Quan điểm của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp nông

Một phần của tài liệu 5818 (Trang 135 - 138)

nghiệp nông thôn và tích tụ ruộng đất

Kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản (tháng 12-1986) – đại hội của đổi mới đã đánh dấu bước ngoặt phát triển trong đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam. Đại hội đã đề ra ba chương trình kinh tế lớn, nhấn mạnh vị trí của nông nghiệp với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy triệt để vai trò chủ động của hộ nông dân, phấn đấu đưa nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Thực hiện các nghị quyết của Đại hội VI, ngày 05-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về “Đổi mới quản lý nông nghiệp”, trong đó có quan điểm đầu tiên liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất đó là: “Ở các vùng còn nhiều đất đai, mặt nước chưa khai thác, tùy tình hình cụ thể mà Nhà nước có thể cho thuê hoặc giao quyền sử dụng một số ruộng đất, đất rừng, mặt nước cho hộ kinh tế cá thể, tư nhân để họ tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Đối với đất trồng rừng và cây công nghiệp dài ngày, có thể giao quyền sử dụng từ 1 đến 2 chu kỳ kinh doanh. Đối với mặt nước và đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm, thời gian đó có thể từ 15 đến 20 năm. Trong thời gian này, họ được giao quyền thừa kế sử dụng cho con cái, và trong trường hợp chuyển sang làm nghề khác được chính quyền cho phép chuyển nhượng quyền tiếp tục sử dụng cho chủ khác”.

Sau đó, dựa trên kết quả tốt của “Khoán 100” và “Khoán 10”, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VII tiếp tục ra Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Nghị quyết là cơ sở cho việc thông qua Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa IX ngày 14-7-1993. Luật Đất đai năm 1993 thực chất là thể chế hóa chính sách đất đai cho phù hợp với yêu cầu kinh tế - xã hội đặt ra.

Tiếp theo, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa VIII, tháng 12-1997 đã xác định: Thực hiện chính sách ruộng đất phù hợp với sự phát triển nông nghiệp

hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Vừa khuyến khích sử dụng ruộng đất có hiệu quả thông qua tích tụ ở những nơi có điều kiện bằng chính sách hạn điền được quy định cụ thể, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân có đất canh tác, không bị bần cùng hóa và nghiêm cấm hành vi mua bán đất để kiếm lời. Kinh tế trang trại với các hình thức sở hữu khác nhau (Nhà nước, tập thể, tư nhân) được phát triển chủ yếu để trồng cây dài ngày, chăn nuôi đại gia súc ở những nơi có nhiều ruộng đất, khuyến khích khai phá đất hoang vào mục đích này.

Đặc biệt Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 7 (Khóa X) tiếp tục là bước khẳng định quan điểm về tích tụ ruộng đất của Đảng, nghị quyết yêu cầu: Sửa đổi Luật Ðất đai theo hướng tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất; thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết khẳng định: “Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp”.

Mới đây nhất, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao”

Căn cứ vào quan điểm của Đảng, các chính sách về ruộng đất được ban hành, thay đổi, bổ dung, điều chỉnh, nhưng đánh dấu khía cạnh về tích tụ ruộng đất thì phải kể từ luật đất đai năm 1993.

Luật đất đai năm 1993 đã tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Nhà nước đại diện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý đất đai. Nông dân được chia đất sử dụng lâu dài và ổn định, và được trao năm quyền sử dụng bao gồm chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê, thừa kế và thế chấp. Thời hạn sử dụng là 20 năm đối với đất trồng cây ngắn hạn và nuôi trồng thuỷ sản, 50 năm cho đất trồng cây lâu năm. Chủ đất có thể tiếp tục xin gia hạn sử dụng nếu có nhu cầu sau khi thời hạn này kết thúc. Sau khi chia đất thì các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy điều kiện cho việc bắt đầu tích tụ ruộng đất được hình thành. Tuy nhiên, Luật này cũng đặt ra mức hạn điền cho các hộ. Đối với đất trồng cây ngắn hạn, mức hạn điền là 2 ha ở miền Bắc và 3 ha ở miền Nam. Đối với đất trồng cây lâu năm, mức hạn điền là 10 ha ở các xã đồng bằng và 30 ha ở miền trung hoặc miền núi.

Luật Đất đai năm 2003 thay thế luật đất đai năm 1993 được ban hành vào tháng 12 năm 2003, và chính thức có hiệu lực từ tháng 7 năm 2004. Không có thay đổi nhiều về thời hạn sử dụng đất và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Tuy nhiên lần đầu tiên đất được coi là một mặt hàng đặc biệt “Đất được tham gia thị trường bất động sản”; mở rộng quyền cho người sử dụng đất gồm các quyền “chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Luật đất đai năm 2003 đã hình thành cơ chế cho quá trình tích tụ và tập trung đất đai. Tuy nhiên, Luật đất đai năm 2003 vẫn giữ quy định về mức hạn điền và giới hạn thời gian sử dụng đối với từng loại đất. Theo luật này, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho mỗi hộ gia đình và cá nhân không quá 3 ha. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm không quá 10ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 30ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm là không quá 20 năm, trong khi đó cây lâu năm và đất rừng sản xuất cho hộ gia đình là không quá 50 năm.

Nhận thức được vai trò của tích tụ ruộng đất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 11262 năm 2007 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Trong đó quy định, đối với đất hành năm là không quá 6 ha đối với các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, không quá 4 ha đối với các tỉnh thành còn lại; đối với đất trồng cây lâu năm là không quá 20 ha đối với vùng đồng bằng và 50 ha đối với khu vực miền núi.

Luật đất đai 2013 đã có những điểm mới, cho phép hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Dù hạn điền vẫn chỉ là 3 ha, nhưng hạn mức chuyển nhượng đến 10 lần hạn điền là bước đột phá, thể hiện quan điểm và chủ chương khuyến khích tích tụ ruộng đất của đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, thể hiện ở việc gia tăng thời hạn giao đất cũng như tăng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng dường như vẫn còn những hạn chế nào đó khi hạn điền vẫn chưa được thay đổi, vẫn khống chế hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng, phải chăng đó là quan điểm mở dần dần và để hạn chế những xáo trộn quá lớn và những tác động bất lợi từ tích tụ ruộng đất đến đời sống của phần lớn người dân nông thôn với sinh kế phụ thuộc vào đất đai.

Một phần của tài liệu 5818 (Trang 135 - 138)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w