1.3.1. Khái niệm văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo
1.3.1.1. Khái niệm cán bộ
Từ khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ra đời (22/3/1955), trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng NDCM Lào đã khẳng định rõ: “Cán bộ là tiền vốn quý giá của Đảng,
của nhân dân. Là người quyết định sự thành công hay thất bại trong công việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước” [31, tr.25].
Cán bộ là công dân của Lào, làm việc bởi được lựa chọn hay được bầu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận xây dựng đất nước và các Tổ chức chính trị xã hội cấp trung ương và địa phương. Là những người đảm nhiệm các chức vụ nhất định và được hưởng lương theo quy định của nhà nước [32, tr.1].
1.3.1.2. Khái niệm cán bộ lãnh đạo
“Lãnh đạo là khả năng giành được sự tin tưởng và ủng hộ từ những người cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu của tổ chức”; hay ở góc độ khác, lãnh đạo được hiểu là “nghệ thuật gây ảnh hưởng đến người khác
thông qua biện pháp thuyết phục hoặc làm gương để tuân thủ cùng một chuỗi mô hình hành động” [20, tr.20].
Cán bộ lãnh đạo là cán bộ của nhà nước có chức vụ hành chính, có vai trò nghiên cứu, định hướng và thực thi chính sách, chiến lược, thực hiện luật pháp trong thực tiễn để đạt hiệu quả [32, tr.2].
1.3.1.3. Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo
Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, đồng thời cũng là một tế bào - thể chế thu nhỏ của quốc gia. Văn hóa chính trị của mỗi quốc gia đều xuất phát từ văn hóa chính trị của mỗi cá nhân, phụ thuộc rất lớn vào niềm tin, hành vi chính trị của cá nhân.
Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo (cá nhân các nhà chính trị, đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước) có thể được hiểu là hệ thống các niềm tin về quyền lực, quyền và thẩm quyền - những yếu tố gắn với thiết chế nhà nước và được hình thành trong thực tiễn chính trị, là những định hướng chính trị, thái độ chính trị của cán bộ lãnh đạo đối với hệ thống chính trị cũng như đối với vai trò của bản thân cán bộ lãnh đạo trong việc lãnh đạo, quản lý và xử lý các công việc trong thực tiễn.
Trung tâm của văn hóa chính trị là vấn đề định hướng, đó là các định hướng về nhận thức, tình cảm và sự đánh giá. Cụ thể như các định hướng về cấu trúc bộ máy nhà nước; định hướng về nhận thức, hiểu biết hệ thống chính trị, những người trong bộ máy cầm quyền, vai trò của truyền thông; định hướng về niềm tin, sự tin tưởng về luật lệ trong hoạt động chính trị; định hướng về hoạt động chính trị của cán bộ lãnh đạo như thái độ, ý thức, cách thức ứng xử trong hoạt động chính trị.
1.3.2. Nội dung văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo
1.3.2.1. Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo thể hiện trong tri thức chính trị
Tri thức chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của tri thức xã hội nói chung. Nếu tri thức của xã hội loài người nói chung là sự hiểu biết của
con người về thế giới tự nhiên, xã hội, thì tri thức chính trị là toàn bộ sự hiểu biết có hệ thống của con người về đời sống chính trị.
Tri thức chính trị bao giờ cũng gắn liền với nhận thức của chủ thể chính trị là đảng phái hay giai cấp. Tri thức chính trị bao giờ cũng hướng tới bảo vệ lợi ích đảng phái hay giai cấp nhất định. Tri thức chính trị chính là quá trình nhận thức, hiểu biết bản chất của sự vật, hiện tượng khách quan trong đời sống chính trị được thể hiện thông qua trình độ học vấn về lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn chính trị.
Tri thức chính trị bao gồm học vấn về chính trị và kinh nghiệm về chính trị. Học vấn chính trị là hệ thống kiến thức về các quan điểm chính trị, hệ tư tưởng chính trị, lý thuyết xây dựng các thể chế, khoa học và thuật thực thi chính trị, các lý thuyết về công nghệ chính trị của con người. Kinh nghiệm chính trị được đúc rút từ thực tiễn hoạt động chính trị. Kinh nghiệm chính trị và học vấn chính trị hoà quyện vào nhau tạo thành sức mạnh chính trị, định hướng quan hệ của chủ thể trong hệ thống chính trị.
