Thứ nhất, đối với việc vay và trả nợ cần điều hành hướng tới nợ nước ngoài ở mức bền vững. Nợ nước ngoài không vượt quá mức 50% GDP theo mức trần của Quốc hội nhằm tránh các rủi ro liên quan đến tỷ giá và lãi suất khiến việc chi trả nợ nước ngoài thêm áp lực. Ngoài ra cũng cần kiểm soát được mức gia tăng nợ công chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng GDP để có thể đảm bảo được nợ công ở vùng an toàn trong trung và dài hạn.
Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc vay các loại nợ mới ngay từ lúc phê duyệt chủ trương để hạn chế việc nợ công tăng cao. Vốn vay ODA hay các loại vốn vay ưu đãi khác chỉ nên giới hạn trong kế hoạch công trung hạn. Việc thực hiện vay chỉ làm sau khi đã đánh giá được đầy đủ các tác động đối với quy mô tổng nợ công cũng như khả năng trả được nợ vay trong trung - dài hạn.
Thứ ba, cần cân đối được nguồn ngân sách đầy đủ để có thể trả nợ đúng hạn nợ gốc, các khoản lãi, vay đảo nợ cần được hạn chế và giảm dần, tiết kiệm các loại chi không cần thiết để chi trả nợ nhằm giảm dư nợ công. Ngoài ra cũng cần kiểm soát chặt chẽ trong việc trả nợ công của chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn thu ổn định.
Thứ tư, các khoản nợ bảo lãnh Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn những doanh nghiệp hoặc dự án không nhất thiết cần bảo lãnh ví dụ như các dự án đầu tư khó thất bại trên thị trường thì không có cơ sở để Chính phủ can thiệp bảo lãnh. Hiệu quả của các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh cần được người có thẩm quyền cấp bảo lãnh chịu trách nhiệm.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý nợ công cho các cán bộ viên chức thông qua các hình thức đào tạo mới, được cập nhật những xu hướng mới của nền kinh tế hội nhập thế giới. Do thế giới luôn vận động không ngừng cho nên việc đào tạo hay bổ sung các kiến thức để nâng cao trình độ là điều kiện tất yếu để có thể đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết đặt ra đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Do vậy mà các hội thảo, tọa đàm liên quan đến nợ công, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ càng cần được tăng cường đồng bộ để có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế ví dụ như các kỹ năng quản lý hành chính, phân tích số liệu nợ, hiểu biết pháp luật, công nghệ tin học, sử dụng các ngôn ngữ phổ biến một cách thành thạo... để có thể giúp cho các cán bộ càng thêm yêu nghề, quản lý nợ một cách hiệu quả, không xảy ra những tiêu cực trong việc thực thi công vụ. Ngoài ra thì cán bộ cũng cần được tạo điều kiện để có thể đi khảo sát, học hỏi để tiếp thu được các kinh nghiệm đến từ các nước đã đạt được những thành công nhất định trong công tác quản lý nợ công.