Nhân vật là động vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian của người dao quảng ninh (Trang 55 - 59)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.3. Nhân vật là động vật

Trong số các truyện còn lưu truyền lại của người Dao Quảng Ninh không có động vật là nhân vật chính nhưng những con vật này cũng có vai trò khá quan trọng trong cốt truyện. Chúng xuất hiện nhiều (18 trên tổng số 25 truyện) và chủng loại cũng rất đa dạng, phong phú. Từ các loại gia súc, gia cầm như chó, gà, trâu, ngựa đến loài thú rừng hoang dã như hổ, gấu, khỉ, rắn, chim, đũi … đều có cả. Điều này phản ánh sự gắn bó của người Dao đối với các loài động vật nói chung. Trong truyện, các con vật khi xuất hiện thường được nhân hóa, có thể hiểu tiếng người hoặc nói chuyện, cư xử như con người. Thậm chí chúng cũng phân chia giai cấp y như xã hội loài người, cũng có vua, cũng có việc cúng bái, cũng tích trữ của cải:

Người em cứ nằm đấy, khỉ mới khiêng nó thật. Người em cứ ngủ, không biết gì. Tự nhiên tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở cái kho, tập trung tất cả ngô, bầu, bí.

Con khỉ vua bảo: “ Đem về đây rồi thì phải cúng mới dùng được.”

(Sự tích quả bí)

Các con vật sau khi được nhân hóa qua con mắt của người Dao còn mang cả những thói xấu của loài người như tham lam (vua quạ trong Truyện con bè), lừa dối (vợ rắn hổ mang chúa và con rắn hổ mang bành trong Coỏng-ly-giáng), thù vặt (con quạ trong Pảo-đên-đu). Dù vậy, chúng không bị người hóa hoàn toàn mà vẫn giữ nguyên các đặc tính của giống loài mình, về tiếng kêu, nơi sinh sống cũng như tập quán sinh hoạt (heo thường ủi đất, khỉ thích hái trộm hoa quả, loài quạ thường thích tìm đến các xác chết) cho thấy sự quan sát rất tinh tường, kỹ lưỡng của người Dao đối với các loài vật xung quanh mình. Tiêu biểu nhất có thể kể đến câu chuyện Coỏng-ly-giáng, các loài vật xuất hiện nhiều, được khắc họa rất sinh động và ngộ nghĩnh, phù hợp với tập tính riêng của từng con vật:

Đến 12 giờ trưa, đoàn quan binh nghỉ chân. Họ thấy một con lợn nái dẫn đàn con chạy, con kêu khóc đòi bú inh ỏi, nhưng lợn mẹ vẫn cứ chạy kêu oang oang. Lính hỏi hai mẹ con lợn đang nói chuyện gì thế, ông ta trả lời: “Lợn con đang kêu mẹ đòi bú, lợn mẹ bảo ở cánh đồng này nóng lắm, đi ra ngoài gốc cây kia râm mát rồi mẹ khắc cho con bú.” Quan thấy con lợn mẹ cứ chạy lăng xăng hết từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, đến cái cây có bóng râm kia thì nằm xoài ra cho các con bú. Nhưng quan vẫn chưa tin. Đoàn lại đi đến tối, tạm nghỉ ở nhà trọ. Nhà trọ đấy có một đàn dê, có một hòn đá đặt ở cổng. Cứ mỗi khi đi qua hòn đá là các con dê lại dừng lại, gõ móng vào hòn đá kêu cộc cộc, kêu ba tiếng “He,he,he!” rồi mới đi. Con nào cũng làm như vậy rồi mới đi ăn cỏ.

Đa số các con vật xuất hiện thường là để phù trợ và giúp đỡ cho nhân vật chính. Ví dụ như những con chim giúp người em thoát khỏi hố trong truyện Cái

sừng nai hay các con vật cứu giúp người anh trong Sự tích con đũi… Sự giúp đỡ

này có thể là do hoàn cảnh ép buộc, như với trường hợp vua khỉ trong Sự tích quả bí

hay vua quạ trong Truyện cái bè. Chúng không hề có ý định giúp đỡ ngay từ đầu nhưng do rơi vào tình thế khó xử mà đành phải đồng ý với điều kiện để trao đổi:

Con khỉ đầu đàn mới ngồi đấy cúng. Người em nhìn thấy con khỉ đang cúng, bèn lấy tay cầm lấy của quý của nó. Bọn khỉ thấy bí biến thành người bèn bỏ chạy hết còn mỗi con khỉ đầu đàn vái lạy, van xin: “Tôi xin anh, nếu anh thả tôi thì tôi cho anh tất cả của trong kho, anh lấy bao nhiêu thì lấy tôi cũng cho”.