Tri thức chính trị là sự thống nhất hữu cơ giữa tri thức khoa học cơ bản và tri thức kinh nghiệm chính trị. Tri thức khoa học cơ bản càng đạt tới tính khách quan bao nhiêu, càng có vai trò to lớn là cơ sở lý luận, mở đường cho những hoạt động chính trị bấy nhiêu. Tri thức kinh nghiệm là sự hiểu biết, sự khôn ngoan và sự từng trải được tích luỹ qua thực tiễn chính trị sẽ góp phần làm sáng tỏ tri thức lý luận, khắc phục những hành động chủ quan, duy ý chí của các chủ thể chính trị. Trong hai nhân tố biểu hiện của tri thức chính trị, nếu xét trong tính bản chất và tính khuynh hướng thì trình độ học vấn về chính trị có vị trí chi phối. Nó có vai trò khái quát kinh nghiệm chính trị để nâng lên tầm của cái phổ biến. Nó vạch ra được nhân tố mang tính bản chất và quy luật ẩn giấu đằng sau những tri thức kinh nghiệm chính trị đã được tích luỹ.
1.3.2.2. Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo thể hiện trong truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức
Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo được hiểu là các hoạt động ít sử dụng tới công cụ quyền lực. Đây được hiểu là các hoạt động mang tính định hướng, thuyết phục, tức hoạt động gắn với việc sử dụng quyền lực “mềm” thông qua việc nghe, nhìn, cảm giác để xác định “tầm nhìn” nhằm xây dựng các đường lối, chiến lược, chính sách quốc gia; thông qua việc nói, truyền đạt để thuyết phục thực hiện các đường lối, chiến lược, chính sách đó.
Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo phụ thuộc rất lớn vào hiến pháp, pháp luật cùng với thể chế văn hóa của các cán bộ nhờ vậy họ thực hiện vai trò lãnh đạo có tầm nhìn, sáng suốt, có năng lực xây dựng pháp luật, chính sách là cơ sở quan trọng để hoạt động lãnh đạo có văn hóa chính trị.
1.3.2.3. Văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo thể hiện trong hành vi và năng lực ứng xử với cấp dưới và với nhân dân
Trong văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo một yêu cầu hết sức quan trọng đó là các cán bộ cần phải luôn gần gũi với nhân dân, gắn bó với đội ngũ cán bộ, công chức trong tổ chức, đơn vị. Bởi cán bộ lãnh đạo thực hiện chức năng lãnh đạo có nghĩa là họ phải có trách nhiệm “giúp đỡ những tầng lớp nhân dân”, “làm đầy tớ nhân dân”, tức là phục vụ, gần gũi nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền, từ đó mà có được sự tín nhiệm, trở thành tấm gương đối với nhân dân, với cán bộ công chức, được nhân dân, cán bộ, công chức mến phục, noi theo, đồng thời phấn đấu thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Chỉ khi đó, cán bộ lãnh đạo của các cơ quan nhà nước mới làm tròn trách nhiệm chính trị là thay mặt những đảng viên ưu tú của Đảng cầm quyền, thực hiện đúng chức năng lãnh đạo của mình khi thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý trong bộ máy nhà nước cũng như có được phẩm chất trong văn hóa chính trị của mình.
Tiểu kết chương 1:
Trong chương 1 tác giả đã làm rõ được những vấn đề lý luận chung về văn hóa chính trị. Trong đó tác giả đã phân tích khái niệm văn hóa chính trị từ cách tiếp cận làm rõ các khái niệm có liên quan như khái niệm văn hóa, khái
niệm chính trị và mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị. Đồng thời, tác giả cũng đã phân tích cấu trúc, đặc điểm và chức năng của văn hóa chính trị để có thể hiểu rõ được các nội dung quan trọng nhất của văn hóa chính trị. Những vấn đề lý luận mà tác giả đã làm rõ ở trong chương 1 này sẽ là cơ sở quan trọng giúp tác giả phân tích thực trạng văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo của tỉnh Xiêng Khoảng trong chương 2 của khóa luận.
Chương 2
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