7. Đóng góp của luận văn
3.1.2. Khám phá nội tâm nhân vật
Nhân vật trong truyện ngắn Triệu Bôn chủ yếu là các nhân vật đời thường, những số phận cá nhân phong phú của đời sống. Triệu Bôn khi đặt nhân vặt trong những tình huống cụ thể ấy thường rất chú ý khắc hoạ đời sống nội tâm của nhân vật. Những nấc thang tâm trạng với những cảm xúc, cảm giác, những cung bậc sắc thái phong phú, phức tạp của tâm hồn con người khiến cho nhân vật luôn hiện lên đầy chân thực và bí ẩn.
Câu chuyện Bụi hoàng hôn trôi đi trong dòng tâm tư của nhân vật ông Trọng từ lúc ông bị quyết định thôi giữ chức bí thư huyện uỷ. Ông bắt đầu nhận ra mọi thứ đều thay đổi chóng vánh trong thái độ cư xử của mọi người xung quanh. Từ những cử chỉ lạnh nhạt, từ những ánh mắt hững hờ xa lạ của những người vốn quen thân với ông đến cả sự hỗn hào, xấc láo của những phần tử thiếu văn hoá trong cái huyện nhỏ mà ông đã lãnh đạo…khiến ông chìm trong những dòng tâm tư: “Vui vẻ, đắng cay, hài hước. Lúc lúc lại sợ có người nhìn thấy mình…”, “Ông quên cả cái cảm giác nhức rát ở vết thương nơi đầu gối. Ông ngồi, đầu nghiêng, gần như bất động để được chìm đắm theo dòng suy nghĩ: Ông Trọng đi theo Cách mạng từ khi còn là một cậu thiếu niên. Bốn chục năm có lẻ, ông được học cơ man nào là những bài học cách mạng, về chỉ huy, lãnh đạo, đấu tranh với kẻ thù, đấu tranh nội bộ, những bài học
thành công, những bài học thất bại. Những bài học cấp trên và đồng đội dạy cho ông, kể cả những bài học ông mang dạy cho cấp dưới. Nhưng hình như chưa một lần, chỉ trong vòng vài chục tiếng đồng hồ, từ chiều qua đến giờ, ông được tận mắt chứng kiến, những bài học về đồng chí, đồng đội, xã hội, con người với đầy đủ hương vị đắng cay, ngọt bùi, như thế này. Phải chăng, số phận đang làm một phép tính để bông đùa: Suốt nhiều năm được thiên hạ đón đưa, chiều luỵ, để rồi chỉ một ngày bắt lĩnh đủ những trò nâng lên hạ xuống?...Lúc này ngồi một mình ông tranh thủ mở một cuộc sơ kết nho nhỏ. Những gương mặt tráo trở, hỗn hào, xấc xược lần lượt hiện lên trước mắt ông. Ông đau lòng tự nhận một phần trách nhiệm của mình - của một bí thư huyện uỷ trong đó. Còn những gương mặt trung thực, những tấm lòng thơm thảo
lại đang cổ vũ ông đừng vội nản chí trước cuộc sống phong phú này…”[15, tr.33].
Tác giả đề nhân vật tự ý thức, suy tư, trăn trở, suy ngẫm về lẽ đời, về đạo đức nhân sinh từ chính những trải nghiệm của bản thân. Những bài học lí thuyết không thể nào thuyết phục và sâu sắc, thấm thía bằng bài học nhãn tiền mà cuộc đời đã dạy cho ông.
Nhân vật người chồng trong truyện Gã ngợm được tác giả chiếu rọi cái nhìn của mình vào những góc khuất nội tâm. Người đàn ông ấy đầu óc toàn chữ nghĩa văn chương, sách vở, luôn coi trọng tình nghĩa giữa con người, đã thực sự cảm thấy cô đơn, xa lạ, tù túng trong lối sống nhỏ nhen, ích kỉ, toan tính của người vợ. Mặc cho vợ gã với đám khách đàn ông dung tục, bỡn cợt, nói cười bả lả, lúng liếng, đầu mày cuối mắt, lòng gã vẫn lạnh tanh, không hề gợn chút ghen tuông. Cái nhà may tứ thời nhộn nhịp của vợ gã, khiến gã không thể nào yên ổn mà để tâm vào trang sách. Tác giả khắc hoạ rất rõ nét cái cảm giác bức bối, ngột ngạt như muốn nổ tung trong tâm tưởng người đàn ông khốn khổ ấy: “Chữ nghĩa cứ nhảy múa nhấp nhoá trên trang sách mà chẳng dòng nào đoạn nào lọt được vào đầu gã. Gã thở hực,đứng lên đóng chặt tất cả các ô kính rồi lại vớ lấy quyển sách” “lúc này trong ánh nắng lưng chiều gã đưa mắt ngắm cây nhội đứng im phắc bên ngoài lớp kính mỏng tự nhiên bồi hồi như đang cố nén lòng chờ đợi. Chẳng hiểu chờ đợi cái gì. Thoạt đầu, gã mơ hồ cảm thấy mình sắp ngã bệnh. Có con vi rút lạ vừa đột nhập vào tim gan ngó ngoáy không chịu yên. Sau gã lại muốn một trận cảm thật nặng, không ngóc đầu lên được để khỏi
phải nghĩ ngợi lằng nhằng”[15, tr.121].
Miêu tả nhân vật trong những giằng xé trong nội tâm, nhà văn như nhập thân để cõi lòng nhân vật hiện lên với đủ những sắc điệu của cảm xúc. Những bàng hoàng, đau đớn, nuối tiếc trong thổn thức xót xa của nhân vật sư Đàm Hồng trong truyện ngắn Gió
lay cửa Phật được khắc hoạ thật xúc động: “Mô phật. Có lẽ nào con người đang đứng lừng lững ngoài kia lại chính là Thái? Sư thầy Đàm Hồng vội mở toang cửa lao ra. Lát sau, sư thầy như người chết rồi, vừa bước vào tới ngưỡng cửa đã lảo đảo ngồi xệp xuống. Con người quái dị kia không thể là người yêu năm xưa của nàng….Không có vết sẹo bé như mảnh vỏ trấu dính vào đôi mắt bên phải. Không có cái ngón chân út ở bàn chân trái bị trâu giẫm bẹp lép. Không có ánh mắt nồng nàn, hồn nhiên như mắt trẻ
thơ. Không có chút hơi hướng nào của Thái!” [15, tr.134]. Dòng cảm xúc của sư Đàm
Hồng cứ thế tuôn chảy, tìm về quá khứ với những đắng cay, oan trái của cuộc đời và tình yêu. Trong cơn mê sảng sư thầy mơ thấy Thái. Bóng hình người yêu trở về nguyên vẹn trong giấc mơ khiến Thu Hồng nghẹn ngào, tức tưởi: “Thái ơi. Thái cho em đi với. Sở dĩ em gửi thân vào cửa Phật chỉ cốt có đủ thời gian chờ đợi anh. Đừng bỏ em mà đi. Một mai lên cõi Niết bàn nhưng thiếu anh, một mình em lên đó để làm
gì? Thái ơi!, con ơi!”[15, tr.140]. Bằng những lời độc thoại, đối thoại nội tâm, tác giả
miêu tả rất tinh tế và cảm động những nỗi niềm thổn thức trong cõi lòng sâu thẳm của nhân vật.
