2.3.1.1. Trong giai đoạn lập kế hoạch
Đối với giai đoạn lập kế hoạch, Công ty TNHH EY Việt Nam đã đảm bảo được các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng như những hướng dẫn từ các quy trình do EY Global thiết kế:
a. Tìm hiểu thông tin khách hàng:
Nhóm kiểm toán đã thực hiện đánh giá khả năng chấp nhận khách hàng trước khi thực hiện ký kết hợp đồng kiểm toán. Cùng với đó, việc tìm hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng cũng đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng, nhờ đó quá trình thực hiện kiểm toán đã có thể được thực hiện một cách trơn tru hơn.
b. Thực hiện thủ tục phân tích
Các thủ tục phân tích đã được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ. Nhờ vậy, khối lượng công việc kiểm toán đã được tinh gọn, hiệu quả của cuộc kiểm toán được nâng cao.
c. Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá rủi ro kiểm soát:
Quy trình đánh giá tính trọng yếu, đánh giá rủi ro được xây dựng thành chương trình đầy đủ, nổi bật là hệ thống câu hỏi nhằm đánh giá rủi ro của hệ thống KSNB và khả năng gian lận. Bên cạnh đó, không chỉ phát hiện những thiếu sót, EY Việt Nam cũng đưa ra được những đề xuất nhằm cải thiện hệ thống ấy, từ đó tăng cường mối quan hệ với khách hàng, nâng cao vị thế của Công ty.
d. Đánh giá mức trọng yếu:
Quá trình đánh giá và xác định mức trọng yếu được thực hiện dựa trên cơ sở thực tiễn tại doanh nghiệp cũng như thị trường. Việc lựa chọn mức trọng yếu phù hợp đã giúp cho quá kiểm toán diễn ra trơn tru hơn, đồng thời giảm thiểu được rủi ro kiểm toán xuống mức tối thiểu.
2.3.1.2. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTV của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã luôn tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục kiểm toán được thiết lập, nhằm tránh bỏ sót các thủ tục kiểm toán quan trọng và thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán cần thiết cho cuộc kiểm toán:
a. Khảo sát về kiểm soát nội bộ với doanh thu:
Ve cơ bản, các thủ tục liên quan tới khảo sát và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng đã được thực hiện đầy đủ. Nhờ vậy, KTV đã có những nhận định ban đầu về khách hàng, từ đó đưa ra chiến lược kiểm toán phù hợp với thời gian và quy mô cuộc kiểm toán.
b. Thủ tục đối chiếu và phân tích doanh thu:
Thủ tục đối chiếu sổ sách là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các phần hành trong cuộc kiểm toán. Đối với khoản mục doanh thu, KTV đã thực hiện đối chiếu giữa bảng cân đối thử, báo cáo tài chính và sổ kế toán của khách hàng để đảm bảo số liệu mà khách hàng cung cấp là đúng và có thể sử dụng làm cơ sở cho các thủ tục kiểm toán tiếp theo.
Đối với thủ tục phân tích trong giai đoạn thực hiện kiểm toán. Đây là các phân tích đào sâu hơn sau khi có các số liệu chi tiết từ khách hàng. Thủ tục phân tích đã giúp cho KTV nhận định được các rủi ro có thể xảy ra, từ đó khoanh vùng và thực hiện các thủ tục kiểm tra chi tiết vào các khu vực ấy. Đối với khoản mục doanh thu, bằng việc kết hợp những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phân tích tỷ trọng doanh thu chi phí, KTV đã xác định được rủi ro doanh thu bị ghi nhận sai kỳ, từ đó đưa ra được các bút toán điều chỉnh.
c. Thủ tục kiểm tra chi tiết:
KTV dựa trên kết quả của quá trình xác định mức trọng yếu cũng như phân tích để lựa chọn mẫu kiểm tra chi tiết. Đối với thủ tục này, KTV đã thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu với các chứng từ liên quan nhằm đảm bảo số liệu được ghi nhận là chính xác và đúng kỳ. Trong quá trình thực hiện kiểm tra chi tiết, KTV đã phát hiện ra việc doanh thu bị ghi nhận sai kỳ, từ đó đưa ra bút toán điều chỉnh hợp lý.
2.3.1.3. Trong giai đoạn kết thúc kiểm toán
Trong giai đoạn kết thúc kiểm toán, các KTV của Công ty TNHH EY Việt Nam luôn đưa ra nhận xét và các bút toán điều chỉnh khẩn trương nhưng cũng rất thận trọng. Trong quá trình thực hiện các KTV đã ghi chú lại những nhận xét, ý kiến và dự thảo các bút toán điều chỉnh, do đó khi kết thúc kiểm toán, nhóm trưởng dễ dàng tổng hợp các vấn đề.
a. Các thủ tục kiểm tra bổ sung:
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ đều được quan tâm theo dõi, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sự kiện đó tới báo cáo tài chính của đơn vị khách hàng, từ đó ảnh hưởng tới kết quả của cuộc kiểm toán.
b. Rà soát lại các thủ tục kiểm toán, tổng hợp các chênh lệch và trao đổi với khách hàng:
Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện các chênh lệch, KTV sẽ rất cẩn trọng đánh giá và ghi chép lại những bút toán điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện, kiểm toán viên sẽ ghi nhận các nhận xét, ý kiến và điều chỉnh vào các bút toán dự thảo nên khi kết thúc kiểm toán, trưởng nhóm có thể dễ dàng lồng ghép các vấn đề.
c. Kết luận về khoản mục doanh thu:
Trước khi báo cáo chính thức được phát hành, báo cáo kiểm toán luôn được soát xét theo các quy trình nghiêm ng ặt để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh các báo cáo kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thường xuyên gửi thư quản lý cho khách hàng để góp ý giúp bộ phận nâng cao hiệu quả quản lý và hạch toán kế toán của khách hàng.
Đối với các khoản mục doanh thu, tất cả các thủ tục vào cuối cuộc kiểm toán đều được thực hiện cẩn thận và chính xác như các khoản mục khác.