Theo (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ ở Tỉnh Hậu Giang, tác giả nghiên cứu dữ liệu 436 hộ ở Tỉnh Hậu Giang có vay vốn trong năm 2009 và tính tới thời điểm 31/12/2009 vẫn còn dư nợ và sử dụng mô hình Probit để phân tích. Các biến độc lập bao gồm: mục đích sử dụng vốn vay, thu nhập sau khi vay, lãi suất vay, tuổi của người đi vay, ngành nghề chính tạo ra thu nhập, số thành viên trong gia đình có thu nhập, trình độ học vấn. Sau khi sử dụng mô hình Probit, kết quả thu được là các biến thu nhập sau khi vay, số thành viên trong gia đình có thu nhập, trình độ học vấn có mối tương quan thuận với khả năng trả nợ vay đúng
hạn của nông hộ. Và, lãi suất lại có mối tương quan nghịch với khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu của (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011) số lượng biến độc lập chưa đầy đủ hay quá ít và tác giả chỉ nghiên cứu các hộ nông dân ở Tỉnh Hậu Giang có vay vốn trong năm 2009. Ngoài ra, tác giả chưa sử dụng phương pháp thống kê mô tả để phân tích kết hợp với phương pháp hồi quy. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu có thể chưa thể áp dụng chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng ở các tỉnh thành khác.
Nghiên cứu của (Nguyễn Quốc Nghi, 2012), các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ gia đình ở khu vực nông thôn Tỉnh Trà Vinh. Tác giả đã sử dụng kết quả điều tra 222 hộ gia đình có phát sinh khoản vay tại các tổ chức tín dụng và sử dụng mô hình Binary Logistic. Tác giả đã đưa vào mô hình 8 biến độc lập và kết quả cho thấy có 6 biến độc lập có ý nghĩa thống kê, trong đó biến trình độ học vấn chủ hộ, dân tộc, tiền tiết kiệm, mục đích sử dụng vốn vay là các biến tương quan thuận với khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ gia đình ở khu vực nông thôn Tỉnh Trà Vinh. Còn các biến khác như tỷ lệ người phụ thuộc, lãi suất vay tỷ lệ nghịch với khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ gia đình ở khu vực nông thôn Tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên số lượng mẫu nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi quá ít nên chưa thể sử dụng kết quả nghiên cứu để áp dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng được, chưa có cái nhìn tổng thể.
Từ các công trình nghiên cứu trong nước và công trình nghiên cứu nước ngoài như trên, tác giả đã kế thừa các kết quả nghiên cứu đó để xây dựng mô hình nghiên cứu cho riêng mình. Tác giả đã tổng hợp và sử dụng 12 biến độc lập, ngoài ra còn có biến phụ thuộc là khả năng trả nợ . Trong đó, 12 biến độc lập như sau: Giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, số lượng thành viên phụ thuộc, trình độ học vấn, đặc điểm nghề nghiệp, đặc điểm thu nhập, kích cỡ khoản vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức vay, mục đích vay. Sau đây tác giả sẽ đi nghiên cứu cụ thể các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay của khách hàng cá nhân.