Cốt truyện đời tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn triệu bôn sau 1975 (Trang 82 - 84)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Cốt truyện đời tư

Truyện ngắn của Triệu Bôn có nhiều tác phẩm mà cốt truyện xoay quanh những số phận cá nhân với bao nỗi niềm, suy tư, dằn vặt và khao khát giữa đời thường. Đó hoàn toàn là chuyện đời tư với cảnh huống cá nhân và sự lựa chọn riêng tư của nhân vật. Như nỗi đau đớn, dằn vặt suốt đời trong cảm giác tội lỗi và khao khát tìm lại đứa con đã buông bỏ vì hoàn cảnh đói khát của vợ chồng ông bà Đà (Bến Phà

Đen lặng gió). Đó là chuyện đời, chuyện tình lãng mạn và bi tráng của người đàn ông

giữa mênh mông hùng vĩ của thiên nhiên trong Rừng Áo Trắng. Đó là những kí ức đau đớn, xót xa, uẩn khúc của một cuộc đời, một mối tình bỗng sống lại nhức nhối, dằn vặt, thổn thức trong tâm hồn của người phụ nữ đã gửi mình nơi cửa Phật (Gió lay

cửa Phật). Đó còn là nỗi đau khổ đến tận cùng của người cha mất con (Người gầm),

người mẹ mất con (Hương quế); sự cô đơn đến thảm hại của người đàn ông trong ngợm. Và ở cuộc sống thời hậu chiến là biết bao toan lo, nhọc nhằn cho đời sống vật chất gia đình (Lạy trời). Trong Đứa con của thành phố là lối sống buông thả, sẵn sàng bán rẻ thể xác, nhân phẩm danh dự của người con gái cuối cùng cũng được cảm hoá theo cách rất đặc biệt của một người đàn ông độ lượng mà nghiêm khắc, sẵn lòng cưu mang.

Truyện ngắn Một vết sẹo là câu chuyện đời, chuyện tình của cô gái luôn mang mặc cảm về bản thân để đến nỗi cả cuộc đời sống trong cô đơn, dằn vặt vì đã đẩy hạnh phúc riêng tư rời khỏi tầm tay. Thảo luôn sống trong mặc cảm về ý thức mình là một cô gái không mấy xinh đẹp. Khi còn là thanh niên xung phong, cô luôn thương yêu, chăm chút và nhường nhịn mọi người nên được gọi là “chị cả”. Vì thế cô ép mình không nghĩ

đến chuyện yêu đương mà người con gái nào cũng cần. Chiến tranh qua đi, Thảo cũng không muốn ai quan tâm quá nhiều đến hạnh phúc riêng của mình. Cô là y sĩ của một xí nghiệp sửa chữa tàu sông, tiếp tục chăm lo và ân cần với mọi người mà không muốn nghĩ nhiều đến đời sống riêng tư. Đúng lúc cô có ý định nhận một đứa trẻ, con của đồng nghiệp làm con nuôi thì tình cờ cô gặp Mạnh, một kĩ sư tàu thuỷ mới về nhận công tác ở xí nghiệp. Mạnh kém Thảo hơn chục tuổi. Họ thân nhau, chăm chút cho nhau rồi yêu nhau trong âm thầm. Tình yêu của họ ngọt ngào và mãnh liệt. Nhưng Thảo vô cùng xấu hổ và chối phắt khi mọi người biết chuyện tình yêu của họ. Đến lúc Mạnh đề cập đến chuyện kết hôn thì Thảo bỗng hoảng hồn. Mặc dù Mạnh vẫn yêu thương, ân cần, vô tư chăm sóc cô nhưng Thảo lại bắt đầu suy nghĩ nhiều về sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người nên Thảo quyết định giải phóng cho anh, cô cố tình lạnh nhạt và từ chối mọi sự quan tâm, chăm sóc của người thanh niên mà cô vẫn nặng tình. Cô xin nghỉ việc một thời gian để tránh mặt Mạnh. Cho đến khi Mạnh chuyển đến nơi làm việc mới, Thảo mới trở về cơ quan, nhưng lúc này cô cảm thấy vô cùng trống trải và đau khổ vì Mạnh đã đi xa. Nhưng rồi Thảo cũng quyết định cắt đứt mọi liên lạc với Mạnh và coi hạnh phúc đã có chỉ còn là quá khứ. Có lẽ, cái hoàn cảnh bi kịch mà nhân vật rơi vào xuất phát từ chính sự thiếu tự tin, thiếu chủ động trước hạnh phúc riêng tư của bản thân. Chính điều đó đã khiến cô tự đẩy xa hạnh phúc khỏi tầm tay. Để rồi khi tuổi xuân đã lặng lẽ qua, lúc người phụ nữ ấy tưởng như thật sự tìm gặp được hạnh phúc thì lại phải đối diện trước nhiều trở ngại. Mối tình tha thiết lỡ dở ấy đã để lại một vết sẹo đau đớn trong tâm hồn cô. Tình huống bi kịch mà cuộc đời nhân vật vướng vào cũng là thông điệp mà nhà văn muốn nhắn gửi: hạnh phúc nằm trong tầm tay, hãy chủ động và tự tin nắm giữ nếu không muốn phải xót xa, nuối tiếc khi cơ hội qua đi.

