Xử lý rủi ro bảo hiểm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng mô hình quản trị rủi ro ERM tại PVI holdings​ (Trang 60 - 63)

Thực hiện các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất

Từ kết quả phân loại các nhóm, loại rủi ro nhận bảo hiểm, tính chất và tần suất xuất hiện tổn thất, Công ty con trực thuộc sẽ lựa chọn biện pháp phù hợp để đề phòng hạn chế tổn thất từ rủi ro.

Qua khảo sát thực tế tại PVI Holdings đối với các nhóm có nguy cơ rủi ro cao và rủi ro nếu xẩy ra thì tổn thất rất lớn vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp như bảo hiểm cháy nổ cho các ngành như gỗ, dệt may, hóa chất, xăng dầu... thì khi ký kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, PVI Holdings luôn luôn hỗ trợ một phần chi phí để trang bị các dụng cụ phòng cháy chữa cháy, hoặc hệ thống phòng cháy chữa cháy, chi phí này thường là từ 2% đến 5% doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ thu được.

Các nhóm ngành có tần suất xảy ra rủi ro thường xuyên như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người thì Công ty có thể thực hiện các biện pháp đề phòng hạn

chế tổn thất như: phối hợp với các cơ quan quản lý về giao thông tuyên truyền đạo đức người lái xe, thực hiện lái xe an toàn... Đối với loại hình bảo hiểm xe cơ giới, tuy tần suất xẩy ra rủi ro thường xuyên, nhưng mức độ xẩy ra rủi ro tổn thất thường không lớn và qua thống kê tỷ lệ bồi thường hàng năm của PVI Holdings ở mức 61% trên doanh thu nên PVI Holdings chọn phương thức tái bảo hiểm phần lớn doanh thu của nghiệp vụ này và coi đó cũng là một trong các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất. Đối nghiệp vụ bảo hiểm hàng không cũng được công ty xử lý tương tự.

Hàng năm PVI Holdings đã trích một phần không nhỏ chi phí phục vụ cho công tác đề phòng hạn chế tổn thất cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của mình, đào tạo cho khách hàng, cho đội ngũ lao động của doanh nghiệp để nâng cao ý thức của người được bảo hiểm cũng như phòng ngừa việc trục lợi bảo hiểm.

Thực hiện trích lập dự phòng các quĩ nghiệp vụ

Ngoài việc thực hiện công tác đề phòng hạn chế tổn thất, trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình PVI Holdings còn phải thực hiện trích lập dự phòng bồi thường theo qui định của Bộ Tài chính để luôn luôn đảm bảo khả năng chi trả bồi thường cho khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm được coi là đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

PVI Holdings thực hiện việc trích lập dự phòng bao gồm:

- Dự phòng phí chưa được hưởng: được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo. Cách tính dự phòng phí chưa được hưởng của Công ty được áp dụng như sau:

+ Đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không là 25% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ bảo hiểm này.

(Trong đó: Phí bảo hiểm giữ lại = Phí bảo hiểm gốc + Phí nhận tái bảo hiểm - Phí nhượng tái bảo hiểm - Giảm phí, hoàn phí).

+ Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác là 50% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ bảo hiểm này.

- Dự phòng bồi thường cho các khiếu nại chưa được giải quyết: được Công ty thực hiện theo phương pháp từng hồ sơ đối với tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm khách hàng đã khiếu nại nhưng chưa giải quyết. Mức trích lập dựa trên ước tính tổn thất phát sinh và phần trách nhiệm giữ lại của Công ty.

- Quỹ dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm.

Số tiền được sử dụng từ quỹ dự phòng bồi thường cho dao động lớn = Số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại - (Tổng phí bảo hiểm giữ lại - Dự phòng phí chưa được hưởng - Dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết)

Quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phải trích lập xuất phát từ đặc điểm kinh doanh bảo hiểm là theo chu trình ngược. Hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng mang tính song vụ. Sau khi ký kết hợp đồng, người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm, và người bảo hiểm phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm (xẩy ra tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng). Như vậy, ngay sau khi ký kết hợp đồng, Công ty đã có trong tay một khoản tiền nhất định từ phí bảo hiểm, nhưng Công ty không được coi khoản tiền này là nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty, mà luôn phải xác định đó là khoản nợ đối với khách hàng nên trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là bắt buộc đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Do đó quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chỉ được đảm bảo đầy đủ khi Công ty thực hiện trích lập đầy đủ quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

Căn cứ vào đặc điểm và tình hình kinh doanh, Bộ Tài chính sẽ phê duyệt phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cho các công ty kinh doanh bảo hiểm nhằm đảm bảo dự phòng nghiệp vụ các doanh nghiệp được trích lập đầy đủ theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được bảo hiểm. PVI Holdings luôn thực hiện đúng và đủ về nguyên tắc trích lập dự phòng theo quy định của Bộ Tài Chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng mô hình quản trị rủi ro ERM tại PVI holdings​ (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)