Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và các đột phá chiến

Một phần của tài liệu 12062020182658_09. Báo cáo Đề tài (Trang 42 - 44)

II. Hiện đại hóa phát triển kinh tế-xã hội

2.2. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và các đột phá chiến

lược của Việt Nam

2.2.1. Quá trình chuyển đổi định hướng chính sách phát triển

Từ những năm đầu của thời kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, ngay sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội cả nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ cả bối cảnh trong và ngoài nước. Tình hình quốc tế xuất hiện nhiều biến động phức tạp hơn so với dự báo, nhất là ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Ở trong nước, nhiều bất ổn dồn tích từ nhiều năm chưa được giải quyết bộc lộ ngày một gay gắt, đòi hỏi cần phải được giải quyết một cách có hệ thống và cấp bách.

Trước diễn biến đó, Đảng và nhà nước đã chủ động, kịp thời chuyển đổi định hướng chính sách phát triển. Đầu tiên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/02/2011) chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” - sự chuyển hướng được xem là nhạy bén, kịp thời, bám sát thực tiễn và được chỉ đạo quyết liệt. Quan điểm đó được khẳng định tại Kết luận số 02-KL/TW (ngày 16/3/2011) của Bộ Chính trị, theo đó “tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Kết luận số 10-KL/TW (ngày 18/10/2011) tiếp tục khẳng định “trong năm 2012 và những năm tiếp theo… ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn”; đồng thời, Kết luận này cũng xác định 03 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế của giai đoạn tới 2015.

Ngày 19/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trương theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu tổng quát là “đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để cụ thể hóa các chủ trương trên, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp, nổi bật là điều chỉnh một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mục tiêu tăng trưởng, và điều chỉnh trọng tâm các định hướng, giải pháp chính sách cụ thể. Một loạt các chính sách vĩ mô từ nới lỏng để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng đã chuyển sang thắt chặt có điều chỉnh linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, nhiều chương trình, đề án tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được ban hành và thực hiện. Về bản chất, đó là những cải cách, thay đổi các yếu tố vi mô nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng các khía cạnh từ phía cung của nền kinh tế; qua đó, thay đổi cách thức tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng hướng tới bền vững. Những thay đổi nói trên là phù hợp và tạo ra tiền đề vững chắc cho tăng trưởng nhanh và ổn định cho những năm tiếp theo.

2.2.2. Các tư tưởng và khung chính sách của thời kỳ 2016-2020

Bối cảnh của thời kỳ 2016-2020 có những điều kiện thuận lợi hơn, do được hưởng lợi từ quá trình chuyển hướng chính sách và những thành quả có được từ thời kỳ 2011-2015, mà nổi bật là đã khắc phục về cơ bản các yếu tố bất ổn vĩ mô và phục hồi dần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Ngay từ đầu thời kỳ, nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành và tích cực triển khai, tiêu biểu là:

0 Nghị quyết số 05-NQ/TW (ngày 01/11/2016) của Ban Chấp hành Trung ương Đản khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

1 Nghị quyết số 07-NQ/TW (ngày 18/11/2016) của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

2 Nghị quyết số 24/2016/QH14 (ngày 08/11/2016) của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

3 Nghị quyết số 27/NQ-CP (ngày 21/02/2017) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14 trên đây.

4Từ năm 2016, hàng năm Chính phủ đều ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Nhìn chung, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn hiện tại đã và đang được thực hiện tích cực và thực chất hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện nhất định. Các mục tiêu, chỉ tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dự kiến sẽ đạt được về cơ bản: cách thức và chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhất định (thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện hiệu quả đầu tư và năng suất lao động); cơ cấu tổng thể nền kinh tế có chuyển dịch tích cực (khu vực kinh tế nhà nước giảm, khu vực kinh tế tư nhân có khởi sắc với sự xuất hiện một số tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề). Mặc dù vậy, xét trong dài hạn và chất lượng của sự chuyển đổi, vẫn còn không ít những vấn đề cần giải quyết: thu chi ngân sách chư bền vững; tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng; độ mở của nền kinh tế ở mức cao; và sự phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài trên nhiều mặt…

2.2.3. Một số mục tiêu, định hướng phát triển dài hạn của Việt Nam

Trong báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” (Nhóm Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2016), phác thảo 03 kịch bản GDP bình quân đầu người vào năm 2035: để đạt mốc 15.000 USD thì GDP/người phải tăng 5%/năm; để đạt mốc 18.000 USD thì GDP/người phải tăng 6%/năm; và để đạt đến 22.200 USD thì GDP/người phải tăng trung bình 7%/năm.

Khung Chính sách kinh tế Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018) cũng phác thảo một viễn cảnh vào thời điểm năm 2035 (60 năm đất nước giành độc lập): GDP bình quân đầu người tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016-2035 đạt 6,8%/năm (tương đương tăng trưởng GDP 7,5%/năm); thu nhập GDP bình quân đầu người vào năm 2035 đạt khoảng trên 10.000 USD (theo giá hiện hành).

Để thực hiện mục tiêu trên, Khung chính sách đề xuất các chương trình cải cách và chính sách cần thực hiện dựa trên hai nền tảng cơ bản: thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, và tận dụng cơ hội từ Công nghiệp 4.0. Cụ thể hơn, có 06 chuyển đổi lớn sẽ được tập trung thực hiện: (i) hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; (ii) xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; (iii) nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; (iv) phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; (v) đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; và (vi) thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.

Trong trung hạn, các chính sách kinh tế dự kiến sẽ tập trung vào động lực trung tâm là “tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thể chế kinh tế thị trường”; bên cạnh đó, một số ưu tiên chiến lược được xác định là: (i) khu vực tư nhân phát triển; (ii) nhân lực đổi mới và sáng tạo; (iii) hạ tầng đồng bộ, hiện đại; và (iv) bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Một phần của tài liệu 12062020182658_09. Báo cáo Đề tài (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(159 trang)
w