Để đảm bảo cuộc kiểm toán có hiệu quả, kế hoạch kiểm toán phải được lập cho mọi cuộc kiểm toán. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300 - “Lập kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính” quy định: “Kế hoạch kiểm toán phải được lập một cách thích hợp nhằm đảm bảo bao quát hết các khía cạnh trọng yếu của cuộc kiểm toán; phát hiện gian lận, rủi ro và những vấn đề tiềm ẩn; và đảm bảo cho cuộc kiểm toán được hoàn thành đúng thời hạn. Kế hoạch kiểm toán trợ giúp KTV phân công công việc cho trợ lý kiểm toán và phối hợp với KTV và chuyên gia khác về công việc kiểm toán”. Trong giai đoạn này KTV thực hiện những bước công việc sau: lập kế hoạch kiểm toán tổng thể; thiết kế chương trình kiểm toán.
a) Tìm hiểu khách hàng, môi trường hoạt động và thu thập thông tin liên quan CPBH và CPQLDN
KTV cần tìm hiểu các vấn đề sau:
- Hiểu biết về môi trường hoạt động và các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến đơn vị khách hàng gồm có môi trường kinh doanh chung; môi trường và lĩnh vực hoạt động của đơn vị khách hàng; môi trường pháp lý.
- Hiểu biết về đơn vị khách hàng: gồm các hoạt động và tình hình kinh doanh chủ yếu; sở hữu, các bên liên quan và mô hình quản lý của đơn vị khách hàng; các thay đổi lớn trong đơn vị khách hàng; hiểu biết về hệ thống kế toán của đơn vị khách hàng, kết quả kinh doanh của đơn vị khách hàng. Đòi hỏi KTV phải
thu thập các thông tin liên quan đến CPBH, CPQLDN và làm rõ ảnh hưởng của nền kinh tế, môi trường kinh doanh hay lĩnh vực hoạt động của DN có tác động gì tới CPBH và CPQLDN không; các biến động chi phí là bình thường hay bất thường để xác định rủi ro kiểm toán.
Qua việc tìm hiểu KH và môi trường kinh doanh, KTV xác định được rủi ro tiềm tàng (IR) đối với khoản mục CPBH và CPQLDN. Đối với các rủi ro phát hiện tại giai đoạn lập kế hoạch có ảnh hưởng đến tài khoản CPBH và CPQLDN, KTV xác định thủ tục kiểm toán cơ bản cho rủi ro đó. Các thủ tục kiểm tra cơ bản này cần được bổ sung vào chương trình kiểm tra cơ bản của khoản mục CPBH và CPQLDN.
b) Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và rủi ro kiểm soát dự kiến
KTV sử dụng các xét đoán của mình cùng với các thủ tục phỏng vấn, quan sát, kiểm tra tài liệu để thu thập các thông tin sau:
- Môi trường kiểm soát: Các giá trị đạo đức có được truyền thông và thực thi trong doanh nghiệp hay không? Nếu có sai phạm thì có bị xử lý không, việc xử lý có công bằng không? Các nhà quản lý và nhân viên của đơn vị khách hàng có đủ năng lực không? Thái độ của nhà quản lý về KSNB? Phân định quyền hạn trách nhiệm trong kế toán CPBH và CPQLDN như thế nào?
- Quy trình đánh giá rủi ro: các nhà quản lý xác định rủi ro liên quan đến khoản mục CPBH và CPQLDN như thế nào và có cách xử lý ra sao với các rủi ro đó?
- Giám sát các hoạt động kiểm soát: Việc giám sát có được thực hiện thường xuyên, hiệu lực không? Đơn vị khách hàng có bộ phận kiểm soát nội bộ không? Nếu có thì có đủ kinh nghiệm, năng lực không? Đơn vị khách hàng có thường xuyên theo dõi và chỉnh sửa các sai sót của hệ thống KSNB không?
KTV có thể trao đổi với BGĐ về gian lận, sai sót để biết được thái độ, cách ứng xử với rủi ro của BGĐ và trao đổi với bộ phận KSNB của đơn vị khách hàng để biết được đánh giá của bộ phận KSNB với các rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát liên quan đến khoản mục CPBH và CPQLDN; các thủ tục mà bộ phận KSNB đã thực
hiện để phát hiện ra sai sót liên quan đến CPBH và CPQLDN.
Từ đó, KTV đánh giá rủi ro kiểm soát (CR) tại đơn vị khách hàng về CPBH và CPQLDN và đề ra các yếu tố, phương pháp giúp giảm rủi ro. Bằng việc xác định được IR và CR trên, KTV xác định được rủi ro phát hiện dự kiến (DR) đối với khoản mục CPBH và CPQLDN bằng công thức sau:
Rủi ro kiểm toán dự kiến (AR) = Rủi ro tiềm tàng (IR) x Rủi ro kiểm soát (CR) x Rủi ro phát hiện (DR)
=> Rủi ro phát hiện dự kiến (DR) = AR/ (IR x CR)
Mức độ rủi ro phát hiện dự kiến cao hay thấp là cơ sở để KTV xác định khối lượng công việc và nội dung của cuộc kiểm toán.
c) Phân tích sơ bộ BCTC về CPBH và CPQLDN
KTV dựa vào bảng cân đối kế toán, BCKQHĐKD, thuyết minh BCTC để lấy số liệu cho việc so sánh, lập các tỷ số rồi so sánh, chỉ ra sự biến động của các thông tin liên quan đến CPBH và CPQLDN và đánh giá khả năng xảy ra rủi ro của các thông tin đó. KTV thực hiện tính toán tỷ lệ trên doanh thu thuần: CPBH/ DTT; CPQLDN/DTT của năm trước đã kiểm toán và năm nay chưa kiểm toán và tính biến động tương đối, tỷ lệ % biến động.
d) Xác định mức trọng yếu và rủi ro
Khi ước tính mức trọng yếu cho khoản mục CPBH và CPQLDN, KTV phải thực hiện các bước sau:
- Ước lượng ban đầu về tính trọng yếu
Đây là việc làm của KTV để xác định mức sai phạm tối đa nhưng vẫn chấp nhận được, có nghĩa là tại mức sai phạm này BCTC vẫn được coi là trung thực, hợp lý hay những sai phạm này vẫn chưa ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng BCTC. Việc ước tính này chủ yếu đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ của KTV, thường do công ty kiểm toán chỉ đạo cho KTV.Tiêu chí để xác định mức trọng yếu có thể là Doanh thu, Lợi nhuận trước thuế, Vốn chủ sở hữu, Tổng tài sản. Tỷ lệ sử dụng để ước tính mức trọng yếu là 5%-10% lợi nhuận trước thuế, 0,5%-3% doanh
thu, 2% vốn chủ sở hữu và tổng tài sản.
- Phân phối ước tính ban đầu về tính trọng yếu cho CPBH và CPQLDN
Các khoản mục CPBH và CPQLDN sẽ lần lượt được phân phối ước tính ban đầu về tính trọng yếu. Cơ sở để phân bổ mức trọng yếu cho các khoản mục là: kinh nghiệm của KTV và chi phí kiểm toán cho khoản mục CPBH và CPQLDN.Khoản mục CPBH và CPQLDN là khoản mục phức tạp, dễ xảy ra các gian lận, sai sót nên thường được phân bổ mức trọng yếu cao.
e) Xác định phương pháp chọn mẫu — cỡ mẫu
Mau có hai loại là mẫu thống kê và mẫu phi thống kê. Phương pháp chọn mẫu có hai phương pháp là chọn mẫu xác suất và chọn mẫu phi xác suất. Phương pháp chọn mẫu xác suất sử dụng lý thuyết xác suất thống kê để đánh giá kết quả mẫu, và các phần tử được lựa chọn ngẫu nhiên vào mẫu; được dùng để chọn mẫu thống kê (thường xuyên) và mẫu phi thống kê (ít). Phương pháp chọn mẫu phi xác suất là phương pháp dựa vào xét đoán của KTV để chọn mẫu, các phần tử có thể không được lựa chọn ngẫu nhiên vào mẫu; được dùng để chọn mẫu phi thống kê. KTV có thể chọn một trong hai phương pháp này để chọn mẫu cho khoản mục CPBH và CPQLDN.
KTV xác định hệ số rủi ro (dựa vào cơ sở đánh giá IR, CR, DR); mức trọng yếu thực hiện (50%-75% mức trọng yếu tổng thể); khoảng cách mẫu để xác định cỡ mẫu của nhóm nghiệp vụ có giá trị lớn hơn khoảng cách mẫu, nghiệp vụ đặc biệt và cỡ mẫu của nhóm nghiệp vụ không đặc biệt và có giá trị nhỏ hơn khoảng cách mẫu.
f Thiết kế chương trình kiểm toán đối với khoản mục CPBH và CPQLDN
Chương trình kiểm toán đối với CPBH và CPQLDN là một bảng liệt kê, chỉ dẫn các thủ tục kiểm toán chi tiết tương ứng với mục tiêu kiểm toán của các công việc kiểm toán cụ thể được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Chương trình kiểm toán cho khoản mục CPBH và CPQLDN chỉ dẫn mục tiêu kiểm toán, nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán cụ thể khi tiến hành kiểm toán khoản mục CPBH và CPQLDN. KTV phải thảo luận với khách hàng về kế hoạch kiểm toán này.