Di tích Thiên Bản-Vụ Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian và văn hóa dân gian vùng thiên bản vụ bản (nam định) (Trang 94 - 97)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.4. Di tích Thiên Bản-Vụ Bản

Di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người.

Thiên Bản-Vụ Bản có một bề dày lịch sử cũng như mật độ dày đặc của các di tích văn hóa. Hệ thống di tích Việt Nam được phân thành 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Hệ thống di tích vùng Thiên Bản-Vụ Bản cũng có đầy đủ 4 loại hình cơ bản như trên. Các di tích đền, đình, chùa, miếu v.v…, có mặt ở hầu khắp các địa bàn vùng Thiên Bản-Vụ Bản. Các kiến trúc đền đài miếu phủ cũng thường được đặt vào một cảnh quan thiên nhiên đẹp: trên triền núi hoặc dưới chân núi (Tiên Hương, Ngăm, Lê Xá, Gôi, Hổ, Báng,…) hoặc bên bờ sông (Hướng Nghĩa, Kênh Đào,…), trong mưỡu cây xanh mát, có bóng cây đa, cây đề, cây si. Đình nào cũng có ao hồ bán nguyệt hay hồ tròn là nơi “Tụ thủy tích đức” của làng. Chùa nào cũng có ao tròn gọi là dấu tích Phật trượng (gậy Phật) dẫn đường cho người theo đạo.

Trên đất Thiên Bản, có những di tích đã trở thành biểu tượng văn hóa cho vùng đất, vừa mang những nét chung vừa thể hiện những nét riêng độc đáo.

3.2.4.1. Quần thể khu di tích Phủ Dầy

Phủ Giầy là một quần thể di tích có giá trị về mặt lịch sử cũng như về mặt nghệ thuật. Nằm giữa một vùng đồng bằng bát ngát, sông nước quanh co uốn lượn, lại đột khởi những ngọn núi mọc lên lô xô (núi Lê, núi Cầu, núi Tiên Hương), Phủ Dầy đã tạo nên một sự phối cảnh thật độc đáo.

Nằm rải rác trong phạm vi ba thôn: Tiên Hương, Vân Cát, Báng Già (Xuân Bảng), trong bán kính chừng 1 km, hiếm có nơi nào trên đất nước ta lại có mật độ di tích đậm đặc như ở Phủ Dầy. Phủ Dầy được coi là “công trình kiến trúc thờ cúng nguy nga đồ sộ nhất, điển hình nhất ở nước ta trong thời Nguyễn” [35, tr. tr35].

Trước khi xuất hiện tục thờ Mẫu Liễu Hạnh, ở đây đã có hệ thống đền chùa thờ các vị nhiên thần, phúc thần, thờ Phật, thờ ông tổ nghề đúc đồng theo tín ngưỡng truyền thống. Đến thế kỷ XVI, tục thờ Mẫu ở làng Kẻ Dầy phát triển, đi liền với đó là các đền, phủ thờ Mẫu, các nhân vật trong đạo Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có cả các di tích có tính chất từ đường dòng họ Mẫu. Mẫu còn được đưa vào các di tích ra đời từ trước đó để phối thờ chung. Do đó, chúng ta thấy tín ngưỡng thờ Mẫu đậm đặc trong các di tích ở Phủ Dầy, không tách bạch giữa việc thờ Mẫu với việc thờ Phật và các vị thần khác.

Theo nội dung thờ thần, hơn 20 đền, chùa, phủ, lăng của quần thể di tích Phủ Dầy có thể xếp theo các nhóm sau.

Nhóm thứ nhất là những di tích liên quan trực tiếp tới việc thờ phụng Mẫu Liễu Hạnh gồm phủ Tiên Hương (còn gọi là Phủ Chính), phủ Vân Cát (còn gọi là Phủ Vân), lăng Mẫu Liễu và Nguyệt du cung (tức phủ Bóng hay đền cây đa Bóng). Phủ Tiên Hương được coi là nơi thờ chính của Mẫu Liễu Hạnh, là nơi thờ Mẫu và bên chồng của Mẫu. Phủ Vân Cát là nơi thờ Mẫu và bên ngoại của Mẫu (bên bố mẹ đẻ). Phủ Bóng Nguyệt Du cung là nơi hiển linh của Mẫu sau khi hóa. Lăng Mẫu là nơi quàn của Mẫu sau khi về trời.

Nhóm thứ hai gồm các đền đài thờ tổ tiên sinh ra Mẫu: Khải Thánh từ ở thôn Tiên Hương, Khải Thánh đài ở thôn Vân Cát.

Nhóm thứ ba là các đền phủ thờ các vị thần linh nằm trong điện thần Tứ phủ: đền Thượng Ngàn, đền Đông Cuông, đền Mẫu Thoải, đền Công Đồng, đền Quan, đền Khâm sai.

Nhóm thứ tư là các chùa thờ theo kiểu “tiền Phật hậu mẫu”: chùa Linh Sơn ở núi Báng, chùa Tiên Linh ở thôn Tiên Hương; chùa Long Vân ở thôn Vân Cát.

