Nghề nghiệp của mẹ thường xuyên ảnh hưởng đến dinh dưỡng của con, bởi lẽ nghề nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian chăm sóc trẻ, điều kiện kinh tế, văn hóa và cơ hội giao tiếp của bà mẹ. Những bà mẹ làm ruộng thường có nhiều thời gian chăm sóc con hơn những bà mẹ làm công nhân viên chức nhà nước. Qua bảng 3.3 cho thấy các bà mẹ trong nghiên cứu này đa phần là làm ruộng chiếm tỷ lệ 80,9%, chỉ có 19,1% là công nhân viên chức và các nghề nghiệp khác. Tìm hiểu mối liên quan giữa nghề nghiệp của mẹ với NCBSM ở bảng 3.8 và 3.18 chúng tôi thấy: cũng như yếu tố trình độ học vấn, chúng tôi chỉ tìm ra được sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nghề nghiệp của mẹ với việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn: ở nhóm nông dân có tỷ lệ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn cao hơn các nhóm nghề nghiệp khác và liên quan với. Ngoài ra chúng tôi không tìm thấy sự liên quan giữa trình độ học vấn của người mẹ với vấn đề khác thời gian bú mẹ lần đầu.
Ở đây chúng tôi thấy rằng tỉ lệ cho trẻ bú sớm trước 1 giờ sau đẻ ở nhóm làm ruộng cao hơn nhóm còn lại nhưng chưa có ý nghĩa thống kê. Điều này có thể giải thích là do các bà mẹ ở nhóm làm ruộng đa số ở nông thôn, chủ yếu đẻ thường ở trạm y tế xã, tiếp xúc với các sản phẩm sữa bột ít hơn, sau đẻ mẹ và con được gặp nhau ngay nên trẻ được bú sớm. Ngược lại, các bà mẹ ở nhóm nghề nghiệp còn lại đa số sống ở các khu đô thị, thường đẻ ở các bệnh viện, có tỉ lệ mổ đẻ cao, sau đẻ cả mẹ và con đều được đưa ra phòng sau đẻ trong khi người nhà chưa được vào thăm sẽ không dễ dàng trong việc cho con bú sớm, nhất là bà mẹ sinh con lần đầu và có khó khăn như còn đau do khâu tầng sinh môn, có vấn đề về núm vú…Và hiện nay với các quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ lan tràn, các bà mẹ ở thành phố có điều kiện kinh tế hơn và cũng tiện lợi hơn khi cho trẻ ăn sữa ngoài so với các bà mẹ ở nông thôn. Đó cũng là những yếu tố góp phần làm cho tỉ lệ trẻ bú sớm sau đẻ trong nghiên cứu của chúng tôi vẫn còn thấp.