7. Đóng góp của luận văn
2.1. Nhóm truyện kể về nguồn gốc dân tộc
Mong muốn lý giải nguồn gốc của bản thân, xuất xứ của tổ tiên là suy nghĩ thường trực của mọi dân tộc. Từ thuở hồng hoang, khai thiên lập địa, bên cạnh khao khát lý giải thiên nhiên, con người cũng luôn thôi thúc câu hỏi: “Mình là ai? Mình từ đâu đến?”. Đó chính là động cơ để những câu chuyện truyền thuyết về nguồn gốc tổ tiên được ra đời.
Truyện người Dao nói chung đều cho rằng nguồn gốc con người bắt nguồn từ quả bầu và thường bắt nguồn từ: trận đại hồng thủy -> loài người chết hết -> còn hai anh em -> Hai anh em kết duyên cùng nhau -> sinh ra quả bầu -> Từ quả bầu sinh ra loài người. Kết cấu truyện này mang đậm dấu ấn của thần thoại Trung Hoa, với thần thoại về sự kết hôn của hai anh em Phục Hy và Nữ Oa. Khi du nhập vào Việt Nam, kết cấu gốc ấy đã được cải biên thành nhiều câu chuyện khác nhau.
Với truyện Dao Quảng Ninh, chúng tôi sưu tầm được hai câu chuyện tương
tự: Ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn của lạ của người Dao Thanh Phán và Sự tích quả
bầu của người Dao Thanh Y. Trong đó, Ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn của lạ có khá nhiều nét tương đồng với truyện Trắng - lô - cô, một truyện Dao cũng kể về nguồn gốc con người, in trong quyển Truyện cổ Việt Nam (Tập 2) (1983), Nxb Văn học. Tên gọi của nhân vật chính khá giống nhau (Chằng-lọc-chọc, Trắng-lô-cô), có thể là hiện tượng dị bản do cách phát âm khác nhau của các tộc người Dao. Đồng thời, cả hai truyện đều có kết cấu kép, bên cạnh câu chuyện về sự ra đời của con người còn là truyện về khát vọng chiến thắng tự nhiên của người xưa. Cụ thể ở đây là cuộc chiến với thần Sấm. Trong rất nhiều nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người, sấm sét luôn tồn tại một vị trí đặc biệt. Đó là dấu hiệu báo cơn mưa đến, với những ánh sáng chớp lóe trên bầu trời, cùng âm thanh vang động khủng khiếp; sấm sét có thể đem mưa, nhưng cũng có thể hại chết người. Vì vậy, trong thâm tâm của người xưa, họ vừa kinh sợ, vừa ngưỡng mộ sức mạnh của sấm sét. Càng kinh sợ, dân gian
lại càng mong khống chế được sức mạnh ấy. Vì vậy, kiểu truyện “đánh lui thần Sấm” hay “bắt thần Sấm” có mặt ở hầu hết kho tàng truyện dân gian của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay từ các bản ghi chép đầu tiên về truyện dân gian ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đã xuất hiện các truyện về người anh hùng chống thiên tai mang tầm vóc vũ trụ.
Ở Trung Quốc, kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" xuất hiện từ sớm và khá phong phú. Ghi chép sớm nhất là từ thời nhà Tấn (265-419) với truyện Tích lịch bị cách (Thần Sấm bị đánh) trong sách Sưu thần ký của Can Bảo quyển 12. Ngoài ra còn có truyện Vương Cán, quyển 8, sách Dậu dương tạp trở酉陽雜俎; truyện Địch NhânKiệt, truyện Trần Loan Phượng, truyện Trần Nghĩa, quyển 393; truyện Diệp
Tiên Thiều, quyển 394 sách Thái Bình quảng ký 太平廣記 ...
Ở Nhật Bản, kiểu truyện "bắt thần Sấm" cũng xuất hiện khá sớm khoảng thế kỷ thứ V - VI, trong các sách như Hùng Lược kỷ 雄略紀, Suy cổ ký推古記, Quốc phong
thổ ký 國風土記, Đại Nhật Bản quốc Pháp Hoa nghiệm ký大日本國法華驗記, Nhật
Bản cảm linh lục日本感靈錄 và Nhật Bảnlinh dị ký日本靈異記 .
Ở Việt Nam, truyện liên quan đến thần Sấm được ghi chép sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ XI-XIV trong Lĩnh Nam chích quái嶺南摭怪, song phải đến thế kỷ XVIII, kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" mới thấy xuất hiện trong Công dư tiệp ký公餘捷記của Vũ Phương Đề với truyện Cường bạo đại vương.
