Giải pháp nâng cao năng lực cho các hộ nuôi cá lồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi cá lồng của các hộ gia đình ở địa phương tại tổ 5 phường na lay thị xã mường lay, tỉnh điện biên​ (Trang 70 - 71)

PHẦN 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.6. Định hướng và các giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn thị xã

4.6.4. Giải pháp nâng cao năng lực cho các hộ nuôi cá lồng

Việc nâng cao dân trí, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho người nuôi cá lồng là hết sức cần thiết, nhất là trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Việc đưa giống mới, các quy trình công nghệ mới đòi hòi người nuôi phải có sự am hiểu nhất định về kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình công nghệ. Giống càng cao cấp thì yêu cầu kỹ thuật đòi hòi càng chặt chẽ, khắt khe. Các hộ nếu biết áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào trong thực tiễn sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy sản xuất trên địa bàn huyện. Do đó, các hộ phải hết sức quan tâm đến việc áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất của gia đình mình. Việc áp dụng kỹ thuật phù hợp sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất. Mặt khác, dưới góc độ của tổ chức quản lý sản xuất nông hộ thì mục tiêu sản xuất kinh doanh của nông hộ là thu nhập cao so với công sức, tiền vốn mà họ bỏ ra. Do vậy, các nông hộ phải biết tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất đến tổ chức quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao trình độ cho người nuôi cá lồng trên địa bàn huyện, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội cần giúp các hộ trong việc chuyển

giao khoa học kỹ thuật để phổ biến kiến thức, giải đáp những khó khăn, thắc mắc của các hộ nuôi, phổ biến các quy trình công nghệ mới. Tuy nhiên, cần lưu ý trong công tác tập huấn tuyên truyền theo hướng “cầm tay chỉ việc” hay tạo các mô hình điểm thành công để người dân dễ dàng tiếp thu kiến thức. Tăng cường tổ chức các cuộc hội nghị, toạ đàm giữa những người nuôi cá lồng, tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Đây là một hình thức nâng cao trình độ cho người nuôi rất hiệu quả giúp người dân tiếp cận nhanh các kiến thức khoa học kỹ thuật và các kinh nghiệm sản xuất quý báu trong nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, khuyến khích các hộ nuôi các thành lập các tổ, nhóm, HTX sản xuất theo vị trí địa lý. Đây là phương thức có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua các hiệp hội nghề nghiệp tự nguyện này người nuôi cá lồng có thể hỗ trợ, giúp nhau về kiến thức, kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Để làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ ngành thuỷ sản có trình độ cao, có khả năng truyền đạt và có tâm huyết với nghề. Trong những năm qua, TX Mường Lay thiếu hẳn đội ngũ cán bộ chỉ đạo về kỹ thuật chuyên ngành thuỷ sản. Phòng Nông nghiệp không có cán bộ chuyên ngành thuỷ sản, hệ thống Trạm Khuyến nông chỉ có một số cán bộ tốt nghiệp đại học ngành nuôi thuỷ sản. Đây là tình trạng chung của nhiều huyện tại tỉnh Điện Biên. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi cá lồng, địa phương cần tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để giúp cơ sở chỉ đạo kỹ thuật, tiến tới có thể thành lập hệ thống mạng lưới dịch vụ tư vấn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi cá lồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi cá lồng của các hộ gia đình ở địa phương tại tổ 5 phường na lay thị xã mường lay, tỉnh điện biên​ (Trang 70 - 71)