(1) Tích tụ ruộng đất là phù hợp với quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước, với xu thế hội nhập và là xu hướng tất yếu của sản xuất với quy mô lớn, nâng cao năng suất và hiệu quả dựa vào khai thác lợi thế theo quy mô.
(2) Tích tụ ruộng đất phải có những chính sách, giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng. Do đó các giải pháp đối với tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ cần lưu ý đến khía cạnh này.
(3) Không tích tụ ruộng đất bằng mọi giá mà phải quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội mà tích tụ ruộng đất mang lại. Nếu không tiến hành thận trọng,
tích tụ ruộng đất sẽ trở thành bắt bí hộ đói nghèo và có hoàn cảnh khó khăn để mua được đất giá rẻ, hoặc đầu cơ ruộng đất mà không canh tác đẩy giá ruộng đất lên cao gây kho khăn cho người muốn tích tụ để sản xuất thực sự, hay thu hồi ruộng đất lập dự án, rồi phân lô bán nền phục vụ “lợi ích nhóm”.
(4) Chính sách của Nhà nước về tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Nông nghiệp vốn là lĩnh vực các nhà đầu tư còn e ngại, trong khi đó người nông dân xưa nay vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội, chưa kể đến ruộng đất với người nông dân vẫn như là của để dành, do đó tích tụ ruộng đất khó hiệu quả trên cả hai mặt kinh tế và xã hội nếu không có sự can thiệp chính sách của nhà nước mà chỉ để cho thị trường chuyển nhượng, cho thuê tự vận động đưa đến tích tụ ruộng đất.
(5) Phải kết hợp đồng bộ các chính sách về tích tụ ruộng đất nhưng có ưu tiên. Tích tụ ruộng đất là một vấn đề lớn, liên quan đến gần 14,9 triệu hộ gia đình nông thôn/18,43 triệu hộ gia đình trên cả nước (VietnamPlus, 2015), cũng như 2,179 triệu hộ gia đình nông thôn và 13,192 triệu dân số nông thôn Tây Nam Bộ (Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, và thủy sản 2011 và Niên giám thống kê 2013). Vì vậy cần có sự kết hợp đồng bộ các giải pháp mới mong giải quyết được vấn đề toàn diện và hiệu quả. Nhưng đồng thời cũng cần ưu tiên một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn.