7. Đóng góp của luận văn
2.3. Đặc trưng văn học dân gian vùng Thiên Bản-Vụ Bản
Qua việc tìm hiểu các thể loại văn học dân gian của Thiên Bản xưa, Vụ Bản nay, có thể khẳng định vùng đất này đã, đang và tiếp tục lưu truyền sâu sắc tín ngưỡng văn hóa dân gian cổ truyền cũng như nền văn học dân gian đa dạng với những điểm vô cùng đặc sắc.
Với tính chất là một vùng đất cổ xưa của nền văn minh sông Hồng, Thiên Bản - Vụ Bản còn bảo tồn được một kho tàng các tác phẩm văn học dân gian đồ sộ và quý giá, đậm đà bản sắc cổ truyền, góp phần không nhỏ vào kho tàng văn học dân gian, văn học dân tộc Việt Nam.
Văn học dân gian Thiên Bản - Vụ Bản có khá phong phú, đầy đủ về hệ thống các thể loại như đã phân tích. Đây là những thể loại văn học dân gian có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng của người dân nơi đây. Văn học dân gian Thiên Bản - Vụ Bản mang những nét điển hình, tiểu biểu cho văn học dân gian của vùng Bắc Bộ, đồng thời lại có những đặc sắc nổi trội làm nên màu sắc Thiên Bản-Vụ Bản rất đậm đà.
Văn học dân gian Thiên Bản - Vụ Bản có hệ thống các thể loại như thần thoại (đã được truyền thuyết hóa), truyền thuyết mang đậm dấu ấn lịch sử, dấu ấn con người của một vùng đất cổ, thiêng. Nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước từ thời vua Hùng có sự liên quan chặt chẽ tới mảnh đất này và được lưu lại trong những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian nơi đây. Nhiều truyện cổ dân gian lưu truyền trong cả nước có nguồn gốc từ đất Thiên Bản-Vụ Bản như: truyện Tam Bành, truyện Cường Bạo Đại Vương, truyện Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Các nhân vật trong các câu chuyện đều hành tung vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại, tiêu biểu cho trí thông minh, sự dũng cảm của con người Thiên Bản-Vụ Bản từ thời vua Hùng dựng nước. Bức tranh về mảnh đất Vụ Bản được dựng lên đầy màu sắc, có đấu tranh chống lại thiên nhiên, lao động sản xuất, đấu tranh giữ nước, đấu tranh chống cương quyền bạo lực, chống cả thần
quyền sai trái, đấu tranh gìn giữ đạo lí làm người, có tình nghĩa mẹ con, vợ chồng, anh em, có cuộc sống văn hóa tinh thần cao đẹp, có đời sống tín ngưỡng phong phú…
Biểu tượng cho tâm hồn người dân Thiên Bản-Vụ Bản chính là “Thiên Bản lục kỳ”, nghĩa là 6 chuyện kì lạ ở đất Thiên Bản. Tuy là kì lạ, quái đản nhưng nội dung đều toát lên ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, có tác dụng giáo dục lớn lao. Những sự “kỳ” và “quái” đó còn lưu truyền mãi trong tâm thức người dân địa phương, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một niềm tự hào về di sản văn hóa vùng miền… Thiên Bản lục kì thể hiện sự mưu trí dân gian, tài ba của quần chúng nhân dân lao động, kết tinh lại ở trí tuệ của các vị thần, tạo nên những kì nhân của Vụ Bản. Ít có địa phương nào có sự sáng tạo độc đáo và đẹp đẽ, có tác dụng giáo dục truyền thống rộng rãi như thế. Sức sống huyền bí của Thiên Bản lục kì rất tiêu biểu cho dòng văn xuôi dân gian Vụ Bản.
“Dấu ấn” Thiên Bản-Vụ Bản trong không ít tục ngữ, ca dao có kèm theo địa chỉ cụ thể của vùng Thiên Bản-Vụ Bản. Đó là những câu về đặc điểm đặc sản, sản vật, nghề nghiệp, sinh hoạt địa phương, tính cách con người vùng Thiên Bản-Vụ Bản.
Văn học dân gian Thiên Bản – Vụ Bản có loại hình dân ca hát văn đặc sắc. Hát văn là đặc sản mang tính địa phương. Hát văn của Thiên Bản - Vụ Bản được nhận xét là mộc mạc, thuần chất, ít pha tạp như hát văn hát ở những địa phương khác đã bị pha tạp và chịu ảnh hưởng của tuồng, chèo, cải lương, ca trù, v.v…Hát văn Thiên Bản-Vụ Bản gắn liền với tục thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian của người Việt, góp phần thúc đẩy con người luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp Chân - Thiện - Mĩ, ghi nhớ về cội nguồn, thể hiện những triết lí sáng tạo, cầu mong sự sống… Đây cũng là lí do tồn tại vững vàng của văn hầu đồng cùng tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội hiện đại.
