2.1.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Quảng Ngãi nằm ở miền Trung Trung bộ, có nhiều núi đồi cao, gò, thung lũng và biển cả chia làm các vùng miền riêng biệt. Vùng miền núi chiếm gần bằng 2/3 diện tích. Vùng miền đồng bằng: đất đai phần lớn là phù sa nhiều cát, đất xấu. Quảng Ngãi trải dài từ 14°32' đến 15°25' Bắc, từ 108°06′ 109°04′ Đông, tựa vào dãy núi Trường Sơn hướng ra biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Bình Định, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum, đến phía Đông giáp biển Đông. Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, Quảng Ngãi cách Thủ đô Hà Nội 883 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 838 km về phía Nam.
Quảng Ngãi là một tỉnh Duyên Hải nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, nằm giữa hai Thành phố lớn là Đà Nẵng ở phía Bắc (130 km) và Quy Nhơn ở phía Nam (180 km), có đường quốc lộ 1A và đường sắt thống nhất đi qua, gần sân bay Chu Lai (30 km). Đặc biệt quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kom Tum, Gia Lai, Buôn Ma Thuột và các tỉnh phía nam Lào.
Cũng như các địa phương nằm trong khu vực miền Trung, thời tiết ở Quảng Ngãi vô cùng khắc nghiệt, là mảnh đất nắng lắm, mưa nhiều. Vào mùa hè thì nắng, nóng, khô, hanh, oi bức từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối, còn vào mùa đông thì nhân dân lại đối mặt với bão lũ, thiên tai, sạt lở... Lũ, lụt ngày càng bất thường với cường độ ngày càng khốc liệt. Dù nắng nóng và mưa lũ đã thành quy luật, nhưng mỗi năm Quảng Ngãi vẫn bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người chết, bị thương. Cuộc sống của hàng ngàn người dân gặp khó khăn khi mưa lũ đổ về. “Theo thống kê của
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, từ năm 1999-2010, Quảng Ngãi đã hứng chịu 90 cơn bão, 62 cơn áp thấp nhiệt đới, 55 trận lũ. Hơn chục năm qua, bão, lũ đã cướp
đi sinh mạng của 397 người, làm 1.112 người bị thương; 7.644 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập, 82.272 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm, hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 6.665 tỷ đồng.”
2.1.1.2. Truyền thống tinh thần cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có tinh thần tiên phong cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Quảng Ngãi sớm hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương Cần vương cứu nước. Phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi kết thúc với sự thất bại của cuộc vận động cứu nước do Trần Du lãnh đạo (1895 - 1896), gần như cùng lúc với sự chấm dứt của phong trào Cần Vương.
Cuộc vận động Duy tân ở Quảng Ngãi đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước chống Pháp của nhân dân trong tỉnh, góp phần cùng với phong trào Duy tân cả nước khơi dậy, nuôi dưỡng lòng yêu nước, vận động tân văn hóa, tân sinh hoạt, đề xướng dân quyền, đề cao nghề nghiệp, cải thiện sản xuất, phát triển công nông thương nghiệp, xây dựng một nền giáo dục chống từ chương, khoa cử, đề cao khoa học, chữ Quốc ngữ. Cuộc đấu tranh này nhằm đòi lại giá trị thực của người Việt Nam, chống vọng ngoại, chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao đoàn thể, phát huy nội lực, tiếp tục kế thừa và phát triển truyền thống chuộng cách tân của dân tộc, trực tiếp châm ngòi cho phong trào chống sưu thuế 1908. Phong trào đã thể hiện sự gan dạ và kiên quyết, tinh thần anh dũng quật khởi của nhân dân Quảng Ngãi (chủ yếu là nông dân) trong cuộc tranh đấu giành độc lập, tự do.
Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của nhân dân Quảng Ngãi thể hiện rõ rệt trong việc tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh trong những năm 1925 - 1926. Từ trong phong trào dân tộc, dân chủ, tầng lớp thanh niên yêu nước Quảng Ngãi đã tập hợp thành các nhóm yêu nước ở địa phương như Hội Thiếu niên Ái quốc, Công Ái xã… Các nhóm yêu nước này đều chưa có đường lối chính trị rõ ràng, chỉ nhằm mục đích tập hợp lực lượng và chờ cơ hội đấu tranh giành độc lập. Song, việc thành lập các nhóm yêu nước trên đây đã thể hiện yêu cầu về một con đường cứu nước mới, tiến bộ của nhân dân Quảng Ngãi, đồng thời thể hiện sự cần thiết phải có một tổ chức yêu nước tiên tiến
để tập hợp, lãnh đạo họ... Tuy phong trào cách mạng trong Tỉnh có những bước thăng trầm, nhưng nhân dân Quảng Ngãi vẫn kiên quyết đứng lên đấu tranh chống xâm lược.
Tóm lại, trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh, nhân dân Quảng Ngãi đã vượt lên những gian nan và thách thức để xây dựng một quê hương Quảng Ngãi mạnh và đẹp. Đây là kết quả của một quá trình tích lũy gian nan, chuẩn bị kiên trì các điều kiện về tự nhiên và xã hội, bao trùm lên tất cả đó là sự kế thừa và phát triển truyền thống yêu nước Việt Nam một cách khoa học và sáng tạo, phục vụ cho yêu cầu cách mạng ngày càng được nâng cao và đổi mới, tạo nên một truyền thống nổi bật của nhân dân Quảng Ngãi là tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên trì, gan dạ, nhạy bén tiếp thu những cái tiến bộ của thời đại, biết chớp lấy thời cơ, cải biến hoàn cảnh và thay đổi cục diện của Tỉnh nhà.