- Xây dựng kết cấu nguồn vốn hợp lý
DN phải tính toán kĩ lưỡng dựa trên kế hoạch cho năm tiếp theo, xác định rõ nhu cầu vốn của mình, so sánh chi phí cơ hội khi sử dụng các nguồn vốn để chọn ra một tỷ lệ nợ và vốn chủ sở hữu phù hợp nhất. Tuy nhiên, cần giảm nguồn tài trợ từ nợ vay để tránh phụ thuộc vào chủ nợ, làm giảm tính chủ động, tăng sức ép cho doanh nghiệp. Thay vào đó có thể chọn các cách huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Để có thể huy động được từ cách này, DN cần phải
đảm bảo tính chính xác, minh bạch và trung thực của các báo cáo tài chính, thông tin được công bố ra thị trường.
Bên cạnh đó, các DN cần có chiến lược sử dụng nợ dài hạn để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh để tận dụng được lợi thế từ tấm lá chắn thuế của nợ vay và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra DN phải có phương án sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, xác định xem nên đầu tư vào đâu và bao nhiêu là hợp lý. Chẳng hạn như đối với DN trong lĩnh vực khách sạn, cần dự báo số khách có thể tới khách sạn trong khoảng hai tháng tới từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiêu cho các vật dụng cần thiết phục vụ khách hàng, tránh lãng phí nguồn vốn.
- Đầu tư có hiệu quả vào tài sản cố định
DN cần nắm rõ tình hình tài chính của DN, chỉ đầu tư vào những tài sản cần thiết,
cơ cấu tài sản cố định phù hợp với đặc điểm của DN và lĩnh vực hoạt động. TSCĐ nên được sử dụng ngay khi mua về để tránh việc bị hao mòn, nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản. Đồng thời lựa chọn phương pháp khấu hao cho phù hợp và lập kế hoạch khấu hao tài sản cố định, từ đó có thể đánh giá được tốc độ thu hồi vốn. DN cũng nên thường xuyên sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ để duy trì hoạt động của TSCĐ.
Ngoài ra, chú trọng cải tiến trang thiết bị và đối với những TSCĐ không sử dụng được nên thanh lý để thu hồi vốn.
Nhà quản trị cần hiểu rõ nguyên tắc và vai trò của quản trị để từ đó có cơ sở nâng
cao năng lực quản trị. Các nhà quản trị phải đánh giá, cân nhắc kỹ mức độ rủi ro và lợi nhuận để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhằm đạt được mục tiêu hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời phải đảm bảo đủ vốn và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Chủ động đưa ra các biện pháp kịp thời khi có biến động của thị trường bằng cách
lập kế hoạch tài chính. Tiến hành phân tích tài chính định kỳ và giám sát các hoạt động kinh doanh của DN để thấy mức độ phù hợp so với kế hoạch.
- Kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm các khoản chi phí
Các DN trong ngành Du lịch thường có chi phí kinh doanh rất đa dạng và chiếm tỷ trọng khá lớn. Trước khi cắt giảm chi phí, cần đánh giá, đo lường chi phí phát sinh của DN. Từ đó xác định chi phí cần thiết chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả của DN và những khoản không cần thiết, hay nói cách khác, những khoản không làm tăng giá trị cho DN.
Ngoài ra, DN nên tìm kiếm những nhà cung cấp tốt nhất, có độ tin cậy cao, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, đầu tư và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý để tiết kiệm được thời gian và giảm bớt chi phí nhân sự, chi phí quản lý.
- Nâng cao trình độ lao động
Con người là một trong những nhân tố quan trọng quyết định HQKD của DN. Đội ngũ lao động của các DN đòi hỏi phải có phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp. Do vậy DN cần có các chính sách ưu đãi riêng, phúc lợi hấp dẫn để có thể thu hút và tuyển dụng được các nhân tài về cho DN của mình. Bên cạnh đó, cần đầu tư và tổ chức các buổi đào tạo nội bộ để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự của mình.
Ngoài ra, DN nên có những chính sách khen thưởng cho nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để tạo động lực thúc đẩy họ làm việc, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.
- Chính sách marketing phù hợp
Mục tiêu của chiến lược marketing chính là thu hút được nhiều khách hàng, để cuối cùng gia tăng lợi nhuận cho DN. Trước hết, DN cần nghiên cứu thị trường, xác định
rõ phân khúc khách hàng và nhu cầu của họ. Xây dựng chiến lược truyền thông với một thông điệp rõ ràng, tinh tế, đồng thời làm nổi bật những ưu điểm của sản phẩm du lịch để tạo ấn tượng tích cực trong tâm trí người tiêu dùng.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch
Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng, khuyến khích họ tiếp tục sử dụng sản phẩm của DN. DN cần theo dõi, tiếp nhận những phản hồi, đánh giá của khách hàng, trên cơ sở đó thay đổi, khắc phục những thiếu
xót còn tồn đọng trong DN. Phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo, mới lạ tạo ra sự khác biệt để có thể tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đem tới cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn.