùng) và số tiền được vay tương đối nhỏ, lãi suất tương đối cao. Nguồn trả nợ và số tiền vay phụ thuộc vào thu nhập chính và ổn định của cá nhân. Đối với khoản vay có đảm bảo, số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất vay và phương thức trả nợ linh hoạt hơn. Giả thuyết được đưa ra nếu khách hàng vay có đảm bảo thì khả năng trả nợ sẽ cao hơn, khách hàng sẽ có ý chí, thiện chí, động lực trả nợ cao hơn những khách hàng vay không có đảm bảo.
Mục đích vay, đây là yếu tố được quan tâm nhiều khi khách hàng yêu cầu vay vốn. Theo nghiên cứu bằng phương pháp thống kê của (Samuel ANTWI, 2012), khách hàng vay vốn mục đích tiêu dùng thì có khả năng không trả được nợ cao hơn mục đích khác. Theo (Chapman, J.M., 1940), vay với mục đích củng cố những khoản nợ và vay tiêu dùng có tỷ lệ khách hàng không trả được nợ cao. Bài nghiên cứu này, tác giả thu thập trong toàn bộ mẫu dùng để nghiên cứu của mình có những mục đích vay như: Tiêu dùng, mua nhà, mua xe, và kinh doanh. Tuy nhiên, tác giả đã gom lại thành hai nhóm: Vay khác (bao gồm: tiêu dùng, mua nhà, mua xe) và vay kinh doanh. Cũng như các nghiên cứu khác, tác giả kỳ vọng những khách hàng vay kinh doanh có khả năng trả nợ cao hơn do những khách hàng vay kinh doanh thì tạo ra được nguồn thu nhập từ kinh doanh.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II
Chương 2 trình bày cơ sở lý luận về tín dụng khách hàng cá nhân, các công trình nghiên cứu thực nghiệm trước, từ đấy đưa ra các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân.
Từ các nghiên cứu về tín dụng ngân hàng, đặc điểm của tín dụng khách hàng cá nhân, về rủi ro tín dụng và đặc biệt dựa trên các quan điểm (Basel Committee on Banking Supervision, 2006), quỹ tiền tệ quốc tế, (IMF’s Compilation Guide on Financial Soundness Indicators, 2004), luận văn đưa ra quan điểm riêng về đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng dựa vào việc đánh giá khách hàng có thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong toàn bộ thời gian vay vốn đã được xác định trước hay không. Khách hàng có khả năng trả nợ là khách hàng thuộc nhóm 1, nghĩa là nợ đủ tiêu chuẩn, còn đối với những khách hàng không có khả năng trả nợ là những khách hàng được phân loại từ nhóm 2 tới nhóm 5.
Từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, tác giả đã kế thừa và đưa vào mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân là: giới tính, tuổi, tình trạng hôn nhân, số lượng thành viên phụ thuộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập, kích cỡ khoản vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức vay, mục đích vay.
CHƯƠNG III: PHƯƠNG PHÁP VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Dựa vào cơ sở lý thuyết đã được trình bày trong Chương 2, phần này tập trung vào phương pháp nghiên cứu, xây dựng các giả thuyết nghiên cứu, xác định các biến đưa vào mô hình và xây dựng mô hình nghiên cứu, trình bày cách thức thu thập số liệu và đưa ra quy trình nghiên cứu.
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp định lượng bao gồm: phương pháp thống kê mô tả và phương pháp phân tích hồi quy làm chủ đạo để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài: các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh TP HCM (VPBANK Hồ Chí Minh).
3.1.1. Phương pháp thống kê mô tả
Phương pháp thống kê mô tả là phương pháp tác giả sử dụng để thống kê, thu thập, tóm tắt, tính toán, biến đổi, mô tả và trình bày số liệu để phản ánh, thể hiện, đánh giá một cách tổng quát từng biến độc lập, biến phụ thuộc và cho toàn bộ các biến trong mô hình nghiên cứu thông qua các chỉ số như giá trị tổng cộng, giá trị trung bình, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, độ lệch chuẩn, tỷ lệ… Để có được các chỉ số đó, tác giả đã sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc xử lý số liệu như excel, SPSS.