Văn học dân gian Thiên Bản mang trong lòng sức sống mãnh liệt, trường tồn. Văn học dân gian Thiên Bản-Vụ Bản đã góp phần vào việc phản ánh cuộc sống, tâm hồn con người Thiên Bản-Vụ Bản, góp phần đắp bồi tâm hồn, tài năng nhiều thế hệ các nhà thơ, nhà văn Thiên Bản-Vụ Bản từ xưa cho đến nay. Đó là một trạng Lường Lương Thế Vinh-danh nhân văn hóa thế kỷ XV, là con người tài hoa danh vọng vượt bậc, là một ngôi sao sáng nửa cuối thế kỷ XV của quốc gia Đại Việt. Ông từng giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Thơ văn của ông thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn quan lại tham nhũng, thấm đượm cách
cảm cách nghĩ của văn học, văn hóa dân gian Thiên Bản-Vụ Bản. Đến thời hiện đại, không phải ngẫu nhiên mà những bài thơ trữ tình, thấm đượm phong cách dân ca, ca dao, đượm hương đồng gió nội thuộc loại hay nhất trong văn học Việt Nam lại được nảy sinh ra ngay tại quê hương Thiên Bản-Vụ Bản, của những thi nhân người Thiên Bản-Vụ Bản như nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Vũ Cao …
“Thôn Vân có biếc có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong nắng chiều Đê cao có đất thả diều
Trời cao lăm lắm có nhiều chim bay”
(“Anh về quê cũ”-Nguyễn Bính)
“Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát; Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ. Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng, Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa. ”
(“Bài thơ quê hương”-Nguyễn Bính)
Kho tàng truyền thuyết Thiên Bản-Vụ Bản từ sớm đã thành ngọn nguồn cảm hứng, chất liệu cho không ít những tác phẩm văn chương bác học. Những truyền thuyết về Mẫu Liễu thuộc loại hiếm trong văn học dân gian Việt Nam, đã có sức cuốn hút lay động, đồng cảm với tâm hồn thi sĩ đến mức trở thành nguyên mẫu "Vân Cát thần nữ" trong tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII.
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2, luận văn đã phân loại các thể loại văn học dân gian Thiên Bản- Vụ Bản, bước đầu đi sâu tìm hiểu, phân tích, đánh giá đặc điểm của từng thể loại. Từ đó, chúng tôi chỉ ra được diện mạo cổ xưa, phong phú, đa dạng cũng như đưa ra những nhận định, đánh giá tổng quan khái quát về đặc trưng, tính chất của văn học dân gian Thiên Bản-Vụ Bản. Thần thoại chỉ còn thấy trong những tác phẩm thần thoại đã được truyền thuyết hóa với số lượng không nhiều. Truyền thuyết dân gian vùng Thiên Bản- Vụ Bản là vô cùng phong phú, có thể xếp thành những nhóm cơ bản sau: truyền thuyết về các nhân vật lịch sử, truyền thuyết về các nhân vật văn hóa-tổ nghề, truyền thuyết về
các nhân vật tôn giáo trong đó tiêu biểu là truyền thuyết về mẫu Liễu Hạnh. Thần thoại (đã được truyền thuyết hóa) và truyền thuyết Thiên Bản-Vụ Bản đã phản ánh sinh động, sâu sắc dấu ấn lịch sử, dấu ấn con người của vùng đất thiêng này. “Dấu ấn” Thiên Bản- Vụ Bản in đậm trong không ít tục ngữ, ca dao có kèm theo địa chỉ cụ thể của vùng Thiên Bản-Vụ Bản. Đó là những câu tổng kết, giới thiệu về đặc điểm đặc sản, sản vật, nghề nghiệp, sinh hoạt địa phương, tính cách con người vùng Thiên Bản-Vụ Bản. Hát trống quân Thiên Bản là cách người dân bộc lộ tình cảm, thể hiện sự thông minh và cốt cách. Hát văn là đặc sản mang tính địa phương. Hát văn của Thiên Bản - Vụ Bản được nhận xét là mộc mạc, thuần chất, ít pha tạp. Hát văn Thiên Bản-Vụ Bản gắn liền với tục thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian của người Việt, góp phần thúc đẩy con người luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp Chân - Thiện - Mĩ, ghi nhớ về cội nguồn, thể hiện những triết lí sáng tạo, cầu mong sự sống. Văn học dân gian Thiên Bản mang trong lòng sức sống mãnh liệt, trường tồn, góp phần vào việc phản ánh cuộc sống, tâm hồn con người Thiên Bản-Vụ Bản, góp phần đắp bồi tâm hồn, tài năng nhiều thế hệ các nhà thơ, nhà văn Thiên Bản-Vụ Bản.
