Thứ nhất, khái niệm về nợ công cần được cập nhật để đi theo xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nợ công và NSNN cần được hạch toán theo chuẩn mực quốc tế. Đối với nợ khu vực DNNN cũng cần được phân tích và báo cáo đầy đủ. Bởi vì nợ từ DNNN có thể tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng trở thành chướng ngại của an toàn nợ công.
Thứ hai, kỷ cương và kỷ luật tài khóa phải được Chính phủ thắt chặt một cách nghiêm minh. Các khoản chi lấy từ ngân sách nhà nước của các bộ ngành và chính quyền địa phương chỉ được phép với giới hạn đã dự toán ban đầu và phải hợp lý. Liên quan đến những dự toán thay đổi lớn cần có sự phê duyệt thông qua bổ sung dự toán ngân sách được các cơ quan lập pháp theo các cấp phê duyệt. Những trường hợp chi vượt dự toán không hợp lý đều không chấp nhận, nếu như xảy ra tình trạng vượt chi thì người đứng đầu của đơn vị được cấp ngân sách sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thứ ba, thu chi NSNN nhà nước theo đúng dự toán đề ra đầu năm để có thể thu hẹp được mức độ thâm hụt ngân sách, tăng thu được phần nào thì dùng để giảm bội chi. Cũng cần phải giảm đi lượng vay nợ chứ không để xảy ra tình trạng vay thêm nợ mới cộng với tăng chi tiêu ngoài dự toán và giữ nguyên mức bội chi. Nếu có thể tuần thủ được nguyên tắc thì thì thâm hụt NSNN sẽ giảm được đáng kể, góp phần giảm áp lực việc gia tăng nợ công trong tương lai.
Thứ tư, tình trạng vốn đầu tư bị đội lên trong các dự án đầu tư công, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu như có tình trạng vượt số vốn đầu tư được dự toán ban đầu thì chủ đầu tư cần phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả hoặc phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả tài chính của dự án mà chủ đầu tư được giao cho quản lý. Hành vi đội vốn đầu tư cần phải được xem xét như hành vi làm thất thoát nguồn ngân sách của nhà nước, pháp luật phải vào cuộc và xử lý.
Thứ năm, đối với các bộ ngành và đơn vị sử dụng ngân sách phải định kỳ công khai tình hình sử dụng thu chi ngân sách một cách đầy đủ trên trang thông tin điện tử để người dân có thể truy cập. Neu như không công bố các thông tin này một cách kịp thời và minh bạch thì đơn vị sử dụng ngân sách bắt buộc phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề thất thoát lớn. Nếu như người dân cảm thấy có vấn đề trong việc sử dụng ngân sách ví dụ như sử dụng không hiệu quả và lãng phí thì có thể kiến nghị cơ quan sử dụng ngân sách cung cấp thông tin và giải trình lý do.
Thứ sáu, trạng thái cân bằng của cán cân ngân sách cơ bản cần được duy trì để có thể đạt mức thặng dư tối thiểu bằng với mức tài trợ nợ, giúp nợ công không tăng thêm. Khi tăng trưởng kinh tế được Chính phủ thúc đẩy ở mức tốt, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ không tăng cao nữa và nợ công sẽ bền vững.
Thứ bảy, Chính phủ cũng phải tiếp tục cải thiện trong nguồn thu của ngân sách nhà nước, tìm những giải pháp để chống thất thu cho NSNN, thuế bị nợ đọng hay các hành vi liên quan đến gian lận thương mại, trốn thuế và buôn lậu.
Thứ tám, công tác lập dự toán ngân sách cần phải đầu tư hơn nữa. Theo đó thì để hình thành nên các con số để lập được dự toán ngân sách phải được xác định và trình bày có căn cứ chính xác hơn chứ không phải ước đoán khái quát như hiện nay. Việc thực thi ngân sách cũng sẽ không đạt được hiệu quả tốt nếu như dự toán được lập sơ sài, dẫn đến việc mất kỷ cương tài khóa. Việc giám sát quyết toán ngân sách cũng sẽ có thêm nhiều lỗ hổng và khó kiểm soát hơn.
Thứ chín, công cụ quản lý dành cho nợ công cần được hoàn thiện hơn. Các chương trình quản lý nợ trung hạn trong 5 năm cần được xây dựng và thực thi gắn kết với kế hoạch dành cho phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm của đất nước.
Thứ mười, luôn nỗ lực để để mức tăng trưởng kinh tế bình quân trong các năm tiếp theo ở trên mức 6.5%, giữ cho lạm phát ổn định dưới mức 5% và lãi suất không vượt quá mức 7%. Đồng thời mức thâm hụt ngân sách được duy trì đi theo lộ trình trong Chiến lược quản lý nợ công sẽ giúp cho nợ công của Việt Nam được giữ ở mức ổn định và an toàn.
Thứ mười một, việc tái cơ cấu nền kinh tế cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để có thể giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh và bền vững theo hướng phát triển dành cho khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp trong nước, thu hút các loại vốn đầu tư từ nước ngoài, môi trường cạnh tranh bình đẳng cũng cần được xây dựng để có thể giảm những rào cản trong việc kinh doanh. Bên cạnh đó thì tập trung cả tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, khu vực công và tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Ngoài ra thì tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính, đặc biệt là tái cơ cấu các TCTD và thị trường chứng khoản để có thể đạt được tăng trưởng cao cho thị trường vốn trong nước. Để đẩy mạnh thêm việc hội nhập kinh tế quốc tế cần phải chú tâm hơn đến hiện đại hóa cơ cấu ngành và vùng kinh tế để nâng cao năng suất lao động cũng như đạt được chất lượng, hiệu quả cao.
Thứ mười hai, để có được hiệu quả trong điều hành kinh tế, cần quản lý nợ và phối hợp hài hòa giữa CSTT, CSTK. Các chính sách được đưa ra nhằm đảm bảo có thể đạt được các mục tiêu an toàn nợ, tăng cường cho việc quản trị rủi ro, phân loại nợ cũng như trích lập dự phòng rủi ro nợ công trong trung hạn. Ngoài ra để đề phòng trường hợp rủi ro nợ công xảy ra, cần phải nghiên cứu và xây dựng thêm các phương án phản ứng nhằm đáp ứng mọi tình huống.