7. Đóng góp của luận văn
2.1.1. Không khí trận mạc
Triệu Bôn là một cây bút thuộc lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc đời cầm bút của Triệu Bôn cho thấy ông là người gắn bó sâu sắc với đời sống quân ngũ và những mảnh đất nóng bỏng khói lửa chiến tranh. Từng lăn lộn khắp các chiến trường cũng như có mặt ở các tuyến lửa trong kháng chiến chống Mỹ, đó là những chất liệu sống vô cùng quý giá để nhà văn tái hiện không khí trận mạc còn in đậm hơi thở chiến trường trên trang viết của mình. Sau năm 1975, những ngày đầu từ quân ngũ trở về, dường như niềm say mê và mối quan tâm lớn nhất của Triệu Bôn vẫn là những trang viết về mặt trận. “Những trang về kỉ niệm của Triệu Bôn khác so với nhiều người viết cùng thời. Khó tìm thấy ở Triệu Bôn những kỉ niệm về một dãy phố, một căn gác nhỏ có giàn hoa Tigôn, có cửa sổ hướng về sân thượng nhà hàng xóm; về những buổi chiều dong trâu đi về lối ngõ làng quê. Càng không phải là kỉ niệm về một mối tình…Kỷ niệm trong trang viết của Triệu Bôn chính là mặt trận, về con người và sự việc ở mặt trận. Điểm cuốn hút đầu tiên và mãi tận sau này đối với
Triệu Bôn chính từ phía ấy” [27, tr.82].
Có thể thấy cái nóng bỏng, ác liệt của chiến trường còn in đậm trong nhiều tác phẩm như: Gió ngàn, Người đi dạo ven hồ, Người gầm, Là tôi, Âm thầm…Truyện ngắn Gió ngàn là kỉ niệm về mối tình đơn phương của Tuấn dành cho Nguyệt khi họ cùng nhau làm việc trong không khí lao động khẩn trương ở công trường đá của một đơn vị thanh niên xung phong. Họ làm nhiệm vụ của những người chiến sĩ tháo bom, phá đá, mở đường, thông tuyến an toàn cho con đường Trường Sơn huyết mạch ra mặt trận, giữa vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tình yêu và sự ngưỡng mộ, cảm phục của Tuấn dành cho Nguyệt - tiểu đội trưởng tiểu đội 2, một cô gái dũng cảm, nhanh nhẹn và chín chắn, tốt bụng và gần gũi, chu đáo với tất cả mọi người- cứ lớn dần trong Tuấn giữa những ngày bom đạn khốc liệt của kẻ thù dội xuống những cánh rừng Trường Sơn. Để nén chặt tình cảm của mình với Nguyệt, Tuấn ép mình vào công việc, “xin tháo bom và phá bom, một quả bom từ trường chui xuống nằm
ngay ở cua chữ V, một bên vực, một bên vách núi, cấp trên cho đặt thuốc nổ để
phá huỷ”[15, tr.162], nhưng Tuấn xin tháo để đỡ cho cả đơn vị phải hì hụi đào vách
đá để mở một con đường tránh sang hướng khác, công việc ấy mất cả tuần lễ chưa chắc đã xong. Nơi Tuấn thường trực suốt ngày đêm ở ngầm được coi là cái “túi bom” nổi tiếng khắp Trường Sơn. “Ở đây, ngày nào cũng như ngày nào, cứ đúng một giờ rưỡi chiều là máy bay Mỹ lại kéo đàn, kéo lũ tới, ném bom xuống quãng đèo phía tây ngầm”. Có khi một buổi chiều “bọn địch ném 32 quả bom tất cả, trong đó có 12 bom
nổ chậm và chừng hơn một nghìn bom bi…”[15, tr.166]. Đọc Gió ngàn người đọc
cảm nhận rõ ràng cái ranh giới mong manh giữa sống và chết đối với những người chiến sĩ thanh niên xung phong đang hết mình, quên mình trên mặt trận bảo vệ cầu đường như Nguyệt, Tuấn, Lãm, Sùng….
