0
Tải bản đầy đủ (.doc) (101 trang)

Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của Tràn dịch màng phổi dịch ít

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ CỦA KỸ THUẬT SINH THIẾT MÀNG PHỔI BẰNG KIM CASTELAIN TRONG TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI DỊCH ÍT TẠI KHOA HÔ HẤP BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 62 -66 )

1. LN vồng 2 LN xẹp 3 LN bình thường

4.2. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của Tràn dịch màng phổi dịch ít

4.2.1. Lâm sàng* Diễn biến của bệnh * Diễn biến của bệnh

Kết quả nghiên cứu cho thấy TDMP có biểu hiện cấp tính khiến cho bệnh nhân phải đi khám bệnh trong 10 ngày đầu chiếm 34,4 %, nhóm này chủ yếu là bệnh nhân TDMP do lao và do viêm;

Tỷ lệ bệnh nhân đến khám trong vòng 1 tháng là 81,3% và trên 1 tháng 1à 18,7%. Thời gian mắc bệnh trung bình tính từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi đi khám là 24 ± 21,7 (ngày), độ lệch chuẩn lớn, chứng tỏ thời gian từ

lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi bệnh nhân đi khám rất tản mạn, không tập trung.

Theo y văn, mặc dù bệnh lao thường được coi là một bệnh mãn tính nhưng TDMP do lao cũng có thể thể hiện như là một bệnh cấp tính. Trong nghiên cứu của RW. Light (2002) cho thấy có 25/71 bệnh nhân (35%) diễn biến bệnh ít hơn 1 tuần và 50/71 bệnh nhân (70%) đã xuất hiện triệu chứng dưới 1 tháng [71].

* Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng của một bệnh nhân có tràn dịch màng phổi chủ yếu quyết định bởi quá trình cơ bản gây ra tràn dịch.

Đối với bệnh nhân TDMP dịch ít triệu chứng cơ năng hay gặp đó là: Đau ngực với 84,6%; 78,1% có ho; 65,6% có khó thở, trong đó ho chủ yếu là ho khan (19/25 trường hợp).

- Triệu chứng đau ngực gặp nhiều nhất trong nhóm nghiên cứu, vị trí đau tương ứng với bên có tràn dịch, có thể vì trong giai đoạn sớm của TDMP thường là viêm phổi màng phổi khô và có hiện tượng kích thích màng phổi gây ra cảm giác đau.

Theo Crapo và CS, thông thường các vị trí đau ngực tương đối trùng vị trí tổn thương của màng phổi tương ứng, bởi vì các màng phổi được chi phối chủ yếu là do các dây thần kinh liên sườn [42].

- Tỷ lệ gặp triệu chứng khó thở trong nghiên cứu của chúng tôi không cao như các nghiên cứu khác, của Trịnh Thị Hương (2003) là 78,2%; của Trương Huy Hưng (2004) nghiên cứu TDMP do lao tỷ lệ gặp triệu chứng khó thở cao hơn (82,2%) [12],[13].

Tình trạng khó thở có liên quan đến mức độ dịch trong khoang màng phổi, vì vậy có thể giải thích cho sự khác biệt đó là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là bệnh nhân TDMP dịch ít, tuy nhiên khó thở còn có thể là do bệnh nhân sợ đau mà không dám thở mạnh [23].

- Triệu chứng ho: ở các bệnh nhân TDMP thì ho liên quan đến sự tích lũy dịch và hiện tượng kích thích màng phổi.

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ xuất hiện triệu chứng ho là 78,1% trong đó chủ yếu là ho khan (59,4%), chỉ có 18,7% là ho có đờm. Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc (2009) nghiên cứu trên đối tượng TDMP do lao tỷ lệ gặp triệu chứng ho 81,2% [17].

Theo Richard W. Light, hầu hết các bệnh nhân đều có ho (hơn 70%), thường là không đờm. Nếu có cả ho và đau ngực kiểu viêm màng phổi thì đau ngực thường xuất hiện trước [69].

