7. Đóng góp của luận văn
3.1.1. Miêu tả ngoại hình
Mỗi nhà văn khi xây dựng nhân vật đều cố gắng tạo cho nhân vật một ngoại hình ấn tượng với độc giả. Ngoại hình là toàn bộ những đặc điểm về hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật. Các yếu tố ngoại hình được miêu tả đều nằm trong dụng ý của tác giả. Đó là những chi tiết gợi một bản chất, một phẩm tính người, tạo nên sự khác nhau của mỗi cá nhân hay nét cá biệt riêng của nhân vật.
Nằm trong số những cây bút có nhiều tìm tòi về xây dựng nhân vật, Triệu Bôn là nhà văn khá chú trọng đến các chi tiết về ngoại hình, hành động hay ngôn ngữ của nhân vật. Tuy nhiên, Triệu Bôn thường không khắc hoạ ngoại hình nhân vật cụ thể, tỉ mỉ, ông chỉ cho người đọc hình dung về nhân vật qua những chi tiết rất tiêu biểu, ấn tượng. Nguyệt, cô gái thanh niên xung phong trong truyện Gió ngàn luôn khiến cho Tuấn cảm thấy xao xuyến và cảm phục khi nhìn “tấm lưng áo quân phục, và mái tóc
buông dài của Nguyệt thấp thoáng giữa làn khói bộc phá đang tan”[15, tr.144]. Bóng
dáng của cô gái có tâm hồn trong sáng, hồn hậu ấy gợi cho Tuấn những cảm giác và mơ ước về cuộc sống thanh bình khi “Nguyệt cởi đôi giày vải, xắn hai ống quần quân
phục lên lưng bắp chân, đoạn cuộn mái tóc lại thành một búi gọn gàng trên đầu, rồi
khoan thai lội xuống nước”[15, tr.146]. Ở Nguyệt có sự mạnh mẽ, từng trải của người
con gái dạn dày trong lửa đạn với đôi bàn tay mạnh mẽ, nám hồng, ửng đỏ vì nắng -
“đôi bàn tay đã quai búa, cầm choòng, đã đánh thuốc nổ, đã phá bom nổ chậm”
[15, tr.155], lại có cả sự mảnh mai, mềm mại, đầy nữ tính của người con gái có “dáng người nhỏ nhắn với vài sợi tóc dài loà xoà trên gương mặt nhẹ nhõm, và đôi mắt vừa
buồn thăm thẳm, vừa ngời sáng…”[15, tr.155]. Nguyệt khiến Tuấn ngày càng day dứt
đau khổ khi mang khối tình đơn phương mà ngày ngày vẫn nhìn thấy bóng hình Nguyệt với mái tóc dài “được gió thổi tung lên như một đám mây nhỏ màu mun. Đôi mắt Nguyệt vẫn hơi buồn buồn, gương mặt Nguyệt vẫn điềm tĩnh và êm dịu. Những
câu chuyện Nguyệt kể cũng êm ả và dịu dàng như thế”[15, tr.164]. Nguyệt đã hi sinh
giữa chiến trường nhưng mãi sau này khi chiến tranh kết thúc, mỗi khi đi qua núi rừng Trường Sơn, Tuấn vẫn như nghe thấy âm vang giữa đất trời tiếng gọi trong trẻo của người con gái ấy.
Ở Cuối năm chơi Oẳn tù tì, bà giám đốc Vi “xinh đẹp, mũm mĩm”, với thứ tặng
phẩm trời cho là “ánh mắt lúng liếng, cặp môi đỏ chót”. Bà khiến nhiều người quả quyết rằng “nếu thi sắc đẹp các nữ giám đốc trong toàn quốc, chắc chắn “giám đốc mình” đạt
vương miện hoa hậu, mặc dù bà đã ngoài bốn mươi”. Và lợi hại hơn, “nụ cười và nhan
sắc của bà giám đốc chính là bí quyết thành công của cả công ty”[15, tr.37]. Bởi vì nhờ
có vẻ đẹp trời cho ấy và sự khéo léo trong quan hệ mà những làm ăn sai phạm của công ty bà dù nghiêm trọng đến đâu cũng dễ dàng được bỏ qua.
Trong Đứa con của thành phố, cô gái giang hồ tỏ ra kinh nghiệm với ngón nghề đón khách hàng ngày “nàng sắm vai cô con gái nhà lành với bộ đồ mát mỏng tang ngồi dưới cột điện đường đọc sách, mái tóc thề vắt ra trước ngực để lộ mảng gáy trắng nõn, thỉnh thoảng lại kéo hếch ống quần lụa lên ngang đùi cho đỡ nóng. Nàng thừa biết đám đàn ông đi ngang, cả người chân phương cũng như kẻ dâm đãng không mấy ai có thể bỏ qua cách ngồi hớ hênh, khêu gợi của nàng. Kệ xác họ. Nàng vẫn giả vờ mải mê với trang sách nhưng kì thực đầu óc đang ngong ngóng đợi một con xe sang trọng hoặc một cái xe máy bóng loáng từ từ đậu xịch trước mặt nàng với giọng ỡm ờ quen thuộc: “Cô em, đi chơi với anh không?”. Bấy giờ nàng sẽ thong thả gập sách, ngẩng
lên ra giá thật cao, ra điều kiện phải vào nhà hàng, khách sạn hẳn hoi…”[15, tr.90].
Cả cái bộ dạng thảm hại của cô ta khi bị tên Sở Khanh nào đó lừa gạt cũng được tác giả mô tả tỉ mỉ “đôi chân nàng bước đi không vững” “nàng thèm một bát phở nóng” cho
cái “dạ dày rỗng không của nàng”. Không còn đủ sức che mắt thiên hạ, nàng đành ngồi xệp xuống cái ghế đá kê sát mặt hồ, gục đầu như đang ngủ, như đang buồn u uất
chuyện gì”[15, tr.92]. Hình ảnh của cô khi rơi vào cảnh cùng quẫn, đành phải quay về
cảng than mới thảm hại làm sao “nàng lùi lũi quay về, quần áo nhầu nhĩ bẩn thỉu,
son phấn nhoè nhoẹt, hốc hác như ma đói”[15, tr.106]. Cái bản chất của một
người con gái thích ăn chơi đua đòi, thích giàu sang yểu điệu, sợ làm lụng một nắng hai sương, không chỉ thể hiện qua những cử chỉ hành động, mà qua cả lời nói không còn biết liêm sỉ là gì. Cô tự tin đến ngạo nghễ nói với người đàn ông có ý định “thuần hoá” cô “Ừ thế đấy. Đĩ điếm thế đấy. Thế mà từ thằng to thằng nhỏ
đều úp sấp mặt vào. Đâu thèm kể đến cái thứ như anh”[15, tr.105]. Hay cùng
đường, cô van vỉ, gạ gẫm cả bác đạp xích lô đáng tuổi bố mình “Thế này vậy. Anh
kiếm chỗ nào vắng vắng, em cho anh ngủ với em một cái…”[15, tr.107].
Những người con gái trong sáng tác của Triệu Bôn thường được tác giả miêu tả với ngoại hình riêng, thường toát lên vẻ đẹp nữ tính. Người đọc hẳn còn ấn tượng với người con gái đẹp làng Cổ Bôn trong truyện Tung bay dải yếm lụa đào: Cô Vơn “quanh năm suốt tháng dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng mà da dẻ cứ trắng như trứng gà bóc,
dáng người thắt đáy lưng ong, mắt đen lay láy, miệng cười như hoa”[15, tr.401]. Ngày
Tết, được mặc quần áo đẹp “quần lĩnh, áo mớ ba, khăn nhiễu, yếm đào”, cô “càng
rực rỡ như nàng tiên giáng trần”. Cô xuất hiện giữa hội đu, say mê tung mình trên
trục đu như chao liệng giữa không gian, dải yếm lụa đào tung bay giữa thinh không đất trời mùa xuân khiến “cô đã trở thành niềm thầm ước thầm kín, khát cháy trong
tâm tưởng đám trai làng”[15, tr.404]. Nhân vật Hoá trong truyện ngắn Là tôi khi ở
dưới căn hầm bí mật, được miêu tả với “vầng trán phẳng hơi thâm thấp, đôi má bầu bĩnh, những nơi cổ tay cổ chân không được quần áo che khuất trên người cứ sáng lên như những mảnh trăng hết sức thanh bình, toả ra mùi thơm ấm áp của da thịt tuổi
trẻ, biến căn hầm bí mật tối tăm, chật chội thành một thế giới riêng”[15, tr.218]. Còn
Lẫm trong Hương quế thì không sao quên được Thìn, người con gái “có mái tóc đen mượt, hai gò má mịn màng ánh hồng dưới ánh sáng ngọn đèn…Thìn có đôi mắt to, thẳng thắn đến khờ dại vì không biết che đậy những ý nghĩ bên trong”, “gương mặt cô đang nghiêng nghiêng mơ mộng nhìn lên ngọn lá xanh. Lẫm có cảm giác rằng trên khắp thế gian này Lẫm sẽ không tìm đâu được một gương mặt sáng tươi và thuần
phác như gương mặt của Thìn”[15, tr.194]. Người con gái bản Mường Lay trong
làm rung động bao người đàn ông ở lâm trường với vẻ đẹp nõn nà như không tì vết
“cô cao dong dỏng, môi đỏ, da trắng”. Bằng việc miêu tả ngoại hình, tác giả bày tỏ
tình cảm của mình cũng như bộc lộ tính cách nhân vật. Nhân vật nữ, có ngoại hình đẹp thường lại là những số phận gặp nhiều trắc trở, bất hạnh.