Tác giả Trần Quốc Huấn trong bài viết “Triệu Bôn và những trang viết về mặt
trận” đã chia sẻ: “Triệu Bôn thường hay nhắc lại cái cảm giác kì lạ của người cầm
bút ở chiến trường. Tất cả nhét vào bụng áo: sổ tay, bút giấy, nhật kí…Anh đi cùng đồng đội. Trong khi người lính được lệnh là xông lên, còn anh không ai ra lệnh. Anh có thể nằm đấy - một căn hầm tránh pháo chắc chắn. Có thể ngồi uống nước chè với
tiểu đoàn trưởng sau mỗi trận đánh và lính kể cho nghe…” [27, tr.82]. Truyện ngắn
Là tôi có lẽ được ra đời từ kỉ niệm về những ngày tác giả lăn lộn ở chiến trường Đông
Nam Bộ. Trong hoàn cảnh của một người chiến sĩ được nhận nhiệm vụ “điều nghiên” chi khu Cả Trấp nằm trên ranh giới giữa đồng Tháp Mười với tỉnh Prâyven của Campuchia, sống với đội du kích ấp Thới Hoà Trung. Tác giả mô tả thật sống động những trận càn oanh tạc của kẻ thù “mặt đất đang chao đảo, đang nảy lên bần bật, đang xô qua lại liên hồi. Ào ào. Ập ập.Rồ rồ. Nhức buốt hai màng nhĩ trong tai. Trông ra cánh đồng cuối mùa khô mênh mông chỉ thấy chớp lửa, và mịt mù khói, không phân biệt đâu khói đạn đại bác, đâu khói đốt đồng chuẩn bị cho mùa gieo sạ. Xe bọc thép M113 lổm ngổm như cua bò. Chạy sau hàng xe M113 là những bộ binh lô nhô như đàn kiến mối. Đạn xé tơi tướp những rặng cây mắm, cây bần, cây bình bát, tràm, keo tai tượng, ô môi, xô rạp cả rừng dừa nước ngút ngàn bên bờ sông Tiền”[15, tr.217]. Để an toàn, anh được đưa xuống một căn hầm bí mật. “Tấm cửa hầm sập xuống. Tôi rơi từ cõi vô cùng vũ trụ vào lòng đất đen. Tiếng đạn réo bên trên thoắt xa lắc nhưng tiếng đại bác khiến lòng đất quanh tôi bỗng giật đùng
đùng…”[15, tr.217]. Ở đây, những người lính lúc làm dân, lúc làm lính đã quen thuộc
mật là một không gian của cuộc sống. Còn trên mặt đất hay trong khu căn cứ du kích,
“dưới mỗi lá cây ngọn cỏ đều có thể là một trái mìn. Xê dịch dù chỉ một bàn chân đều có
thể gặp cái chết bất tử. Không đồn bốt, không thành cao hào sâu, các khu căn cứ du kích vẫn trở nên “bất khả xâm phạm” là nhờ những vành đai bí mật chôn dày đặc các loại trái
chết người như thế…” [15, tr.221]. Sự căng thẳng, khốc liệt, sự mong manh của ranh
giới giữa sống và chết của người lính trong truyện ngắn còn được khắc hoạ trong hoàn cảnh ngặt nghèo khi phải đối mặt với kẻ thù.
Truyện ngắn Âm thầm là dòng trần thuật về cuộc sống của người chiến sĩ trên các chốt nhỏ nằm trong chiến dịch tấn công vào thị xã Bình Long của quân ta. Để thực hiện hình thức vây lấn, “trên toàn mặt trận, ta chỉ để lại một trung đoàn, chia thành từng chốt nhỏ để lấn được chút nào thì lấn, lấn không được thì giữ, không cho địch tự do bung ra
đánh chiếm lại những cánh rừng cao su ở xung quanh” [13, tr.121]. Cuộc sống của
người chiến sĩ trên các chốt là cực kì căng thẳng và khổ ải. Song, “nơi khốc liệt nhất vẫn là cái chốt ở cua chữ S trên đường 13, cái yết hầu của Bình Long nối với đầu não Sài Gòn” [13, tr.121]. Nơi hàng trăm chiến sĩ luân phiên nhau lên giữ chốt cua chữ S không một người dám hy vọng mình sẽ được hưởng may mắn có đi và có về. Tiểu đội gồm ba chiến sĩ: Nghĩa, Thước, Vầu được giao nhiệm vụ trực chiến trên điểm chốt chữ S nguy hiểm đó. Tác giả đã truyền đến cho người đọc thật rõ nét cái cảm giác nóng bỏng của không khí chiến trận ác liệt ở vị trí này: “Lúc mặt trời lên, một đợt súng nổ rộ ở phía cua chữ S (chắc hẳn bọn lính dù trong thị xã lại kéo ra phản kích)? Sau đó, là cuộc đấu pháo giữa ta và địch. Một trận địa pháo nòng dài của ta đặt trong lô cao su đã lên tiếng. Những tiếng nổ đầu nòng nghe choang choang, dù chuẩn bị tinh thần trước vẫn cứ giật thót người. Mấy loạt đạn pháo 155 ly của địch cũng quạng trả xuống khu vực này. Có quả bay lạc, nổ ngay trên trên đường lỗ, mảnh bay veo véo qua đầu ba
người” [13, tr.123]. Với những người chiến sĩ ở đây, chạy qua những làn đạn đó, chạy
nhanh về chỗ con suối, dẫu đục ngầu vì trận mưa đêm qua, được tắm mình ở đó vẫn là một thứ hạnh phúc như trong mơ của họ khi trở về từ trận địa.
Hồi ức của người lính trong truyện Người gầm lại là những ngày tháng ở chiến trường Tây Nguyên “bom đạn đầy trời” với những trận càn mà “bom khoan, bom phạt, bom chất độc, bom xăng, xe tăng, đại bác và nghìn lính Mỹ ào tới hòng thiêu cháy
rừng Tây Nguyên, biến Tây Nguyên thành sa mạc không người”, là “những buổi sáng ở
rừng, mặt trời chưa kịp mọc, cây lá còn ướt đẫm sương đêm. Tiếng ì ì của loại máy C130 vọng tới. Nhìn ra cửa hầm đã thấy trời đục ngầu màn bụi của chất độc hoá học.
Chúng tôi, ai nấy vội vàng cầm dao quắm, cầm xẻng, ai không sẵn có dao quắm và xẻng thì rút dao găm hoặc vác gộc cây, vác đá tảng, chạy lên nương sắn đang mẩy củ, tay cầm khăn mặt nhúng nước bịt mũi, bịt miệng, tay cầm dao cầm xẻng, cầm cây cầm đá, dùng cả báng súng, hối hả chặt, phạt, đập gẫy ngang thân những cây sắn để chất
độc hoá học không kịp theo “mạch máu” của cây ngấm xuống củ”[15, tr.311] Những
tháng ngày kinh hoàng ấy còn ám ảnh người lính mãi về sau này, nhức nhối trong nỗi đau của con người bước ra từ cuộc chiến.
Không khí trận mạc trong truyện ngắn Người đi dạo ven hồ gắn liền với câu chuyện về người kĩ sư chế tạo vũ khí ở Bộ Quốc phòng. Trong những ngày bom Mĩ dội xuống những đường phố Hà Nội, anh vẫn có thói quen đi dạo trên con đường ven Hồ Tây và hồ Trúc Bạch vào những buổi chiều hoàng hôn. Bà Mão, chủ quán nước chè cạnh đền Quán Thánh quen dần sự xuất hiện của anh và dần coi anh như người quen thân. Tình cảm đặc biệt đã nảy nở giữa anh và người con gái bà Mão. Một buổi chiều, trong khi cô gái ngóng chờ anh đến thì anh đã rời Hà Nội với tờ lệnh đặc biệt của cấp trên và những tài liệu cuối cùng để đưa trái VF- loại vũ khí nổ dưới nước mà anh đã chế tạo - ra mặt trận. Tất cả những gì có