Tiếp cận cuộc sống từ góc nhìn đời tư với những khát vọng, những bi kịch nhân sinh, cuộc sống gia đình, tình yêu và những quan hệ rất đời thường cũng là điểm chung dễ nhận thấy ở các nhà văn thời kì đổi mới. Nhưng điểm mới mẻ, khác biệt ở Triệu Bôn là sự đề cao tình người, chất nhân văn thấm đẫm trong mối quan hệ giữa con người. Vì hoàn cảnh bắt buộc trong cùng cực đói khát, phải buông bỏ con cũng là một cách hi vọng tìm được sự sống mới cho con, song điều đó khiến ông bà Đà (Bến

Phà Đen lặng gió) luôn day dứt, thấy tội lỗi. Người con trai đã trưởng thành tình cờ

được người mẹ cuối đời nhận ra trong muộn mằn, sau đó anh thường xuyên đến với xóm nghèo, thăm hỏi, trò chuyện thân tình với những người hàng xóm lam lũ của cha

mẹ để được nghe kể lại về họ khi còn sống. Câu chuyện bi kịch nhưng đem lại cảm giác ấm áp trong tình người cao đẹp. Sự dứt bỏ tình yêu của Thảo (Một vết sẹo) suy cho cùng cũng là bởi tình yêu cô dành cho Mạnh. Cô không muốn chàng trai ấy phải chịu thiệt thòi khi gắn bó cuộc đời với người phụ nữ hơn nhiều tuổi như mình. Hay người đàn ông kiên trì khi thực hiện kế hoạch hoàn lương cho cô gái giang hồ (Đứa

con thành phố) là sự ca ngợi trước hành động cảm hoá, cưu mang con người bị tha

hoá. Người cựu binh Nải (Người nặng căn) không màng đến hạnh phúc riêng tư bởi không muốn đem bất hạnh của cơ thể ẩn chứa bệnh tật đến với người con gái khác. Anh âu yếm, yêu thương, chăm sóc và hết lòng lo lắng cho sức khoẻ đứa bé con riêng của vợ cũ là minh chứng của một tấm lòng vô cùng nhân hậu, vị tha. Hay Loan, người vợ trong truyện Tình địch, khi biết chồng đang lén lút trong một mối quan hệ bất chính với người đàn bà khác. Những tưởng khi biết rõ sự thật, ba mặt một lời cô phải nổi trận lôi đình như ý định ban đầu cô bày tỏ với bạn chồng “Lúc đó họ đừng có

trách em. Con nào muốn phá nát cái nhà này hãy bước qua xác em!”. Nhưng lạ thay,

sau khi tìm mọi cách để gặp với mục đích dằn mặt người đàn bà kia, thì Loan lại nhẹ nhàng, ân cần trước dáng vẻ xấu xí, khốn khổ và sự van lơn thống thiết của cô ta. Rồi Loan lặng lẽ ra về trong cảm giác thấy tội nghiệp cho người đàn bà cục mịch, xấu xí, bất hạnh đó với ý nghĩ rằng cái cách mà người chồng cô đã làm “cũng là một cách

làm phúc trong đời”. Hẳn là hiếm có những con người cao thượng với tấm lòng bao

dung độ lượng như thế.

Ta dễ dàng bắt gặp cốt truyện đời tư ở nhiều tác phẩm khác như Quán nhậu, Người tài trong thiên hạ, Cậu Phạng, Đồng tiền dải yếm, Ông già phiêu lãng, Quả ổi

nhập hồn bà Đình…Mỗi câu chuyện ta lại bắt gặp một con người với những số phận

và tính cách, phẩm chất khác nhau…Và đa số qua những câu chuyện này đều xuất phát từ cảm hứng ngợi ca, sự trân trọng, cảm phục những con người có vẻ đẹp tâm hồn cao cả. Điều đó thể hiện cách nhìn đời, nhìn người luôn thấm đẫm chất chất nhân văn của tác giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn triệu bôn sau 1975 (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)