Chương 3
VĂN HÓA DÂN GIAN VÙNG THIÊN BẢN – VỤ BẢN 3.1. Khái quát văn hóa dân gian vùng Thiên Bản-Vụ Bản
Như đã trình bày ở chương 1, trên đất Thiên Bản-Vụ Bản đã xuất hiện dấu vết cư trú của người Việt cổ từ thời kỳ tiền sơ sử và thời các vua Hùng dựng nước, cũng là nơi hội tụ của các cư dân, dòng họ về khai hoang lập ấp, đồng thời là nơi được xem là vùng đất thiêng, trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Vì vậy, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội dân gian,… phát triển từ rất sớm trên mảnh đất Thiên Bản. Trải qua thời gian, vẫn tiếp tục được bảo lưu trong dân gian, in đậm dấu ấn đời sống tâm linh của người Việt nói chung đồng thời mang những nét riêng của đất này. Có thể nói, đời sống tâm linh trên mảnh đất Thiên Bản-Vụ Bản chính là cái nền vững chắc nhất của quan hệ cộng đồng.
3.2. Một số yếu tố văn hóa dân gian vùng Thiên Bản-Vụ Bản
3.2.1. Tín ngưỡng và sinh hoạt tín ngưỡng vùng Thiên Bản-Vụ Bản
Tín ngưỡng là niềm tin vào những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại. Sức mạnh thiêng liêng ấy sẽ giúp con người tồn tại, lao động, sáng tạo nghệ thuật. Những điều đó con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được. Như vậy, tín ngưỡng là một sản phẩm văn hoá do con người quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành.
Là vùng đất quan trọng, cổ xưa của châu thổ sông Hồng, mọi tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước đều có mặt trên hầu khắp các làng quê Thiên Bản-Vụ Bản như tín ngưỡng thờ thiên thần, thờ anh hùng lịch sử, thờ tổ nghề, thờ tổ tiên, thờ mẫu. Các tín ngưỡng này tiềm ẩn trong tâm thức người dân và tồn tại trong các sinh hoạt cộng đồng vốn rất phong phú đa dạng ở nơi đây.
3.2.1.1. Tín ngưỡng thờ thiên thần Thiên Bản-Vụ Bản
Người dân Thiên Bản-Vụ Bản từ thời xa xưa đã từng sống ở ven biển, trên sông nước và núi rừng, sớm trồng lúa nước, đánh bắt cá. Bởi thể mà người dân sớm có tín ngưỡng đối với các hiện tượng thiên nhiên. Người Thiên Bản coi những hiện tượng thiên
nhiên xuất hiện trong vũ trụ như những vị thần có sức mạnh siêu nhiên, từ đó sớm hình thành những tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy: thờ cúng các vị thần thiên nhiên như những vị thần bảo mệnh, che chở, phù hộ cho đời sống của nhân dân.
Những vị thần được thờ cúng trước hết là những vị thiên thần được thiên đình phái xuống giám sát, trông coi đời sống nhân dân như thần Đế Thích Đại Vương giáng sinh làm minh vương trông coi việc miền sông biển ở “Côi Sơn hải khẩu”. Đó còn là những vị thiên thần có công lao trong việc điều tiết mưa gió thuận hòa, giúp mùa màng bội thu. Đền Đông ở làng Quả Linh, xã Thành Lợi thờ Lôi thần Hoàng Bạch Đại Vương linh thiêng thần diệu tưới nhuần mưa móc cho dân. Làng Cựu Hào, xã Vĩnh Hào trước đây thờ thần Lôi Công, sau chuyển thành thần Đinh Lôi, tướng của Lí Bí đánh giặc Lương, nhưng sắc phong đều ghi là Lôi Công Đại Vương có công điều hòa mưa gió để mùa màng tốt tươi. Ba vị thần nông nghiệp là Thần Nông (trông coi việc cày bừa), thần Hậu Tắc (trông coi việc trồng ngũ cốc), thần Câu Mang (trông coi việc trồng lúa nước, giúp dân trị thủy) được thờ phụng ở các làng: Hướng Nghĩa, Phú Cốc, Phú Lão, Phú Vinh (xã Minh Thuận), Môn Nha, Lại Xá (xã Hiển Khánh), Định Trạch (xã Liên Bảo). Người dân Thiên Bản cũng thờ thần núi, thần rừng, thần cây, thần