Nói chung các triệu chứng cơ năng của TDMP dịch ít cũng là những triệu chứng kinh điển được y văn mô tả có giá trị gợi ý đến bệnh lý của phổi, có liên quan đến sự tích lũy dịch trong khoang màng phổi và kích thích màng phổi do TDMP. Tùy theo tính chất diễn biến bệnh của bệnh, cấp tính hay từ từ mà tỷ lệ gặp các triệu chứng cơ năng có thể khác nhau.

* Triệu chứng toàn thân

Trong nguyên nhân TDMP do lao và ung thư đều gặp các triệu chứng: gầy sút, sốt, và đau ngực, khó thở nhưng tuỳ theo nguyên nhân mà có tỷ lệ khác nhau.

- Triệu chứng mệt mỏi gầy sút trong TDMP do ung thư gặp nhiều hơn trong TDMP do lao (66,7% với 23,8%). Các bệnh nhân TDMP do ung thư vì thời gian diễn biến bệnh kéo dài, ăn uống kém, hơn nữa bệnh ngày càng phát triển không thuyên giảm nên suy kiệt và gầy sút nhanh chóng.

- Trong TDMP do lao: triệu chứng sốt gặp 52,4% trường hợp, trong đó sốt nhẹ từ 37,5 - 38oC chiếm chủ yếu tới 38,1%; sốt trên 38oC là 14,3%. Cũng có đến 37,5% các trường hợp TDMP do viêm có sốt nhẹ. Nhận xét này của chúng tôi phù hợp với tác giả Trịnh Thị Hương (2003) cũng chỉ gặp 50,4% có sốt. Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc (2009) thì tỷ lệ sốt cao hơn của chúng tôi (92%) và trong đó tỷ lệ sốt nhẹ là 53%. Có sự khác biệt này có lẽ là do tác giả nghiên cứu trên đối tượng TDMP do lao [13],[17].

- Không có bệnh nhân TDMP do ung thư nào sốt, có thể do diễn biến bệnh kéo dài và bệnh nhân đã điều trị ở tuyến trước.

- Có 5/32 trường hợp có hạch ngoại vi (hạch thượng đòn), trong đó có cả 3 bệnh nhân của nhóm TDMP do ung thư, 1/3 ca chẩn đoán ung thư nhờ sinh thiết hạch.

* Triệu chứng thực thể

Trong TDMP triệu chứng thực thể phát hiện được chủ yếu là hội chứng ba giảm, trong tất cả các nguyên nhân thì khám và phát hiện hội chứng ba giảm cũng đều quan trọng và có ý nghĩa, bởi nó cho phép định hướng chẩn đoán tràn dịch màng phổi về mặt lâm sàng.

Trong bảng kết quả cho thấy khám phát hiện hội chứng ba giảm ở 78,1% các trường hợp TDMP nói chung, trong nhóm do lao gặp 81%, nhóm do viêm là 75% và do ung thư là 66,7%.

Tỷ lệ này của chúng tôi thấp hơn so với một số nghiên cứu: Đặng Hùng Minh (2002) 95,7%; Điều này có thể lý giải được là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là bệnh nhân TDMP dịch ít, chính vì vậy nên việc phát hiện TDMP đôi khi chưa thấy hội chứng 3 giảm khi khám lâm sàng, mà nhờ các phương tiện kỹ thuật sẵn có khác (XQ ngực, SA màng phổi) [19].

Kết quả thăm khám hình dạng lồng ngực thấy chủ yếu là hình dạng lồng ngực bình thường (90,6%); trong nhóm TDMP do viêm tỷ lệ này là 100%, do lao là 95,2%. Có 1 trường hợp lồng ngực vồng thuộc nhóm TDMP do ung thư và 2 trường hợp lồng ngực xẹp. Điều này phù hợp với XQ phổi và siêu âm màng phổi là TDMP dịch ít.

Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Đặng Hùng Minh (2002), nhưng trong nghiên cứu của Nguyễn Huy Điện (2009) và Nguyễn Đình Tiến (2009) có tỷ lệ gặp lồng ngực vồng tương ứng là 28% và 50,2% [8],[19],[26].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ CỦA KỸ THUẬT SINH THIẾT MÀNG PHỔI BẰNG KIM CASTELAIN TRONG TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI DỊCH ÍT TẠI KHOA HÔ HẤP BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 62 -66 )

×