EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu tiến gần hơn với thị trường EU. EU là thị trường tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung nhiều vào các thị trường lớn. Để tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định này mang lại, trước hết các doanh nghiệp phải mở rộng mục tiêu xuất khẩu ra tất cả nước thành viên của EU, đa dạng hóa thị trường, tránh việc phụ thuộc, tập trung quá nhiều vào các thị trường truyền thống. Việc mở rộng thị trường đồng nghĩa với nhu cầu về hàng hóa cũng tăng lên, việc nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu của từng thị trường là yếu tố quan trọng. Qua đó, các doanh nghiệp cũng cần phải không ngừng cải tiến sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã, đa dạng hóa các mặt loại mặt hàng xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm thích ứng với các thị trường khác nhau. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác lợi thế của nhau, hợp tác cùng phát triển.
Hoạt động tiếp thị xuất khẩu giúp các doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài dễ dàng hơn, do vậy, các doanh nghiệp cũng nên chú trọng thay đổi phương thức tiếp thị, thường xuyên đưa ra các phương thức mới phù hợp với nhiều thị trường, gia tăng lượng hàng xuất khẩu. Việc tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong mắt bạn hàng quốc tế cũng rất quan trọng, vì vậy, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng cũng phải đảm bảo không gây hại cho môi trường. Như vậy mới có thể lấy được lòng tin của người tiêu dùng, giúp hàng hóa Việt Nam tạo dựng được vị thế trên thị trường EU.
Đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ đang là thách thức với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đòi
hỏi các doanh nghiệp phải tìm ra hướng giải quyết. Các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu ổn định với giá thành rẻ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng từ trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại với EU.
Chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép,... nhằm giải quyết khó khăn về đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong nước để phát triển các trung tâm cung ứng nguồn nguyên phụ liệu, hỗ trợ phát triển máy móc thiết bị sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch hợp lý nhằm định hướng, quản lý sự phát triển của các vùng công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần khuyến khích thành lập các trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chủ động được nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất.
Nhà nước nên khuyến khích tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này cần đẩy mạnh sản xuất cả về chất và lượng để đảm bảo lượng hàng hóa xuất khẩu cho thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường, nắm được những đặc điểm của từng thị trường, những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu để kịp thời thay đổi sản phẩm nhằm thích ứng với thị trường.
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với Chính phủ, chủ động trong việc tiếp cận thị trường và hoạt động hiệu quả dưới sự điều phối chính sách vĩ mô của Nhà nước Việt Nam.