Đối với nhân vật là đàn ông trong truyện ngắn của mình, Triệu Bôn cũng thường chú trọng phác hoạ đặc điểm ngoại hình như những nét nói lên tính cách, số phận. Con người mạnh mẽ, cứng cỏi, từng trải của Già Lâm như chứa đựng cả cuộc đời dữ dội thời tuổi trẻ: “Con người khó đoán tuổi. Mái tóc đen nhánh chưa vướng một sợi bạc. Đôi mắt hình quả đậu ván ngấm ngầm phát sáng gợi ta nghĩ tới một bộ đôi đuôi cá cờ luôn luôn thay đổi mầu sắc, lúc óng ánh rực rỡ, lúc tím biếc, lúc vàng vàng màu nghệ non. Vầng trán cao, hai má dài rộng, gò má nhọn, những đường nhăn chi chít xuất phát từ gò má, từ thái dương, kéo xuống tận cằm, giống như những dòng sông ngoằn ngoèo phát nguyên từ trong rừng sâu núi cao và kết thúc ở cửa biển. Với tầm vóc cao lớn bao giờ cũng dư thừa sức lực, và chút tật nguyền nằm bên chân phải khiến già Lâm bước tập tễnh làm giảm mất rất nhiều vẻ tráng kiện, tinh nhanh của già”[15, tr.362]. Chuyện đời, chuyện tình của Già Lâm như một khúc ca bi tráng giữa núi rừng Tây Bắc. Sau bao nhiêu dãi dầu mưa nắng với rừng già, sau những đau buồn, tuyệt vọng, thử thách của số phận nghiệt ngã, tình yêu mãnh liệt và chung thuỷ với người yêu đã mất tích khiến Già Lâm vẫn luôn mạnh mẽ với “những bước chân vững chãi,
nhanh nhẹn, con dao rừng giắt vào tấm phẻn vắt vẻo sau mông”[15, tr.380], anh coi sóc
cánh rừng tận tâm, tận lực và giữa núi rừng “dáng đứng của anh quả thật rất ung dung,
thư thái. Anh đang tựa vào cánh rừng của anh”. Nhân vật anh Sông Ba trong truyện
Người gầm lại mang những nét ngoại hình của bậc trượng phu ngang tàng “Người anh
cao to, da đen nhẻm, dáng đi dáng ngồi đều bạo tợn, nặng nề, tiếng nói ồm ồm lệnh vỡ, tính nết thì lúc hiền, lúc thủ thỉ, dịu dàng, mà hễ thất trực là đùng đùng giận dữ quát hét
như ông Trương Phi thời Tam Quốc chiến bên Tàu” [15, tr.313]. Con người có những
nét hồn nhiên đến ngang tàng, hảo hớn ấy cũng không thể giúp anh che giấu nỗi đau đớn, tuyệt vọng khi mất đứa con trai yêu quý. Ngay cả trong nỗi đau, con người ấy cũng bộc lộ cũng thật kì lạ trong “tiếng hú rùng rợn, tiếng gầm rung chuyển như xé tung cả đất
trời” và “tiếng nấc, tiếng nuốt nước mắt ừng ực từ phòng tối vọng ra” [15, tr.323].
Nhân vật người đàn ông trong truyện Người nặng cănđược tác giả dành tình cảm phác hoạ nhiều nét ngoại hình hấp dẫn: “Anh Nải năm nay vừa tròn năm mươi tuổi. Ngay
cả khi đã bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”, về hình thức bên ngoài mà nói, nhiều chàng trai vẫn phải “chào thua” anh. Anh có dáng người đẹp một cách rất đàn ông: cao lớn, cân đối, nước da ngăm ngăm, gương mặt từng trải, ham thể dục thể thao, đặc biệt là đôi mắt nhìn và khoé miệng cười lúc nào cũng buồn buồn. Phái nữ đa tình nhiều chị
nhiều cô từng mất ăn, mắt ngủ vì đôi mắt, nụ cười ấy”[15, tr.324]. Với vẻ ngoài hấp dẫn
ấy, đáng lẽ anh Nải phải tìm được cho mình một tình duyên như ý với hạnh phúc riêng từ lâu. Dường như, càng ưu ái trong mô tả ngoại hình của nhân vật bao nhiêu, tác giả càng cảm thông cho đời sống hạnh phúc riêng tư không may mắn của anh bấy nhiêu. Khi cơ thể đã ngấm bao nhiêu chất độc từ chiến tranh, người vợ cũ từng sinh nở nhiều lần không trọn vẹn, khiến cả quãng đời sau này anh cũng không dám nghĩ mình đủ an toàn để gắn bó cuộc đời với một người phụ nữ nào khác nữa.
Như một phương cách để xây dựng nhân vật, việc mô tả ngoại hình nhân vật của tác giả đã cho người đọc có những hình dung cụ thể, sinh động về nhân vật như một cá thể riêng biệt, độc đáo. Từ đó người đọc có thể hiểu hơn về chiều sâu tâm hồn, tính cách, số phận của mỗi con người cá nhân trong cuộc sống.