(Truyện quả bí)

Nhưng không phải lúc nào các con thú cũng chịu thiệt, chúng cũng có thể trao đổi với con người điều gì đó để nhận được sự trợ giúp từ các loài vật. Giống như người anh và các con thú trong truyện Sự tích con đũi dùng cây sáo để được giúp đưa ra khỏi hố; hay sự thỏa thuận giữa nhân vật người em với gia đình hổ, với các loài chim trong truyện Cái sừng nai:

Người em xuống dưới đấy thì may cọp mẹ đi vắng, chỉ còn lũ cọp con. Đến lúc về, cọp mẹ định ăn thịt thì cọp con ngăn lại, bảo giữ lại người để trông hố,

phòng sói đến. Vậy là cọp mẹ đi kiếm ăn, đem cả thịt về nuôi người em. Người em còn bảo hổ tha con chó của nhà mình đến. Con chó đến, người em bảo chó tha dao, tre xuống hố cho mình. Có được tre, dao rựa rồi, người em dùng chúng làm thành các cây sáo. Anh ta thổi sáo gọi các loài chim bay đến, tụ tập hết xung quanh. Chim đậu đến mức oằn cả cây ở gần hố, ngọn của nó rủ xuống tận hố. Người em nắm được chắc chắn rồi mới đem ném tất cả số sáo lên mặt đất. Các con chim bay ra vồ lấy, cây lại nhẹ đi, uốn trở lại, kéo người em lên khỏi hố. Các loài chim nhặt được sáo về dùng, từ đó mới có tiếng hót hay như ngày nay.

Từ các câu chuyện có thể thấy mối quan hệ giữa người và thú khá bình đẳng và mang tính hai chiều chứ không hẳn chỉ là sự phụ thuộc, phục tùng vào con người. Trong số đó, chó là loài động vật không thể thiếu, gần gũi và gắn bó mật thiết nhất với con người. Chúng được nhân hóa ít nhất (không thể nói chuyện với con người hay có cảm xúc, thái độ) nhưng trung thành, thông minh và luôn luôn đứng về phía con người. Vì vậy, loài chó cũng thường được giao những nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến vận mệnh của người chủ:

Khi các con vật kéo được người anh lên rồi, người anh hứa là làm cho mỗi con một cây sáo nhưng không làm được. Ông anh mới nhớ là trên nhà gác có một ống tre ở đấy, bảo con chó về kêu bà chủ đưa cho, tha ra để làm sáo cho các con vật. Con chó chạy về kêu với bà chủ, nhưng không biết nói tiếng người nên bà chủ không hiểu. Con chó nhìn lên gác, bà chủ đưa con dao, con chó vẫn kêu. Người vợ lần lượt lấy những thứ khác cũng không phải. Cuối cùng, bà chủ mới thấy cái ống tre ở đấy, mới lấy vứt cho con chó. Con chó mới tha đi. Tha ra đến nơi mới nhớ ra không có dao. Con chó lại chạy về tìm dao.

(Truyện quả bí - Sự tích con đũi)

Đôi khi, người Dao cũng dùng các câu chuyện này để lý giải một số đặc điểm của các con thú theo những cách rất thú vị. Con đũi có khuôn mặt lúc nào cũng sưng sưng là do bị con khỉ tát khi tranh giành chiếc sáo (Truyện quả bí - Sự

tích con đũi); các loài chim có tiếng hót hay như ngày nay đều do nhặt được chiếc

lồng ghép vào mạch truyện chính như một chi tiết sự việc chứ không phải là nội dung chủ yếu. Chỉ có Sự tích con chim Tà - lơ là trường hợp ngoại lệ. Câu chuyện cảm động nhưng có kết thúc buồn về tình anh em, qua đó giải thích về tiếng kêu của một loài chim theo tiếng nói của người Dao.

Bên cạnh đó, cũng có nhưng con vật xuất hiện là thế lực cản trở, hãm hại nhân vật chính. Tương ứng với vai trò của mình, chúng thường là loài động vật ăn thịt, phần lớn là hổ. Với tư cách là chúa sơn lâm của rừng già, hổ luôn là nỗi ám ảnh của con người, không chỉ ở vùng cao mà còn cả với người dưới xuôi. Đó là khi dân cư vẫn còn thưa thớt, vũ khí tự vệ lại thô sơ. Bằng chứng là các câu chuyện lưu truyền về hổ của người Kinh có rất nhiều. Hổ trong truyện người Dao Quảng Ninh cũng không có gì khác biệt so với hiểu biết của con người thời đó về giống loài này nói chung: có sức mạnh kinh hồn, độc ác, nhẫn tâm, nhiều thủ đoạn. Trong truyện

