Cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết các công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mẫu hoá thống nhất các loại giấy tờ mà công dân cần phải làm khi có yêu cầu giải quyết các công việc về sản xuất, kinh doanh và đời sống…..Từ những mục tiêu quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính, việc cải cách thủ tục hành chính về hộ tịch được Quốc hội và các cơ quan quản lý Nhà nước về hộ tịch đặc biệt quan tâm, việc ban hành nghị định 158/2005/NĐ-CP theo hướng cải cách về thủ tục
hành chính là cần thiết.
Kế thừa những điểm cơ bản của các Nghị định quản lý hộ tịch trước đây các thông tư hướng dẫn thi hành đã bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các việc về hộ tịch, nhằm cải cách thủ tục, công khai minh bạch hoá các trình tự, thủ tục, quy định thời gian giải quyết hồ sơ ở từng giai đoạn trong quy trình, tương ứng với trách nhiệm và tính chất công việc phải giải quyết của từng cơ quan, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết các việc về hộ tịch, tạo điều kiện cho người dân có cơ sở pháp lý yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các việc về hộ tịch.
Tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính trong vấn đề hộ tịch cần các giải pháp sau:
- Đơn giản hơn các giấy tờ về đăng ký hộ tịch; - Đơn giản hóa các thủ tục về việc cải chính hộ tịch;
- Thực hiện cơ chế một cửa trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký hộ tịch ở Việt Nam;
- Giảm thời gian cũng như rà soát và giảm các thủ tục liên quan đến thủ tục đăng ký hộ tịch.
Đơn cử, trong thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận con nuôi, Nghị định hiện hành không quy định rõ phải xuất trình những loại giấy tờ nào, nếu không còn bản sao thì hướng xử lý ra sao? Dự thảo Nghị định mới sửa đổi bổ sung theo hướng: Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có); trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan.
Riêng đối với việc đăng ký lại kết hôn và đăng ký lại khai tử, thì bản cam đoan phải có xác nhận của 02 người làm chứng biết rõ về việc đã đăng ký và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về chữ ký của hai người làm chứng.
Để công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thực hiện đúng quy định pháp luật.Uỷ ban nhân dân cấp xã có sự quan tâm lãnh đạo nhiều hơn đến công tác tư pháp nói chung và công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt đầu tư về kinh phí, điều kiện làm việc để thực hiện Đề án nêu trên. Công chức Tư pháp-Hộ tịch phải nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân và thực hiện công tác đăng ký quản lý hộ tịch đúng quy định pháp luật, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân.