Hoạt động quản trị rủi ro của PVI Holdings cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khác trên thị trường đang từng bước phát triển hoàn thiện là một hệ thống đầy đủ, quản trị rủi ro đồng bộ trong toàn hệ thống, cụ thể:
- Về tổ chức:
PVI Holdings nhận được sự hỗ trợ về đào tạo, kĩ thuật và thị trường từ đối tác chiến lược HDI Global SE. Công ty có thế mạnh về năng lực tái bảo hiểm, là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam có hợp đồng năng lượng với thị trường London, nhận được hỗ trợ lớn từ nhà tái bảo hiểm quốc tế như Lloyds, Swiss Re, Munich Re, Allianz, AIG,… và năng lực tài chính mạnh.
PVI Holdings có hệ thống nhân sự trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng là đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản từ các trường đào tạo chuyên ngành bảo hiểm, tài chính uy tín trên thế giới (CII,MII, ANZIF, CIMA, ACCA, CPA, …) và gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập, tiên phong trong cách nghĩ, cách làm, luôn khát khao đổi mới và dẫn đầu. Tuy vậy nguồn nhân sự quản lý bậc trung của doanh nghiệp còn thiếu.
PVI Holdings đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc vận hành, quản lý công ty theo hướng minh bạch, hiệu quả; đã xây dựng được hệ thống kiểm soát rủi
ro bao gồm các quy trình quy định về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và quản trị rủi ro của ISO 31000; xây dựng bộ chỉ tiêu KPI áp dụng đối với các đơn vị thành viên, các Ban và các chức danh chủ chốt nhằm giám sát việc thực hiện các mục tiêu của hệ thống;
PVI Holdings đã xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khai thác cấp đơn đơn như giám định trực tuyến, đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bán hàng của các kênh bán chéo như bancass, VNA, Jetstar,…; ứng dụng trong công tác tài chính kế toán, quản lý nhân sự, ... Đây là công cụ quản lý vượt trội so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường Việt Nam hiện nay.
- Về hệ thống quản trị:
Công ty chưa có quy chế quản trị rủi ro, chưa có các quy trình nhận dạng, phương pháp đo lường và quản trị rủi ro. Hiện tại, công ty mới chỉ xây dựng và triển khai áp dụng các quy trình, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Về bản chất các quy trình, văn bản này chỉ là các quy định về quản trị và an toàn hoạt động.
Trên cơ sở các quy định của luật pháp và của PVI Holdings đã ban hành các quy tắc bảo hiểm và công bố rộng rãi tới mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm là cơ sở để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của PVI Holdings với những người có liên quan khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết.
Trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày, PVI Holdings đã xây dựng một hệ thống quy trình nghiệp vụ chi tiết theo đặc điểm của từng loại hình bảo hiểm, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, hướng dẫn trình tự các bước thực hiện đối với hoạt động khai thác cấp đơn bảo hiểm, giám định bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, luân chuyển chứng từ cho hoạt động ghi nhận sổ sách kế toán, quản trị tài chính, công tác lưu trữ và quản trị hồ sơ, thông tin khách hàng...
Quy trình nghiệp vụ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc bao gồm: - Quy trình khai thác bảo hiểm:
Được xây dựng chi tiết cho từng nhóm sản phẩm mà công ty đang cung cấp cho thị trường.
Quy trình cấp đơn quy định, hướng dẫn và phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho từng bộ phận, từng cá nhân tham gia vào quy trình này về các bước thực hiện để khai thác một hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo phù hợp với đặc điểm riêng của từng nhóm sản phẩm.
Quy trình cấp đơn quy định thống nhất các thủ tục pháp lý cần thiết mà các bộ phận, cá nhân phải thực hiện từ khâu tìm kiếm khách hàng, giám định, đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm, điều kiện, điều khoản nhận bảo hiểm, các rủi ro bắt buộc loại trừ không nhận bảo hiểm, mức phí bảo hiểm tối thiểu được phép áp dụng, phân cấp trách nhiệm ký kết hợp đồng bảo hiểm, hoạt động phối hợp bắt buộc với các bộ phận, phòng ban khác liên quan cho đến khi kết thúc quy trình.
Quy trình cấp đơn quy định các biểu mẫu, quy định chung cho hợp đồng bảo hiểm, quy định về xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong quy trình.
- Quy trình giám định:
Quy trình giám định được xây dựng chi tiết cho từng nhóm sản phẩm. Quy trình này quy định, hướng dẫn và phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho từng bộ phận, cá nhân tham gia vào quy trình này về trình tự thực hiện một cuộc giám định tổn thất, đảm bảo các bước thực hiện phù hợp với đặc điểm riêng của từng tổn thất.
Quy trình giám định quy định trách nhiệm pháp lý và hướng dẫn các thủ tục bắt buộc, cách thức thực hiện giám định một tổn thất cho từng cá nhân, bộ phận liên quan kể từ khi nhận được thông tin xẩy ra sự kiện bảo hiểm cho đến khi kết thúc cuộc giám định.
Quy trình giám định xây dựng thống nhất nhằm thực hiện nguyên tắc giám định tổn thất đảm bảo trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời và chính xác.
Báo cáo giám định là khâu cuối cùng, là kết quả của quá trình giám định. Báo cáo giám định là cơ sở pháp lý quan trọng trong hồ sơ chi trả bồi thường.
- Quy trình bồi thường:
Quy trình giám định được xây dựng chi tiết cho từng nhóm sản phẩm.
Quy trình này quy định, hướng dẫn và phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho từng bộ phận, cá nhân tham gia vào quy trình này về trình tự tiến hành giải quyết bồi thường tổn thất cho khách hàng khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm.
Quy trình bồi thường phân định nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn và quy định thời gian tối đa để xử lý cho mỗi bước của quy trình bồi thường.
Quy trình bồi thường xây dựng thống nhất nhằm đảm bảo kiểm soát hoạt động bồi thường, với mục tiêu đảm bảo lợi ích chính đáng cho khách hàng, giảm tối đa sai sót và kẽ hở đối với công tác bồi thường, từ đó kiểm soát chi phí bồi thường.
- Quy trình tái bảo hiểm và quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm:
Hoạt động kinh doanh nhận tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm là hoạt động chia sẻ, phân tán rủi ro để chuyển một phần rủi ro nhận bảo hiểm từ công ty bảo hiểm này sang công ty bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm khác để duy trì và đảm bảo sự cân đối, ổn định về mặt tài chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm là nơi tích tụ các rủi ro. Hoạt động phân tán rủi ro là bắt buộc đối với các công ty bảo hiểm, và tái bảo hiểm là công cụ các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để phân tán rủi ro, là lá chắn đảm bảo ổn định tài chính, góp phần đưa Công ty tiến tới mục tiêu về lợi nhuận.
Chương trình tái bảo hiểm hàng năm của Công ty xây dựng theo các quy định sau:
Thứ nhất, tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước cho hoạt động tái
bảo hiểm, nội dung chương trình tái bảo hiểm phê chuẩn phải phù hợp với năng lực tài chính, quy mô kinh doanh của Công ty .
Thứ hai, trên cơ sở chương trình tái bảo hiểm do Hội đồng quản trị, Hội đồng
thành viên, Chủ tịch Công ty phê duyệt, Tổng giám đốc Công ty có trách nhiệm ban hành quy trình, hướng dẫn nội bộ về hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.
Thứ ba, mức giữ lại: (i) Các yếu tố căn cứ để tính toán mức giữ lại: Các quy
định của Nhà nước, tình hình tài chính của Công ty và số liệu thống kê, phân tích, định lượng theo nhóm rủi ro của từng sản phẩm bảo hiểm (có cùng giá trị bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm) trong các năm hoạt động kinh doanh trước, (ii) Mức giữ lại phải được tính toán cho từng loại hình bảo hiểm và theo từng loại rủi ro, mức giữ lại trên một rủi ro và trên một sự kiện bảo hiểm. (iii) Mức giữ lại tối đa
trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ tính toán không được vượt quá 5% vốn chủ sở hữu.