2. Mục tiêu nghiên cứu
1.3.1. Cây Sậy (Phragmites australis)
Cây Sậy (Phragmites australis), là một loài cây lớn thuộc họ Hòa thảo (Poaceae) phân bố ở những vùng đất lầy ở cả khu vực nhiệt đới và ôn đới.
Sậy hay tạo thành các bãi dày đặc, có thể tới 100 hecta hoặc lớn hơn. Sậy là cây sống lâu năm, rễ bò dài và rất khỏe. Thân thẳng đứng, cao khoảng 2 - 4 m, mảnh khảnh (đường kính chỉ khoảng 1,5 - 2 cm), rỗng ở giữa. Lá dài 30 - 40 cm, rộng 1 - 3,5 cm, hình dải hay hình mũi mác, có mỏ nhọn kéo dài, phẳng, nhẵn, mép lá ráp. Cụm hoa hình chùy, thường có màu tím hay xám nhạt, hơi rũ
cong, dài 15 - 45 cm. Cuống chung thường có lông mềm, dày đặc ở gốc, nhánh rất mảnh. Bông nhỏ mang 3 - 6 hoa, mày xòe ra khi chín, rất nhọn [16].
Hình 1.1. Cây sậy (Phragmites australis)
Sậy có hệ rễ rất phát triển, mọc cắm sâu vào lớp bùn đất tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật xung quanh phát triển mạnh, có thể phân hủy chất hữu cơ và hấp thụ kim loại nặng trong nước thải. Ước tính, vi khuẩn trong đất quanh rễ loại cây này nhiều như lượng vi khuẩn trong các bể hiếu khí kỹ thuật, nhưng phong phú hơn về chủng loại 10 - 100 lần.
Khi các điều kiện sinh trưởng thích hợp, Sậy có thể tăng chiều cao tới 2 - 3 m hoặc hơn bằng các thân cây mọc thêm theo chiều đứng, và mọc ra các rễ ở những khoảng đều đặn, thân to 1 - 1,5 cm, lá có phiến rộng 1,5 - 2,5 cm, dài từ 20 - 30 cm. Ngoài ra, không như các loài cây khác tiếp nhận ôxy không khí qua khe hở trong đất và rễ, Sậy có cơ cấu chuyển ôxy ở bên trong, từ ngọn cho tới tận rễ. Quá trình này cũng diễn ra cả trong giai đoạn tạm ngừng sinh trưởng của cây. Nhờ vậy, rễ và cả thân cây Sậy có thể tồn tại trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Ôxy do rễ Sậy thải vào đất, cát được vi sinh vật sử dụng trong quá trình phân hủy hóa học.
Sậy có thích ứng với pH rộng, và rất phù hợp với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và có nhiều khu vực đất ngập nước bỏ hoang của Việt Nam. Nhiệt độ, độ mặn và mực nước ảnh hưởng đến sự nảy mầm. Độ sâu của nước hơn 5 cm và độ mặn trên 20 ppt (2%) ngăn ngừa sự nảy mầm. Quá trình nảy mầm không bị ảnh hưởng bởi độ mặn dưới 10 ppt (1%) nhưng giảm ở độ mặn cao hơn. Tỷ lệ nảy mầm tăng khi nhiệt độ tăng từ 16 đến 25oC và thời gian cần thiết để nảy mầm giảm từ 25 đến 10 ngày trong cùng một phạm vi nhiệt độ.
Sậy có thể mọc trên nhiều môi trường ô nhiễm nước khác nhau và có khả năng phục hồi nhanh chóng. Sậy có khả năng mọc lan rộng tự nhiên với tốc độ nhanh chóng. Sậy có thể tự tái sinh bằng rễ và thân. Thân và rễ của Sậy có thể sống được từ 3 - 6 năm và chồi mọc thẳng đứng ở gốc vào cuối mùa hè mỗi năm.
Cây Sậy không chỉ có tác dụng trong xử lý nước thải mà còn được sử dụng để làm thuốc. Người ta dùng rễ cây sậy phơi khô, sắc thuốc uống để chữa bệnh dạ dày, viêm phế quản mạn tính, cảm nóng, phát ban, đau buốt bàng quang, viêm thận cấp tính, viêm tai giữa, thanh nhiệt giải độc cơ thể. Lá sậy được dùng trị thổ huyết, chống nôn, lợi tiểu, chữa đầy bụng khó tiêu, cảm nắng…