Nhóm thứ năm là các đền thờ trên địa bàn Kẻ Dầy nay thuộc hai thôn Tiên Hương và Vân Cát. Tuy không liên quan trực tiếp với tín ngưỡng Mẫu nhưng nằm trong cảnh quan chung, khách đi trẩy hội chợ Viềng Phủ vẫn thường đến thăm. Đó là đền Đức Vua thờ Lý Nam Đế, đình Ông Khổng thờ tổ sư nghề đúc đồng và cũng là Thành hoàng làng Tiên Hương Khổng Minh Không, đền làng Vân Cát.

Như vậy, sự đa dạng các loại hình di tích đã phản ánh sự tồn tại đan xen nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian ở vùng đất Phủ Dầy. Song nổi trội nhất vẫn là tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Tứ phủ. “Các di tích dù thờ Phật, thờ thần tự nhiên, thờ phúc thần, thờ tổ tiên đều bị tín ngưỡng thờ Mẫu lôi cuốn, xâm nhập” [16, tr. 397] chứng tỏ làng Kẻ Dầy cũng có những đặc điểm tín ngưỡng chung như phần lớn các làng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (có chùa, đình, đền) và có những đặc điểm tín ngưỡng riêng biệt: hệ thống di tích thờ Mẫu.

3.2.4.2. Đền Đông và Đám Hát làng Quả Linh

Thôn Quả Linh thuộc xã Thành Lợi, ban đầu có tên gọi là Cảo Linh, thời Nguyễn vì kỵ tên húy nên đổi thành Quả Linh. Đây là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, và là một làng trù phú, một trung tâm kinh tế ở Vụ Bản. Gia phả dòng họ Vũ Đông tại Quả Linh được viết lại vào năm Tự Đức thứ 30 (1877) có đoạn ghi: "Theo như sự tích anh em ông thủy tổ họ Trần ở Thượng Linh thì các họ lớn ở ấp ta đều bắt đầu từ thời vua Hùng".

Đền Đông hay còn gọi là đền Gạo nằm ở đầu làng. Đền thờ vị Đô thiên tôn thần cùng 18 ông tổ của 18 dòng họ và một vị hậu thần họ Nguyễn. Theo truyền thuyết ở địa phương thì xưa kia đền Đông dựng gần chợ và trước đền có một cây gạo to. Qua một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy cây gạo tách ra làm đôi, ở trong có một kim bài với 18 chữ là: "Thánh đức linh quang đại đạo Đô thiên đường lộ phong long tinh duật Hoàng bạch đại vương" (Đại vương Hoàng Bạch là một vị Đô Thiên thánh đức linh thiêng thần diệu tưới nhuần mưa móc cho dân). Như vậy đây là một vị thần tự nhiên trong hệ thống tứ pháp (mây, mưa, sấm,chớp) được thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta, nhất là các địa phương ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Thần Đô Thiên được thờ ở địa phương chính là mong ước của dân làng, cầu cho mưa gió thuận hòa để các vụ mùa được bội thu liên tiếp, nối nhau về với Quả Linh. Đền còn thờ 18 vị tổ tiên các họ đến lập ấp từ thời Hùng Vương, hiện còn giữ được khá nguyên vẹn về kiến trúc và các đồ tế tự, nghi trượng có giá trị nghệ thuật cao. Cũng theo truyền thuyết, 18 vị tổ tiên sáng lập ra làng Quả Linh đều biết sự việc, nên đã lập đền thờ nơi cây gạo, thờ vị “Đô thiên tôn thần” này. Con cháu sau đó ngoài việc cúng tế thiên thần, đã cúng tế cả 18 vị tổ tiên trong đền thờ của làng. Như vậy, ngôi đền làng Gạo thờ một “thành

hoàng tập thể” của làng, giống như làng Vĩnh lại thờ ba vị thánh và thờ Ngũ gia tiên tổ Đoàn-Phạm-Vũ-Nguyễn-Trần đã cùng 2 tướng quân Bạch Đằng, Cao Lôi tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Từ việc thờ 18 ông tổ các dòng họ mang tính chất cộng đồng ở buổi đầu dựng nước, đến việc thờ một vị thiên thần nhưng thực chất cũng mang một tính khái quát là ghi nhận công lao của những người có công xây dựng làng xóm, phát triển nền sản xuất bản địa là nông nghiệp. Thực chất của việc thờ các vị thánh thần như thế này chính là đã đề cao được vai trò lao động gắn bó với nghề nông nghiệp của quê hương.

Đám Hát là nơi đặt bài vị thờ đức Thánh Trần, 18 ông tổ của 18 họ và các vị thần bản cảnh. Sở dĩ Đám Hát có đặt bài vị của đức Thánh Trần bởi trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, ông là người có công lao vô cùng to lớn. Đám Hát gồm một miếu thờ cao khoảng 10m, làm kiểu bốn mái và 16 cột, có nền cao và tường bao xung quanh một sân gạch khá rộng. Trước sân là hồ bán nguyệt rộng hàng mẫu. Phía trước có một con ngòi có tên là ngòi Ngay. Tại Đám Hát, trong dịp lễ hội, diễn ra các hoạt động chính như: tế lễ, đàn hát, rước thần, rước tổ.

Đền Đông, Đám Hát xã Thành Lợi huyện Vụ Bản là một di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học dân gian và văn hóa dân gian vùng thiên bản vụ bản (nam định) (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)