Còn tính riêng truyện dân gian của người Dao ở Việt Nam, kiểu truyện “bắt thần Sấm” cũng xuất hiện với hai truyện được ghi chép lại là Trắng-lô-cô và Ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn của lạ.
Nói chung, nhân vật anh hùng trong các truyện dân gian ở các nước trong khu vực đều được nhân dân gán cho những đặc điểm phi thường, với những motif đặc trưng như sinh nở thần kỳ, chiến công phi thường, hóa thân … Nhưng không phải ở truyện nào, nhân vật anh hùng cũng mang một đặc trưng tính cách như nhau. Trong khi các nhân vật “đánh lui thần Sấm “ trong truyện cổ dân gian của Trung Quốc, Nhật Bản đều là các anh hùng dũng cảm, mạnh mẽ, có nghĩa khí thì nhân vật Cường bạo đại vương của Việt Nam lại được miêu tả như một kẻ thô lỗ, phàm phu tục tử “tính khí ngỗ ngược, khinh miệt người đời, quên cả cha mẹ, không cúng giỗ
tổ tiên”. Nhân vật không còn hình ảnh oai phong, lẫm liệt, đầy cao cả của một người anh hùng chiến đấu vì lí tưởng hay đại diện cho tư tưởng cho một tộc người như một số kiểu nhân vật thường gặp ở truyền thuyết dân gian giai đoạn đầu. Thay vào đó là sự trần tục, tầm thường khiến cho sự tôn nghiêm của nhân vật anh hùng bị giảm đi rất nhiều.
Trường hợp tương tự như vậy cũng xảy ra với truyện kể dân gian của người Dao. Cùng là kiểu truyện “bắt thần Sấm” nhưng khác với Trắng-lô-cô, là một chàng trai khỏe mạnh, người anh hùng đáng ngưỡng mộ thì động cơ của ông Chằng-lọc- chọc trong truyện Ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn của lạ lại rất tầm thường : muốn được ăn thử gan Sấm một lần cho biết. Vì một món ăn mà dám động đến Trời, người đàn ông này dù không có chí khí anh hùng nhưng cũng thật ngông nghênh, liều lĩnh. Và để đạt được mục đích của mình, ông ta không ngại làm những việc trái luân thường đạo lí, hành hạ chính mẹ đẻ của mình để thần Sấm xuất hiện. Sự tương phản rõ rệt thể hiện ở chỗ chàng Trắng-lô-cô vì mẹ mà bắt thần Sấm còn ông Chằng-lọc-chọc lại vì một miếng gan của thần mà ngược đãi mẹ. Nếu Cường Bạo Đại vương trong Công dư tiệp ký mới chỉ dừng lại ở việc ngỗ ngược, ngang tàng, không biết đến cha mẹ, quên cả tổ tiên thì ở ông Chằng-lọc-chọc là hành động cụ thể, khó chấp nhận của một người con:
Có người bảo: "Anh muốn ăn gan sống thì anh phải ỉa, đái cho mẹ anh ăn. Thì Sấm mới xuống trị tội anh thì anh mới bắt được Sấm, mới ăn được gan của nó.Còn không có thì nó không xuống thì anh bắt sao được." Thế ông Chằng-lọc-chọc này
nghĩ thế mới toàn đái ra bắt mẹ uống, ỉa bắt mẹ ăn để cho mình có tội.
(Ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn của lạ)
Lấy thước đo của một người anh hùng “đi bắt thần Sấm” để so sánh thì rõ ràng hành động này đã khiến hình tượng của nhân vật chính thay đổi, từ đáng ngưỡng mộ thành kẻ ích kỷ, đáng chê trách, và cái chết của ông ta khi trận đại hồng thủy xảy ra là một điều xứng đáng với tội lỗi mình đã phạm phải. Tuy nhiên, hành động của ông Chằng-lọc-chọc dù rõ ràng là sai nhưng ta không hề thấy dấu hiệu sự phán
xét của dân gian trong truyện. Thực tế là ông ta thậm chí còn thành công, bắt giam được thần Sấm, tuy không ăn được gan thần nhưng cũng đã ăn được một cái đùi, dọa sợ ông thần đến nỗi sau này thấy mặt là khiếp vía. Một hành động sai, không những không bị trả giá mà còn thành công? Đó là bởi mục đích của câu chuyện này không phải là phân biệt đúng hay sai, cái thiện hay cái ác mà nó chỉ mượn cái cốt để phản ánh cuộc đấu tranh dai dẳng giữa con người và thiên nhiên. Và thời điểm khi các câu chuyện này được thành hình, cuộc chiến đó đã không còn dừng lại ở việc mong muốn được tồn tại nữa mà con người đã bắt đầu mơ đến một ngày chinh phục được thiên nhiên, bất kể bằng cách nào. Nó cũng cho thấy sự khác biệt trong dòng tư tưởng của người Dao Quảng Ninh, cụ thể là người Dao Thanh Phán đối với người Dao ở nơi khác khi xây dựng và lưu truyền một nhân vật chính có tính cách phi anh hùng, phi đạo đức. Điều đó thể hiện một phần cộng đồng người Dao ở đây vẫn giữ được cách nghĩ, cách cảm mang tính ngây thơ, chất phác, có phần hoang dã của người xưa. Tổ tiên người Dao, trong suốt các năm tháng lưu lạc, sống lẫn vào núi rừng, mối quan tâm lớn nhất của họ là làm sao để tồn tại. Và trong những cuộc chiến một mất một còn với thiên nhiên, với thú dữ, đói khát, bệnh dịch … các tiêu chuẩn đạo đức không còn tồn tại nữa, người dân tộc phải làm mọi giá để sống sót. Càng như vậy, con người lại càng khao khát có sức mạnh, có ý chí vượt trội để chống chọi với mọi hiểm họa. Chi tiết ông Chằng-lọc-chọc muốn ăn gan Sấm chính là ngầm biểu tượng cho mong muốn ấy. Vì vậy, dù không phải ai cũng đồng tình với hành động của ông ta nhưng có ai là không hả hê trước cảnh một vị thần Sấm oai phong, dữ dội lại thu lu trong cái rọ sắt, phải van xin một bà già cho nước uống? Kể cả việc một người bình thường dám nghĩ đến việc bẫy thần để ăn thịt cũng đã thể hiện cái gan to đến mức nào? Ngay cả khi trận đại hồng thủy xuất hiện, người đàn ông này cũng không hề lo nghĩ cho mạng sống, cho của cải mà chỉ coi đây là một dịp để được lên trời, thể hiện cái gan của mình. Một người liều lĩnh, thông minh và gan dạ như thế, khó trách thần Sấm lại sợ hãi đến vậy: Nước nổi đến lên trời. Ông
này mới nổi từ cổng trời lên, chọc lọc cọc vào cổng trời. Vua Ngọc Hoàng trên đấy mới bảo: "Ai động gì đến cổng trời thế?" Tướng Sấm mới ra bảo: "Chằng-lọc-chọc nó lên rồi, nó ăn mất cái đùi của con rồi. Nó mà lên chắc cả triều đình này không sống được với nó mất." Ông Ngọc Hoàng bảo vua Thủy Tề bỏ ngay nước xuống, không cho nước dâng lên nữa.
Dường như ở đây hình tượng nhân vật đã bị đảo ngược, các vị thần thì hèn nhát, tầm thường như người trần còn người trần lại mang tầm vóc như một vị thần. Nhưng, giống như một biểu tượng của thần thoại Hy Lạp, người anh hùng bay quá gần Mặt trời sẽ bị gục ngã, cuối cùng ông Chằng-lọc-chọc cũng không thoát khỏi cái chết: Nước rút nhanh quá, cái ô bị mắc ở trên cây cao, Chằng-lọc-chọc chết. Chết ở cây đó biến thành cây lá vai. Cây lá vai có lá rất to có thể dùng để gói đồ vật và khi chặt ra có máu ở trong, ở giữa cuống của cây này.
Ông Chằng-lọc-chọc chết đi hóa thành một cái cây, bên trong ruột có nhựa đỏ tươi như máu. Trong các câu chuyện dân gian ta thường bắt gặp motif kết thúc như thế này. Nhân vật chết đi nhưng không hoàn toàn biến mất mà hóa thành một vật, một giống loài nào đó. Đây là một kiểu tích hợp giải thích nguồn gốc ra đời hoặc đặc tính của sự vật, sự việc trong tự nhiên theo một cách ngây thơ. Nhưng đồng thời, nó cũng mang một ý nghĩa khác. Đó có thể là minh chứng cho tội lỗi hoặc sự oan uổng của nhân vật lúc còn sống, dấu tích của một hành động anh hùng hay một mong muốn nào đó chưa được hoàn thành. Dù ở dạng nào, sự hóa thân thành dạng khác này chính là sự nhắc nhở của người đã mất về câu chuyện của họ, là một bài học cho người đời sau. Số phận của ông Chằng-lọc-chọc cho thấy một cái nhìn rất thực tế của dân gian, đó là con người không bao giờ có thể chiến thắng hoàn toàn được thiên nhiên. Bên cạnh sự chinh phục cũng cần phải có sự tôn trọng, nương theo với tự nhiên. Và tinh thần này vẫn được người Dao gìn giữ và truyền lại mãi về sau.