Nhân vật anh nhà văn trong truyện Hoạ văn chương, trên đường về quê, ngồi cùng xe với những người khách xa lạ, vô tình nghe được họ sôi nổi bàn tán về ai đó mà hoá ra lại chính là mình với những chuyện bịa đặt, xuyên tạc khiến nhân vật tôi rơi vào hoàn cảnh thật trớ trêu, những băn khoăn dở khóc dở cười “Tôi bỗng rụng rời cả người. Ất, chính là cái tên bố mẹ đặt cho tôi.… Nhưng tôi có léng phéng với cô Liên Xô nào đâu? Có ông lớn nào che chở cho những trang viết của tôi đâu? Hay họ đang nói đến một người nào khác có tên Ất? Từ lúc ấy, tôi như bị hút vào câu chuyện đường dài của ba người đàn ông. Lúc ngực tôi lại giật thót lên vì họ đã động tới nhiều chi tiết đúng là của mình; hoặc đỏ mặt, vã mồ hôi khi phải nghe những điều
chẳng ra gì mà người ta vô cớ “dựng đứng” cho mình” [15, tr.187].
Với người phụ nữ luôn mang mặc cảm về ngoại hình như Thảo (Một vết sẹo), nội tâm trong cô luôn luôn là sự đấu tranh với lí trí để tự trấn át những cảm xúc riêng tư. Cho đến khi trái tim cô thực sự rung động với Mạnh, tình yêu đến với cô là sự cảm nhận rất rõ ràng thì nội tâm trong cô vẫn là sự đấu tranh, giằng xé quyết liệt với lí trí, bởi mặc cảm về tuổi tác chênh lệch giữa hai người và cô không đủ dũng khí để đối mặt với dư luận không hay về mối tình khác thường ấy. “Tội nghiệp cho Mạnh! Anh còn trẻ quá. Anh tốt đến chân thành, ngây thơ, chưa hiểu thế nào là sự gặm nhấm tai hại của thời gian. Chứ ở tuổi tôi, khi tỉnh cơn say, người ta bắt buộc phải
suy nghĩ tới chặng đường dài ở trước mặt. Việc phải vào nằm viện, xa hẳn xí nghiệp, đã giúp tôi có thời gian và đủ yên tĩnh để nhìn thấu tới mười mươi năm sau, khi mà
Mạnh còn ở cái tuổi bốn mươi cường tráng thì tôi tóc đã bạc…Ý nghĩ này giống như
những viên đạn chì cứ nhằm trúng tim tôi mà nã. Tôi vật vã quằn quại, nhưng không còn cách nào khác là phải dứt mình ra khỏi vòng tay ấm nóng của Mạnh. “Mạnh ơi! Em giải
phóng cho anh! Em chỉ có một mong ước duy nhất, anh được hạnh phúc”[15, tr.255].
Tình yêu của Thảo dành cho Mạnh có cái say đắm, mãnh liệt của người phụ nữ đã quá lứa lần đầu mới dám yêu, biết yêu và được nếm trải mùi vị của tình yêu. Tình yêu ấy cũng gần với sự chăm sóc, bao dung, ân cần của người phụ nữ từng trải với người con trai còn hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Nhà văn đã rất tỉ mỉ trong việc khắc hoạ đời sống tâm tư đầy phức tạp của người phụ nữ trong tình yêu.
Khảo sát các truyện ngắn của Triệu Bôn có thể thấy tác giả rất hay đặt nhân vật trong những dòng cảm xúc, tâm tư, từ đó nội tâm nhân vật hiện lên rõ nét. Từ những trạng thái cảm xúc trong tình yêu đơn phương của người lính (Gió ngàn) đến những nỗi niềm đau đớn, xót xa của một cuộc đời oan nghiệt của nhà sư (Gió lay cửa Phật), từ nỗi niềm cô đơn, bức bối của người chồng trong sự lạc lõng, bị bỏ quên (Gã ngợm) đến những day dứt, suy tư, hụt hẫng trước lẽ đời của ông bí thư (Bụi hoàng hôn)…Kết hợp với sự khắc hoạ nhân vật qua ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói…, đặt nhân vật trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể của số phận cá nhân…nhân vật của Triệu Bôn bao giờ cũng được hiện lên với những nét phẩm chất, tính cách rất rõ ràng, cụ thể, đời sống tư tưởng tình cảm phong phú, chân thực.