Pảo đên đu, con hổ đã thành tinh, có 12 cái đuôi, biết nói tiếng người, biết toan tính

suy nghĩ rất kỹ lưỡng. Nó độc ác, giết nhiều mạng người, chỉ vì trả thù mà sẵn sàng ăn thịt bà vợ trưởng làng, còn mưu mô giả dạng để giết cho bằng được nhân vật chính: Con hổ chạy về, tức vì không được ba con gà thiến, một mạng người lại còn bị chém đuôi nên nghĩ bụng: “Bây giờ ta phải đi cắn chết vợ ông trưởng làng.” Con hổ lẻn vào trong buồng, cắn chết vợ ông trưởng làng, ăn hết thịt, bỏ xương xuống dưới gầm giường. Nó giả vờ làm bà trưởng làng ốm, nằm ở trong buồng, kêu: “Hừ hừ, tôi đau ngực lắm! Vậy mà không ai đến thăm hỏi, cứu tôi.” Ý con hổ chỉ đợi ai lại gần là sẽ cắn, ăn thịt. Anh chàng kia theo lời cái cây cài cửa, lần theo dấu vết con hổ đến buồng bà vợ trưởng làng. Người dân làng nghe ngóng đến định vào thăm, nhưng anh ta ngăn cản. Mọi người đứng ngoài cửa, hỏi với vào: “Thế bà ốm thế nào?” Con hổ đáp: “Tôi đau ngực, đau bụng, đau cả mình mẩy. Các ông có

biết ai là Pảo-đên-đu, tôi mà ăn được gan của nó là tôi khỏi ngay.”

So với hình tượng các con hổ khác, hung dữ nhưng ngu ngốc, con hổ này quả thật là đối thủ đáng gờm, là đại diện cho cái ác cần diệt trừ, cũng là trận chiến cuối cam go nhất, phức tạp nhất của nhân vật Pảo đên đu. Nếu không nhờ có sự trợ giúp của cây then cài cửa, để vượt qua thử thách này quả thực không hề đơn giản. Nhưng

dù có hung dữ, thông minh đến thế nào, con hổ vẫn phải khuất phục dưới mưu trí của con người. Bởi nó là nhân vật tượng trưng cho cái ác, cho thế lực bí hiểm của núi rừng mà người dân tộc phải đấu tranh để tồn tại, cho nên chiến thắng là một điều tất yếu.

Nhưng không nhất thiết phải to lớn, hung dữ mới gây hại cho con người. Ngay cả những con thú nhỏ bé cũng vẫn có thể là tác nhân phá hoại, nếu chúng có đủ sự tinh quái. Đó là trường hợp của con quạ trong truyện Coỏng-ly-giáng, dùng sự mưu mẹo của mình để đẩy nhân vật chính vào cảnh tù tội:

Con quạ không lấy được bộ lòng, bực mình lắm. Trời mưa to, có một người chết đuối, trôi dạt về khe suối đó. Con quạ lại đến báo: “ Òa òa, hôm nay có một con sơn dương bị mắc kẹt ở khe suối, mà không có ai đến mổ làm thịt.” Người chồng nghe thế, mừng thầm trong bụng, được con sơn dương vừa có thịt ăn lại vừa có xương nấu cao. Ông ta ra suối lại chỉ thấy xác người mà không thấy sơn dương. Ông ta biết ngay là con quạ chơi xỏ, tức giận giương nỏ bắn nó. Mũi tên trượt cắm vào cành cây, còn con quạ thì bay mất. Người chồng bỏ về. Con quạ bay lại, rút mũi tên cắm vào xác chết rồi đi báo quan rằng có người dùng tên bắn chết người. Quan cử người đi xem, thấy đúng có xác chết, mũi tên có tẩm độc, đầu cánh mũi tên lại có tên ở đó. Quan bèn sai lính bắt ông ta về tra hỏi.

Ở đây, dù không phải là loài hung dữ, nhưng do tập tính của giống loài mình, loài quạ đã bị xếp vào kiểu nhân vật phản diện. Bên cạnh đó, khỉ cũng thường được nhắc đến khá nhiều do hay đi theo bầy đàn cướp bóc, phá hoại hoa màu của con người. Với số lượng cũng như sự tinh ranh của mình, chúng đã gây khó khăn không nhỏ trong cuộc sống của người dân tộc vùng cao.

Tóm lại, dù với vai trò hỗ trợ hay cản trở con người, sự xuất hiện của các con vật đã đem lại sự thú vị nhất định cho câu chuyện, mở ra một không gian rộng lớn với sự đa dạng kiểu loại nhân vật, góp phần phản ánh ý nghĩa truyện thêm sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian của người dao quảng ninh (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)