III. NÉT ĐẶC SẮC TRONG CẢM NGHIỆM THẦN BÍ CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ GIOAN THÁNH GIÁ
1. Kết hiệp thần bí là một ân ban
1.2. Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất
Cảm nghiệm thần bí cũng cho thấy một Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất. Ngài vừa siêu việt vừa nội tại, vừa gần gũi vừa xa cách. Ngài vượt xa thụ tạo ngàn trùng, nhưng lại gần gũi thân thương ở giữa con người. Ngài đáng yêu như vị Hôn Phu nhưng cũng khó kiếm tìm như gió nhẹ. Nên để tìm kiếm Chúa, có lúc người ta cần phải vươn lên cao, có khi phải xuống tận đáy hồn mình, hàn huyên tâm sự với Đấng hiện diện trong sâu thẳm cõi lòng.
Trong Khúc linh ca, ngay khúc ca đầu, thánh Gioan Thánh Giá đã nói về một Thiên Chúa ẩn mình: Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu. Nói như thế,
linh hồn bày tỏ nỗi khát khao Người Yêu Dấu là Ngôi Lời Thiên Chúa biểu lộ yếu tính thần linh của Ngài, để nó đi tìm. Theo Tin mừng Gioan, Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa, hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), tức yếu tính Ngài là Thiên Chúa. Yếu tính đó xa lạ với mắt phàm và ẩn khuất đối với trí hiểu loài người.[118] Tiên tri Isaia cũng tuyên bố như thế khi thưa với Chúa:“Lạy Thiên
Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is
45,15). Cho nên, đối với con người Thiên Chúa luôn luôn ẩn khuất, tìm kiếm Ngài như tìm Đấng ẩn mặt. Hệ luận là dù con người có cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa cách mạnh mẽ, cũng không vì thế mà cho rằng mình đã chiếm hữu được Chúa, đã được thấy Ngài cách tỏ tường.
Với linh hồn, dù được ban cho một vài tia sáng về sự tuyệt hảo của Thiên Chúa, thì vẻ đẹp Sự Thiện Tối Cao ấy vẫn ẩn khuất với nó. Bởi nơi linh hồn Thiên Chúa hiện diện bằng ba cách.[119] Thứ nhất, hiện diện theo yếu tính.
Bằng cách này, Thiên Chúa hiện diện trong mọi người, ở mọi nơi và trong muôn vật. Ngài ban cho muôn loài sự sống và hữu thể. Thiếu sự hiện diện này, muôn loài sẽ thành hư không. Cách thứ hai, hiện diện bằng ân sủng, nhờ đó Thiên Chúa cư ngụ nơi linh hồn cách thích thú và hài lòng. Có khi linh hồn cảm nhận được cũng có khi không. Ai phạm tội trầm trọng sẽ mất sự hiện diện này. Cách hiện diện thứ ba là do lòng Chúa ưu ái. Nơi những linh hồn thánh thiện, Thiên Chúa hiện diện và ban cho cảm thức tâm linh khiến nó thích thú, hoan lạc và vui thỏa.
Tuy nhiên, các cách hiện diện này đều mang tính ẩn khuất, bởi ở đó Thiên Chúa vẫn chẳng tỏ mình như yếu tính, cũng do thân phận yếu hèn ở đời này không cho phép người ta có được điều đó. Vì thế đến Khúc ca 11,linh hồn đã cầu xin:“Hãy
tỏ cho thấy Người đang hiện diện”. Về điều này, cảm nghiệm của Môsê trên núi
Xinai sẽ giúp người ta hiểu rằng ở trước nhan Thiên Chúa, Môsê đã thoáng thấy biểu hiện quá cao vời và thẳm sâu của vẻ đẹp thần tính còn ẩn khuất của Ngài. Khao khát chiêm ngắm mạnh mẽ không thể chịu nổi, Môsê đã “Xin Ngài thương
cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33,18). Nghĩa là ông xin cho đạt được tình yêu trọn vẹn của vinh quang Chúa. Và Thiên Chúa đã trả lời ông:“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà
vẫn sống” (Xh 33,20).Cách khác, Thiên Chúa muốn bảo ông: hỡi Môsê, ngươi đã xin Ta một điều thật khó khăn. Vì vẻ đẹp của Ta quá cao vời, và niềm hoan lạc được nhìn thấy ta quá lớn đến nỗi linh hồn ngươi không thể nào chịu nổi điều ấy trong kiếp sống của ngươi.[120] Cho nên, cảm nghiệm của linh hồn trước vẻ đẹp, tình yêu và bản thể Chúa, ở đời này dù thế nào vẫn là mầu nhiệm ẩn giấu. Đến nỗi chỉ một cái nhìn âu yếm của Chúa đã khiến linh hồn suy nhược, ốm vì yêu. Cảm biết được điều này, câu thơ tiếp theo linh hồn đã thốt lên:“Để cái nhìn
và vẻ đẹp của Ngài giết chết em đi”. Vì chỉ qua cái chết con người mới được chiêm ngắm Chúa cách tuyệt đối và vĩnh viễn.
Thánh Têrêsa cũng cho thấy nỗi cực hình khốn khổ khi có được chút khoảnh khắc để ở với Chúa thì Ngài lại ẩn mình đi. Yêu Chúa với tình yêu mãnh liệt, chân thành như tình bạn, thánh nhân dí dỏm thưa với Ngài:“Lạy Chúa, con tin
rằng, nếu con có thể ẩn mình khuất mặt Chúa như Chúa đã ẩn mình khuất mắt con, thì tình Chúa yêu con sẽ không thể chịu nổi đâu. Xin Chúa hãy xét coi, đối xử như thế với kẻ yêu mến Ngài nhiều như vậy thì thật là bất công”.[121]
Vậy nên, sống ở trần gian ta có cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa cách sống động qua thiên nhiên, con người, nơi Hội Thánh và trong các bí tích; dù
Ngài vẫn đến với ta gần gũi thân thương như người Cha Hiền, người Thày, người Bạn, người Tình, thì sự hiện diện ấy cũng không trọn vẹn bản thể Ngài. Thiên Chúa vẫn như xa cách ngàn trùng, vẫn mãi ẩn khuất đối với con người. Chính vì thế, còn sống là còn thời gian tìm Chúa, tìm kiếm liên lỉ bằng đức tin và tình yêu.
Ở đây cần lưu ý cách kiếm tìm, kẻo miệt mài tìm mà không gặp, như nhà thần bí bản thể Eckhart cảnh giác:“Bất cứ ai tìm kiếm Thiên Chúa thông qua ‘những
nẻo đường’ thì chỉ tìm thấy ‘những nẻo đường’ và đang đánh mất Thiên Chúa, Đấng ẩn núp trong nẻo đường. Nhưng ai tìm kiếm Thiên Chúa vượt ngoài những nẻo đường, thì sẽ tìm thấy Ngài như Ngài ở trong chính mình, và người đó sẽ sống với Người Con vì Người Con là sự sống”.[122]Vì với Đấng chịu đóng
đinh, Vị Thiên Chúa ẩn giấu nay tỏ lộ cho nhân loại chiêm ngắm.