thể, anh và các cộng sự đã làm để đưa loại vũ khí này lần đầu tiên vào thử nghiệm. “Bây giờ xông pha mấy trăm cây số đường bom đạn vào đây, anh tự lấy thân mình, niềm hi vọng cùng nỗi lo âu vô bờ bến của mình làm “vật bảo đảm” trước những người sắp đưa VF lên đường xuất trận”[15, tr.296]. Qua vùng đất lửa Vĩnh Linh, qua sông Bến Hải, trái VF đã được cơ sở bí mật chuyển đến một động cát phía nam quân cảng Cửa Viềng. Những ngày ở đây, anh phải chịu đựng những gian khổ ở khu căn cứ vùng cát, “một tuần đêm nào anh cũng bị dựng dậy vì những quả đạn 406 milimet từ tàu chiến Mỹ bắn lên nổ như
sét đánh trên đầu”[15, tr.297], rồi những trận pháo kích của không quân và pháo binh
địch khiến “cả vùng căn cứ kháng chiến bị chìm trong một “dàn đồng ca” của pháo
binh hải quân Mỹ [15, tr.297]. Sức ép từ những tiếng nổ như gươm chém ngang
người khiến anh ngất đi. Song những điều đó không là gì so với những lo lắng của anh chờ đợi kết quả của trái VF mà các chiến sĩ đặc công đã đưa xuất trận. Thế rồi, sau khi biết tin VF mà anh chế tạo đã phá huỷ được tàu chiến của giặc, những lại có khuyết điểm, khiến ba chiến sĩ hi sinh tại chỗ, anh quyết định không thể trở ra Bắc, ở lại để tìm hiểu thêm về VF. Ở lại khu căn cứ đó, anh say sưa với những tài liệu viết tỉ mỉ để khắc phục hạn chế và nâng cấp VF thành một thứ vũ khí bán tự động chuyên dùng cho binh chủng đặc công hải quân. Những thành quả chế tạo của anh liên tiếp ra
đời, những thế hệ VF2, VF3 liên tiếp lên tiếng vang dậy ở các vùng biển Hội An, Cam Ranh, Bà Rịa, sông Lòng Tàu. Và khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi trở về Hà Nội, mái tóc của anh đã điểm hoa râm.
Như vậy, có thể nói, hồi ức về chiến tranh của Triệu Bôn là những trang viết thực sự thăng hoa. Ở đó, con người được đặt trong những hoàn cảnh dữ dội, nóng bỏng, ác liệt của chiến tranh, ở đó con người trong tích tắc có thể bị huỷ diệt bởi bom đạn nơi chiến trận. Mỗi truyện của Triệu Bôn như những thước phim sống động về con người và sự việc ở chiến trường. Người đọc qua đó không chỉ được biết thêm nhiều miền đất, cái diện rộng của chiến trường mà như còn được sống trong cái dữ dội, khốc liệt của từng khoảnh khắc chiến đấu. “Triệu Bôn thường theo sát những người chiến sĩ khi xung trận. Chủ yếu anh đi theo trinh sát bộ binh, trinh sát pháo binh, hoặc ở lại cùng các tổ chốt. Có lúc chính anh đã góp ý, bàn bạc cách đánh và
cùng đánh với mọi người…Chính vì thế, anh viết với cảm giác của người tham dự
trực tiếp mỗi trận đánh. Không còn là sự mô tả từ xa. Hoặc hoàn toàn viết từ những
câu chuyện nghe kể lại” [27, tr.83]…Hầu hết các trang viết của Triệu Bôn đều như sự
trôi chảy của những dòng người, những sự việc dễ gặp ở chiến trường. Và những dòng chảy ấy từ nhiều ngả đều đổ dồn về một phía: mặt trận. Nhờ vậy anh tạo được sự lôi cuốn của sự thật - cái mà nhiều người vẫn gọi là nét “gân guốc, dữ dội” trong
lối viết Triệu Bôn” [27, tr.83]. Thật vậy, những trải nghiệm thực tế bằng cả xương
máu trong những ngày tháng gian khổ ở chiến trường của tác giả chính là tiền đề tạo nên sự sống động, chân thực và lôi cuốn cho những trang văn về trận mạc, dù lúc này Triệu Bôn đã sống trong hoà bình. Những tác phẩm về đề tài này sau 1975 của Triệu Bôn, nhân vật dù mang tâm thế của người trong cuộc hay người đã bước ra từ cuộc chiến, đều rất đậm nét không khí trận mạc, ở đó hiện lên tất cả những chất bi - hùng của cuộc kháng chiến.