Lý thuyết bất cân xứng thông tin

Một phần của tài liệu 868 tác động của công bố thông tin lợi nhuận đến giá cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 28 - 30)

Thông tin bất cân xứng là mức độ thông tin không phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ về thị trường và diễn biến của nó. Theo nghĩa hẹp nó hàm ý có sự khác biệt đáng kể về khối lượng và chất lượng thông tin đã được tích lũy đến thời điểm xác định giữacác đối tượng liên quan (các đối tượng cùng giải quyết một vấn đề, cùng tham gia một thị trường). Nghĩa là, một bên giao dịch có các thông tin liên quan trong khi bên kia không có hoặc không có đầy đủ.

Thông tin bất cân xứng xảy ra có thể do nguồn thông tin khác nhau, thời điểm nhận tin khác nhau và trình độ nhận thức, ứng xử với thông tin khác nhau. Nguyên nhân là do những hạn chế của thị trường làm cho tốc độ truyền tin chậm, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin kém. Ngược lại, thông tin bất cân xứng là nguyên nhân dẫn đến thị trường kém hiệu quả.

Thông tin bất cân xứng vừa là khách quan vừa là chủ quan. Tính khách quan là do cấp độ hiệu quả của thị trường gây ra những hạn chế về truyền tải và cập nhật thông tin vào trong giá cả. Tính chủ quan là do sự thiếu nỗ lực cũng như chưa quan tâm đầu tư tìm kiếm khai thác thông tin của các đối tượng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thị trường.

a. Sự lựa chọn đối nghịch

Đây là rủi ro do bất cân xứng thông tin gây ra trước khi nhà đầu tư tiến hành giao dịch. Lựa chọn đối nghịch được hiểu là những quyết định sai lầm của một bên tham gia giao dịch mà nguyên nhân là do thông tin không cân xứng. Đối với TTCK, khi có hiện tượng thông tin bất cân xứng, nhà đầu tư sẽ khó có thể phân biệt được đâu là cổ phiếu của những công ty tốt hay những công ty hoạt động yếu kém. Trong hoàn cảnh đó, để hạn chế rủi ro do không có thông tin chính xác, các nhà đầu tư khi muốn nắm giữ cổ phiếu phải chấp nhận mua ở mức giá trung bình đối với các cổ phiếu của các doanh nghiệp chào bán. Chính điều này khiến cho các công ty hoạt động yếu kém sẵn sàng bán cổ phiếu ở

mức giá trung bình vì nó cao hơn giá trị thực của công ty. Ngược lại, các công ty có chất lượng tốt sẽ không chấp nhận điều này và có thể sẽ rút khỏi thị trường, hoặc nhà đầu tư có thể quyết định sẽ không mua bất kỳ cổ phiếu nào. Theo đó, TTCK sẽ hoạt động không hiệu quả do khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường bị hạn chế.

b. Rủi ro đạo đức

Khác với lựa chọn đối nghịch, rủi ro đạo đức xuất hiện sau giao dịch khi một bên thực hiện những hành động ẩn giấu và có ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại. Trên thực tế, rủi ro đạo đức xuất hiện rất nhiều và có một số đặc điểm chính như: một bên tham gia giao dịch không thể giám sát hoạt động của bên kia - bên có hành động ẩn giấu; Bên có hành động ẩn giấu dù vô tình hay cố ý sẽ làm tăng xác suất xảy ra hậu quả xấu. Trong đầu tư chứng khoán, sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý có thể dẫn đến rủi ro đạo đức, khi người đại diện công ty đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của các cổ đông sở hữu công ty.

Bất cân xứng thông tin luôn xảy ra đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có chứng khoán và đều gây ra những hệ quả không tích cực, ảnh hưởng tới nhiều thành viên tham gia thị trường bao gồm cả nhà đầu tư, tổ chức phát hành chứng khoán và tác động chung tới toàn bộ thị trường.

Tác động của thông tin không cân xứng tới nhà đầu tư và các doanh nghiệp tham gia TTCK cũng là tác động chung tới TTCK. Việc nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp không còn “mặn mà” với TTCK sẽ ngăn cản sự phát triển của TTCK nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, việc lợi dụng thông tin nội gián để giao dịch chứng khoán, tạo cung cầu ảo trong một thời gian dài với nhiều loại cổ phiếu có thể khiến thị trường tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ.

Một phần của tài liệu 868 tác động của công bố thông tin lợi nhuận đến giá cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(66 trang)
w