đá, thần biển, thần sông, thần Giếng. Trên núi Ngăm còn có miếu thờ Tam vị Sơn thánh Tản Viên. Nơi có rừng cây rậm rạp thường có Miếu thờ thần bản thổ để trông coi, dân thường gọi là mưỡu như mưỡu An Nhân xã Thành Lợi. Với ý niệm thần cây đa, ma cây gạo, những địa phương có cây trên đều cúng lễ để thần che chở. Làng An Lễ (Liên Minh) thờ thần Đại Mộc ở dưới tán một cây đa to trên gò đất cao. Đền thờ thần Đá ở làng Phong Vinh, xã Đại Thắng nằm ở phía Bắc làng, phía trước có đầm nước lớn, ở giữa có một gò nổi lên, trên gò có một hòn đá xanh vuông vắn có gốc ăn sâu trong lòng đất, mỗi bề rộng 3m, cao khoảng 2m. Dân làng thấy đó là sự lạ giữa đồng bằng, nên lập đền thờ. Bảy thôn của làng Cố Đế xã Đại Thắng có hệ thống đền thờ Đông Hải, Tây Hải, Bắc Nhạc, Cao Sơn Đại Vương là những vị thần khai sang vùng biển, những vị thần bảo hộ cho dân đi biển và trị thủy. Ngoài ra, còn thờ thần Nam Hải Đại Vương vừa là thần giúp dân dánh cá, bảo vệ dân chài đi biển, vừa là vua An Dương Vương. Điều này cũng chứng tỏ cư dân Thiên Bản-Vụ Bản đã từng sinh sống ở vùng biển lâu đời.
Như vậy, có thể thấy đối với người dân Thiên Bản nói riêng, cư dân châu thổ Bắc Bộ nói chung, mọi sự vật, hiện tượng sinh hoá trong vũ trụ bao la và huyền bí này đều có thể được thờ cúng “một hòn đá lớn, một gốc cây cổ thụ, một rừng sâu, một vực sông, ngọn núi cao, một vũng nước giữa đồng, một gốc cây âm u đều là cơ sở của thần linh, thần ở khắp cả, thấm nhuần khắp cả, tất cả đều là thần” [59, tr. 20]
3.2.1.2. Tín ngưỡng thờ nhân thần Thiên Bản-Vụ Bản
Trong quá trình chống thiên tai địch họa, người dân Thiên Bản phải kiên trì quai đê lấn biển, đắp đập khơi ngòi, chiêu dân lập ấp, tạo dựng nền nông nghiệp nguyên thủy kéo dài hàng ngàn năm để tồn tại. Mặt khác, phải liên tục chiến đấu dũng cảm, kiên cường đối với các thế lực thù địch đến xâm phạm, cướp phá làng quê, đất nước. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, người dân Thiên Bản đã xây dựng miếu, đền để thờ phụng những người anh hùng có công dựng làng, dựng nước, bảo vệ tổ quốc, làng xóm, nhân dân, để tỏ lòng tri ân và giáo dục con cháu đời đời học tập noi theo.
Các vị nhân thần được thờ phụng trong tâm thức của nhân dân đều là những vị thần bảo hộ đời sống tâm linh cho dân làng, được nhân dân kính ngưỡng. Các vị nhân thần có thể là người địa phương, có thể là người nơi khác đến lập nghiệp, làm nên công trạng hoặc chiến đấu ngay trên quê hương Thiên Bản-Vụ Bản. Cũng có có cả hiện tượng xin rước chân hương từ các đền miếu thờ các vị thần ở địa phương khác về thờ, chép thần phả, thần tích, ghi sự tích về để thờ ở đền làng mình bởi do danh tiếng của thần đó vang lừng, được nhân dân mến mộ hoặc do có quan hệ nào đó với địa phương, phù hợp với yêu cầu tâm linh của dân làng. Ví dụ việc xin chân hương ở đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo về lập đền thờ phụng ở làng Chiền xã Tam Thanh hay làng Mền xã Minh Thuận. Còn làng Dương Xá huyện Cẩm Giàng Hải Dương thờ Ngũ lang Hứa Lai tiên sinh, nên khi dời cư đến Vụ Bản, thành lập làng Dương Lai xã Thành Lợi đã đưa thần Hứa Lai lên thờ phụng.
Chỉ có một số đền thờ thần Trung Quốc: đền làng An Cự thờ thái Thượng Lão Quân, đền làng Hạ Xá thờ Cao Biền với tư cách là đạo sĩ của Đạo Lão, làng Nguyệt mại thờ Tứ vị hồng Nương đời Tống vì đã âm phù cho hai vị tướng nhà Trần người làng