Yêu Vẻ Đẹp Thiên Nhiên
Một phụ nữ kia, sau một năm vất vả với công việc ở văn phòng, đã tìm đến một hòn đảo nhỏ gần biển để nghỉ ngơi và dưỡng sức. Trên đảo này có một ngôi thánh đường nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến. Trong những ngày nghỉ ở đó, điều làm bà không hài lòng là thấy du khách và những người ra vào nhà thờ xả rác khắp nơi. Vì thế, mỗi ngày, khi hoàng hôn xuống, khi du khách đã lui về quán trọ, bà đi thu nhặt rác rưới bỏ gọn thành đống và đốt đi.
Một hôm, dọc theo bãi biển lúc nhá nhem tối, bà gặp một cụ già cũng làm một công việc như bà. Bà nhận ra cụ là người đến nhà thờ mỗi ngày. Khi được hỏi tại sao cụ đi nhặt rác, cụ nói: “Tôi cảm thấy việc đến nhà thờ tham dự thánh lễ mỗi ngày không đủ làm chứng lòng tin của tôi. Tôi cần phải làm một việc gì thêm nữa để nói lên tinh thần phục vụ của tôi đối với tha nhân. Với tuổi già sức yếu, tôi vẫn có thể làm được công việc nhỏ bé này để đền bù những gì người khác đã không làm nhằm duy trì và bảo vệ vẻ đẹp của thiên nhiên”.
Yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên là một trong những bí quyết của khoa giáo dục của cha Don Bosco. Trong số những cuốn phim về cha Don Bosco, có cuốn phim mang tựa đề “Người nông dân của Chúa”. Chắc hẳn cha Don Bosco không phật lòng với tựa đề đó, bởi vì những hình ảnh, tâm tình và kinh nghiệm về đời sống nông dân đã ăn sâu trong tâm hồn ngài từ thuở niên thiếu. Ngài không bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ.
Trong xã hội bị kỹ nghệ hóa ngày nay, hơn bao giờ hết, trở về với thiên nhiên, tiếp xúc với thiên nhiên là liều thuốc giải tỏa con người khỏi những rác rưới tinh thần và trả cho con người sự quân bình. Tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên cũng là phương pháp giáo dục rất hữu hiệu đối với tuổi trẻ trước những đe dọa của nền văn minh hiện đại đang giết dần khả năng hướng về những giá trị chân thiện mỹ của đời sống con người.
Đối với cha Don Bosco, suốt đời, ngài rất chú tâm đến việc phát triển nơi tâm hồn các học sinh của ngài lòng yêu thích thiên nhiên, khát vọng tìm kiếm những gì là thiện hảo, cảm nghiệm những điều làm cho tâm hồn được thanh thản. Cha Don Bosco thường nói với các học sinh của ngài là mỗi tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc, khi trở về phòng, ngài thường dừng lại trước ban công nhìn lên bầu trời đầy sao và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Không những nói với các học
sinh của ngài về vẻ đẹp của thiên nhiên, cha Don Bosco còn muốn các học sinh có cơ hội thuận tiện để tiếp xúc trực tiếp và cảm nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên nữa. Vì thế, ngài đã đưa ra đề nghị cuộc du lịch mùa hè. Ngài dẫn đầu nhóm học sinh đi bộ từ làng này sang làng khác mang theo kèn trống, để đem niềm vui cho mọi người qua những buổi văn nghệ nhạc kịch, đồng thời để các em cảm nghiệm được lòng quảng đại liên đới của những dân quê đơn thành chất phác.
Những người không hiểu cha Don Bosco thường gièm pha kiểu sống bụi đời ấy, nhưng cha Don Bosco lại muốn dùng trường học thiên nhiên ấy để huấn luyện các học sinh của ngài về nhiều phương diện. Trước hết là để thức tỉnh sự bén nhạy của giác quan. Giác quan là chìa khóa mở trí thông minh, nhưng nhiều khi cha mẹ lại quên cung cấp cho con cái chìa khóa đó. Trẻ em ở miền quê được may mắn sống gần thiên nhiên, nếu được cha mẹ hoặc người trưởng thành chỉ dẫn và giải thích cho những gì các em nhìn thấy hoặc sờ mó được, thì quả là điều hữu ích. Được dìm mình trong thiên nhiên, tâm hồn các em sẽ mở ra, như bông hoa nở ra dưới ánh mặt trời. Từ môi trường thiên nhiên, các em sẽ dần dần bước vào môi trường xã hội với tâm hồn cởi mở, biết lắng nghe, biết tôn trọng mọi người, biết nhận ra sứ điệp và ý nghĩa sâu xa bên kia lời nói.
Biết chủ động khám phá những điều mới mẻ. Quá quen với những gì có trên truyền hình, trẻ em đó rơi vào tình trạng hấp thụ mọi điều một cách thụ động và rồi đi đến chỗ nhàm chán mỏi mệt. Vẻ đẹp thiên nhiên làm nẩy sinh thái độ chiêm ngắm, đồng thời thúc đẩy tính tò mò và ước muốn hành động để khám phá thêm những điều mới mẻ. Luyện tập đức kiên nhẫn và khiêm tốn như người nông phu gieo giống trồng cây rồi kiên nhẫn chờ ngày hạt nẩy mầm, cây cối sinh hoa kết trái. Cũng vậy, tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp chúng ta luyện tập tính kiên nhẫn chờ đợi chu kỳ phát triển tự nhiên của vạn vật, biết yên lặng lắng nghe, tôn trọng và quí chuộng sự sống.
Biết dừng lại để hòa mình vào nhịp sống thiên nhiên, đó là bài học rất khó cho những trẻ em thành phố của xã hội hưởng thụ luôn muốn có ngay mọi sự. Nhịp sống thiên nhiên không phải cuốn phim diễn tiến đời người trong vài tiếng đồng hồ. Đời sống con người cũng không phải một cuộc đua xe trên xa lộ, nhưng là một hành trình từng bước. Nhịp sống thiên nhiên được dệt bằng những hy vọng đợi chờ và là trường học dạy khiêm tốn. Nếu được hướng dẫn, chỉ bảo cách khôn ngoan, những tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên sẽ là trường huấn luyện giúp các em vui hưởng sự sống, trở về với tâm hồn mình, và từ tạo vật tìm về với Đấng Tạo Hóa.