III. NÉT ĐẶC SẮC TRONG CẢM NGHIỆM THẦN BÍ CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ GIOAN THÁNH GIÁ
1. Kết hiệp thần bí là một ân ban
1.3. Thiên Chúa tự do – con người tự do
Trong cảm nghiệm thần bí, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá nói về một Thiên Chúa tự do, con người tự do là trở thành nộ lệ, nô lệ tình yêu. Đó là đặc tính của tình yêu hoàn hảo “Tình yêu hoàn hảo không muốn lấy không muốn nhận thứ gì
làm của riêng mình nhưng chỉ muốn quy tất cả cho Người Yêu Dấu”.[123]Tình
yêu chân thật biểu lộ bằng hành động điên rồ.
Quả thật, sự điên rồ của thập giá[124]mà thánh Phaolô ca ngợi đã chẳng diễn tả một tình yêu như điên dại của Đấng Chịu Đâm Thâu đó sao. Thánh Têrêsa Avila thì khẳng định :
Người ta sống đời sống thiêng liêng thực sự khi trở thành nô lệ của Thiên Chúa và được Chúa đóng dấu hiệu tức là dấu thánh giá của Người. Dấu ấy là bảo chứng rằng ta đã trao phó tự do của mình cho Người. Bây giờ Người có thể bán họ, như bán nô lệ cho cả thế giới như chính Người đã bị bán.[125]
Con người là nô lệ của Thiên Chúa, điều này dễ hiểu : là thụ tạo khi nhận ra tình yêu vô biên của Đấng Tạo Thành, tâm tình yêu mến và khiêm nhường thúc đẩy ta khao khát được phục vụ Thiên Chúa như một nô lệ yêu mến, phục tùng Chủ, dù sự thật chúng ta là con Thiên Chúa.[126] Đó cũng là tâm tình của Đức Maria trong ngày Truyền tin, khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa :“Vâng, tôi đây là nữ tỳ
của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[127] Trong dòng
cảm thức ấy, thánh Phaolô cũng tự hào nhận mình là tôi tớ của Đức Ki-tô, [128] và là tù nhân của Ngài:“Tôi, Phaolô, người tù của Đức Ki-tô Giêsu.” (Ep
3,1). Tuy nhiên, điều thánh Têrêsa cảm nhận khá bất ngờ : bởi chính Người(Thiên Chúa) cũng đã bị bán như một nô lệ. Phải chăng đây thực là sự tự do của Thiên Chúa?
Khi viết điều ấy, chắc hẳn thánh Têrêsa nghĩ đến đoạn Thánh Kinh Chúa Giêsu bị Giuđa bán với giá 30 đồng bạc.[129] Cần phải đẩy xa vấn đề, bởi sự thật không chỉ có thế. Chính sự điên dại của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Chúa Giêsu trong mầu nhiệm tự hủy (kenosis) mới thật là bất ngờ:
Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8). Chúa đã mặc lấy thân nô lệ, vẫn chưa hết, còn chết vì ta. Làm sao ta hiểu được sự tự do thâm sâu này! Lặng theo kinh nghiệm thần bí mà thánh Gioan Thánh Giá mô tả, người ta có thể cảm nhận phần nào. Trong“Những ca khúc giữa linh
hồn và Người Yêu Dấu” thứ 31, ngài viết: Người đã nhìn chỉ một sợi tóc ấy
Bay trên cổ em
Người đã nhìn nó nơi cổ em Và Người đã bị bắt tù ở lại đó
Và Người đã bị thương vì chỉ một liếc mắt em.[130]
Bị cầm tù là mất tự do, có điều ai có thể cầm tù được Thiên Chúa. Người ta nói rằng chỉ một sợi chỉ nhỏ cũng cầm buộc được con chim phượng hoàng, khiến nó không thể bay cao, bay xa. Còn ở đây thì:“Tình yêu là mối dây liên kết điều
thiện hảo” (Cl 3,14). Sự thiện hảo là nên một với Thiên Chúa. Đó phải là một tình yêu mãnh liệt, tạo ra từ sức mạnh của các nhân đức, sau khi đã trải qua muôn ngàn thanh luyện gian khổ, khiến nó trở nên thanh khiết tinh tuyền. Thiên Chúa yêu mến tình yêu mãnh liệt ấy nơi linh hồn, nên Ngài “ngắm” nó. Sợi tóc tượng trưng sức mạnh của tình yêu thuần khiết, đã làm cho linh hồn nên một với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bị cầm tù vì sợi tóc tình yêu ấy.
Tình yêu mà Chúa Cha vô biên, vô lượng thiết đãi và tôn vinh linh hồn hèn mọn và say đắm này chân thực đến nỗi chính Ngài lụy phục linh hồn để suy
tôn nó, như thể Ngài là đầy tớ và linh hồn là chủ nhân của Ngài. Chúa ân cần thết đãi linh hồn như thể Ngài là nô lệ của linh hồn còn linh hồn là Chúa của Ngài.[131] Tình yêu trung thành trong thử thách có sức mạnh đến nỗi có thể cầm tù được chính Thiên Chúa, Đấng cả vũ trụ không chứa nổi. Khi minh giải khúc ca này, thánh nhân đã reo lên:“Ôi thật đáng mọi khâm phục và mừng vui biết
bao khi một vị Thiên Chúa mà lại bị cầm tù nơi một sợi tóc!”.[132] Tình yêu của
tôi tớ trung thành không những được Thiên Chúa yêu thương mà còn được chính Ngài phục vụ : “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà
phục vụ” (Lc 12, 36). Đúng là có sự chuyển đổi vị trí bởi tình yêu làm nên muôn
điều kỳ diệu, vì đặc tính của tình yêu chân thực không giữ lại gì cho mình mà làm tất cả cho người mình yêu. Điều này diễn tả nơi hình ảnh Thày Giêsu cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình.[133]
Khi chiêm ngắm Đấng “không còn gì” trên thập giá, Gioan Thánh Giá tuyên bố:“một trái tim trần trụi là trái tim tự do và mạnh mẽ”.[134]Tự do trao hiến của Thiên Chúa gặp tự do từ bỏ trọn vẹn đến trần trụi để thuộc về Ngài của con người. Muốn tự do hãy trở thành nô lệ,nô lệ tình yêu.