Việc ông Chằng-lọc-chọc chết cũng đồng thời là sự chuyển tiếp để các nhân vật khác xuất hiện, chuyển kết cấu truyện sang hướng khác. Đó là chuyến phiêu lưu để hồi sinh loài người của hai anh em còn sống sót duy nhất trên mặt đất. Về cơ
bản, các motif được giữ nguyên không thay đổi. Motif đại hồng thủy với trận mưa lớn quét sạch con người trên mặt đất là chi tiết không thể thiếu, giống như ngày tận thế, thanh lọc, xóa bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu. “Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những tiểu thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ
nhất” [3, tr 709]. Nó xuất phát từ nỗi ám ảnh của những con người thuộc nền văn
hóa nông nghiệp đối với nước lũ, mỗi khi mùa nước lên. Dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu mỗi khi dâng lên sẽ cuốn trôi, phá hủy đi tất cả. Nhưng khi qua đi, nó sẽ để lại trên mặt đất lớp phù sa màu mỡ, và mọi vật sẽ lại sinh trưởng, tái sinh trên mảnh đất đó. Không phải tự nhiên khi trong truyền thuyết về Nữ Oa và Phục Hy, loài người đã được tạo ra từ chính bùn đất. Vòng tròn phá hủy rồi lại tái sinh cứ lặp đi lặp lại như vậy được dân gian khái quát lại thành một quy luật của thiên nhiên, cứ cách một chu kỳ nhất định mọi thứ sẽ phá hủy đi hoàn toàn để lại hồi sinh dưới dạng mới. Hình ảnh “đại hồng thủy” hay “cơn mưa lớn” chính là ngụ ý cho thời khắc này.
Một hình ảnh nữa đều có mặt ở hai bản truyện Ông Chằng-lọc-chọc thích ăn
của lạ và Sự tích quả bầu chính là quả bầu. Đây là hình ảnh không thể thiếu trong
kiểu truyện về nguồn gốc loài người, không chỉ ở truyện dân gian của người Dao Quảng Ninh mà còn ở hầu hết các truyện dân gian của người Dao phân bố ở khu vực khác, thậm chí còn bắt gặp ở truyện của các dân tộc khác của Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo Riftin thì: Thần thoại người sinh ra từ quả bầu là thần thoại của các dân tộc miền nam đại lục Trung Quốc và bán đảo Indochina [bán đảo
Đông Dương], rất đặc biệt [69, tr 10]. Theo nghiên cứu gần đây nhất của giáo sư
Phó Quang Vũ đại học Vân Nam thì dân tộc Mán của Việt Nam (rất có thể là người dân tộc Dao), dân tộc Lawa của Thái Lan, dân tộc Keyekemu của Mianma cũng có thần thoại này. Theo thống kê của ông, kiểu truyện này có nhiều nhất ở dân tộc Miêu, các dân tộc Choang, Bố Y, Đồng cũng khá nhiều. Cũng theo ông thì có khoảng 30 dân tộc có thần thoại về quả bầu, trong đó 5 dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á, 25 dân tộc thuộc ngữ hệ Hán Tạng (nhánh ngôn ngữ Miêu Dao có 21 dân tộc,
trong đó dân tộc Miêu có nhiều hơn; nhánh ngôn ngữ Choang Đồng có 8 dân tộc với 33 bản truyện, trong đó dân tộc Choang, Bố Y, Đồng có nhiều hơn; nhánh ngôn ngữ Tạng Miến có 11 dân tộc với 71 bản truyện, trong đó dân tộc Di, Ha Ni có nhiều hơn), trong đó đại đa số đều có liên quan đến thần thoại về hồng thuỷ, nhưng thần thoại người sinh từ quả bầu cũng có 20 loại. Điều thú vị nhất là từ Minh Thanh đến nay, trong các sách như Tục Vân Nam thông chí cảo đều gọi vùng núi A Wa tỉnh Vân Nam là “hồ lô quốc” hay “hồ lô vương địa”1. Truyền thuyết dân gian của người Thái chia lịch sử dân tộc họ làm 5 thời kỳ, thời kỳ thứ nhất tức thời kỳ cổ xưa nhất được gọi là thời đại quả bầu, thời kỳ mà loài người từ trong quả bầu ra đời2, thời kỳ cuối cùng tức thời kỳ thứ 5 được gọi là Thời kỳ hoa sen, tức thời kỳ sau khi Phật giáo được du nhập…3.
Trong kiểu truyện này, Quả bầu đóng một vai trò rất quan trọng, chính quả